Bất kì ai trong chúng ta cũng đều nghe quen cụm từ “giáo dục giới tính”. Nhưng suy nghĩ lại một chút, “sex” trong tiếng Anh vừa là giới tính, vừa là tình dục. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc rằng “sex education” gọi là giáo dục giới tính hay giáo dục tình dục chưa? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!


Trước tiên, bạn đã hiểu rõ về các kiến thức của “sex education” chưa nhỉ? Hãy cùng chơi trò chơi này xem!


“Sex Education” tại Việt Nam

Chương trình “sex education” sẽ tập trung về các cơ quan sinh dục, sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục trước hôn nhân và mang thai ngoài ý muốn, các biện pháp phòng tránh thai và nạo phá thai an toàn, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và kĩ năng phòng tránh xâm hại tình dục

Những kiến thức phổ biến và chính quy nhất đến từ chương trình Sinh học lớp 8, chương 11 tại cấp trung học cơ sở. Cũng có một số kênh khác truyền tải kiến thức này, như các chương trình truyền hình (VTV7) và Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục (IRES) cũng tăng cường các chuỗi phim hoạt hình và chương trình giáo dục trẻ em về bảo vệ cơ thể và chống xâm hại tình dục. Các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam cũng đẩy mạnh việc tự tổ chức các buổi giáo dục dành cho nữ sinh viên về các vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục và nạo phá thai không an toàn.


“Sex Education” tại Hoa Kỳ

Mặt khác, chương trình sex education tại Hoa Kỳ sẽ bao gồm:

  • Phát triển con người (bao gồm kiến thức về sinh sản, tuổi dậy thì, xu hướng tình dục, bản ngã giới,…)
  • Các mối quan hệ (chẳng hạn như gia đình, bạn bè, tình yêu,…)
  • Hành vi tình dục (bao gồm các hoạt động, trải nghiệm, xu hướng tình dục và các lưu ý trong quá trình quan hệ để đảm bảo sức khỏe)
  • Sức khỏe tình dục (bao gồm cả các bệnh qua đường tình dục, tránh thai, và mang thai)
  • Xã hội và Văn hóa (bao gồm cả vai trò giới, đa dạng, và tình dục trong giới truyền thông)

Có thể thấy rằng, tuy khái niệm “sex education” có thể áp dụng cho các chương trình tại Việt Nam và Hoa Kỳ nhưng nội dung và lượng kiến thức được đề cập, truyền tải có những khác biệt nhất định. Trong đó, học sinh tại Hoa Kỳ có cơ hội được tiếp cận với nhiều nội dung dưới các góc nhìn khác nhau, không chỉ về sinh học như học sinh Việt Nam được tiếp cận, mà còn mở rộng đến những vấn đề về nhận thức bản thân, cộng đồng, vấn đề về xã hội, văn hóa…



Định nghĩa thuật ngữ

Bên cạnh vấn đề về độ phổ quát của kiến thức, sự khác biệt trong cách hiểu khái niệm “sex education” còn đến từ cách tiếp cận khái niệm “sex” của mỗi cá nhân. Một ví dụ điển hình, chúng ta thường hiểu:

sex discrimination: “sự phân biệt giới tính”

to have sex: “quan hệ tình dục” với ai đó.

Tạm gác lại những tranh cãi về phổ rộng của từ “sex” khi chuyển dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về định nghĩa của thuật ngữ “sex education” trong tiếng anh và “giáo dục giới tính” cũng như “giáo dục tình dục” trong tiếng Việt.

Theo Planned Parenthood – một trang web và tổ chức về sức khỏe và các vấn đề liên quan ở Mỹ: “Sex Education được định nghĩa là việc giảng dạy, học tập những vấn đề liên quan đến “sex” và “sexuality”, khám phá những giá trị và niềm tin của con người về những chủ đề này và giúp trau dồi kỹ năng cần thiết để định hướng các mối quan hệ cũng như kiểm soát sức khỏe tinh dục của bản thân.”


