Tìm hiểu chung

Tác giả

Cuộc đời

  • Phan Bội Châu (1867 – 1940), biệt hiệu là Sào Nam, quê ở làng Đan Nhiễm, nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
  • Năm 1900, ông đỗ Giải nguyên nhưng không ra làm quan mà lập ra Duy tân hội – tổ chức cách mạng theo đường lối dân chủ tư sản.
  • Ông lãnh đạo phong trào Đông du cũng như bôn ba sang các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan mưu sự phục quốc.
  • Năm 1925, thực dân Pháp bắt cóc ông ở Thượng Hải (Trung Quốc) và định bí mật thủ tiêu, nhưng trước làn sóng đấu tranh sục sôi của nhân dân, Pháp phải xử ông công khai và giam lỏng ông ở Huế cho đến lúc qua đời.

Sự ngiệp sáng tác

  • Phan Bội Châu vừa là nhà yêu nước và cách mạng, vừa là nhà văn lớn, để lại kho tàng thơ văn đồ sộ.
  • Trong vòng mấy chục năm đầu thế kỉ XIX, ông được coi là cây bút xuất sắc nhất của văn thơ cách mạng, làm rung động biết bao con tim bằng những vần thơ nhiệt huyết của mình.
  • Các tác phẩm tiêu biểu: Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại thuyết thư (1906), Ngục trung thư (1914),….

Tác phẩm

  • Hoàn cảnh sáng tác: Năm 1905, trước lúc lên đường sang Nhật Bản, ông làm bài thơ Lưu biệt khi xuất dương để từ giã bạn bè, đồng chí.
  • Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật, được viết bằng chữ Hán.
  • Chủ đề: Vẻ đẹp lãng mạn hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XIX với tư tưởng mạnh mẽ, táo bạo, nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng ra đi tìm đường cứu nước.
  • Bố  cục:
    • 2 câu đề: Quan niệm mới về chí làm trai và tư thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ
    • 2 câu thực: Ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc.
    • 2 câu luận: Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ.
    • 2 câu kết: Khát vọng hành động và tư thế buổi lên đường.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

  • Bối cảnh lịch sử đất nước:
    • Vào những năm cuối thế kỉ XIX, nước ta đang bị cai trị dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
    • Chế độ phong kiến suy tàn, làm tay sai cho Pháp, bốc lột tàn bạo nhân dân ta.
    • Phong trào Cần vương chống Pháp vì vua Hàm Nghi bị bắt nên thất bại.
  • Ảnh hưởng từ nước ngoài:
    • Tư tưởng dân chủ tư sản xâm nhập vào nước ta.
    • Nhật Bản, Trung Quốc hay các nước phương Tây trở thành chân trời mới đầy hi vọng và ước mơ đối với các nhà yêu nước Việt Nam.

Câu 2

Xem phần Đọc – hiểu tác phẩm.

Câu 3

  • Câu 6:
    • Nguyên tác: “Nguyện trục trường phong Đông hải khứ” => Mong muốn theo đuổi ngọn gió dài đi qua Biển Đông => Tác giả có ý thức vượt lên khó khăn, thử thách để đuổi theo mong ước, khát vọng giải phóng dân tộc.
    • Dịch thơ: “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió”.

==> Phần dịch thơ làm mất đi phần nào sự mạnh mẽ, dũng cảm của câu thơ gốc.

  • Câu 8:
    • Nguyên tác: “Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi” => Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.
    • Dịch thơ: “Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.

==> Phần dịch thơ làm mất đi nét kì vĩ, hoành tráng trong hình ảnh “nhất tề phi”. Từ “tiễn” trong phần dịch thơ làm mất đi sự hào hùng, lãng mạn của hình ảnh “nhất tề phi” nhưng lại mang thêm ý nghĩa cảm xúc (xúc động).

Câu