Nếu ta hiểu theo định nghĩa này, “sex” chính là giới tính sinh học tức sự khác nhau về mặt sinh học giữa nam giới – nữ giới – liên giới tính và “sexuality” có thể được dịch tạm là sự thể hiện “bản thân” (bao gồm giới tính, xu hướng tính dục,…) của một con người. “Sexuality” ở đây bao gồm cả xu hướng tính dục (sexual orientation) về việc bạn là Hetrosexual (dị tính), Homosexual (đồng tính), Bisexual (song tính), Pansexual (toàn tính) hay Aseuxal (vô tính), vai trò giới (gender roles), thể hiện giới (gender expression) và định dạng giới (gender identity). Như vậy, theo định nghĩa này, “sex education” sẽ có nội dung bao gồm “giới tính sinh học” với sức khỏe sinh sản, hành vi tình dục,… và “thể hiện bản thân” với cách định dạng, xác định giới tính của bản thân, các mối quan hệ với bạn bè, gia đình, những nhìn nhận và vai trò trong xã hội,…



Trong khi đó, để dễ dàng tiếp cận, người dân Việt Nam thường hiểu nôm na khái niệm “sex education” là “giáo dục giới tính” hoặc “giáo dục tình dục.” Có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh hai thuật ngữ này và tất cả chúng ta đang đặt câu hỏi rằng nên sử dụng thuật ngữ nào để nói đến “sex education” ở Việt Nam. Theo như Web Dạy Con, “giáo dục giới tính” là giáo dục con người nhận thức được “giới tính” của bản thân và đề cập đến vấn đề giới tính một cách công khai và thoải mái. Còn “giáo dục tình dục” đi sâu về các vấn đề liên quan đến “giới tính sinh học” bao gồm hoạt động tình dục, sức khỏe sinh sản, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…

Tuy nhiên, nếu xét theo các tài liệu về “sex education” trong sách Sinh học lớp 8 và các talkshow ở trường học thì thực tế cho thấy chương trình “sex education” ở Việt Nam chỉ bao gồm các nội dung như cách phòng tránh thai, cơ chế sinh học của nam và nữ, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…hay nói cách khác là “giáo dục tình dục.”


Tổng kết

Như vậy, khi căn cứ vào định nghĩa “sex education” ở tiếng Anh và tiếng Việt, “sex education” bao gồm cả “giáo dục giới tính” và “giáo dục tình dục”. Tuy nhiên, chương trình giáo khoa “sex education” ở Việt Nam chỉ mới xoay quanh sức khỏe sinh sản, cơ chế sinh học, sức khỏe tình dục và vì vậy, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn triển khai triệt để “sex education” và đang dừng ở mức “giáo dục tình dục”.


Do “sex education” sẽ bao gồm cả hai thuật ngữ này, vì vậy để tránh nhầm lẫn hai định nghĩa về sau, đặc biệt khi SSO có những bài đăng với các chủ đề khác nhau về cả giới tính và tình dục, SSO sẽ sử dụng thuật ngữ “Sex Education” trên toàn bộ nội dung ở các kênh truyền thông của mình.


Tham khảo

  1. Bài viết của Sex Speak Organization trên Fanpage
  2. Planned Parent Hood, What is Sex Education?
  3. Medical News Today, Sex and gender: What is the difference?
  4. World Health Organization, Defining sexual health
  5. Lexico, Definition of Gender
  6. Cambridge Dictionary, Sex meaning
  7. Daycon.com.vn, Sự khác nhau giữa giáo dục giới tính và giáo dục tình dục mà bạn nên biết
  8. Báo điện tử VTV News, VTV7 và Cục Trẻ em phối hợp truyền thông giáo dục giới tính tại các khu công nghiệp TP.HCM
  9. Báo điện tử Người Lao Động, Giáo dục giới tính ERA trang bị kỹ năng chống xâm hại cho trẻ
  10. Trường ĐH KTQTKD, ĐH Thái Nguyên, Chương trình truyền thông, tư vấn về giới tính và sức khỏe sinh sản dành cho nữ sinh Nhà trường
  11. Trường CĐ Cộng đồng Bình Thuận, Chương trình truyền thông, tư vấn về giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên
  12. Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn
Người đóng góp
Nếu thích bài viết của sexspeakorg, hãy theo dõi trên
People reacted to this story.
Show comments Hide comments
Comments to: Sex Education – Giáo dục giới tính hay giáo dục tình dục
  • Tháng Ba 27, 2020

    Bài viết hay nhưng quiz hơi ức chế 🙁

  • Tháng Ba 27, 2020

    Cảm ơn SSO vì bài viết bổ ích và chuyên sâu, trên Lecttr này mình chỉ thấy tích phân nguyên hàm thôi ^^

  • Tháng Ba 27, 2020

    Lecttr có cả chuyên mục này nữa à

  • Tháng Ba 28, 2020

    Mình thích đọc những bài về xã hội khoa học giống thế này, mong bạn ra bài tiếp theo nữa. Đã like page và follow SSO trên Lecttr

  • Tháng Sáu 7, 2020

    hay đấy

Write a response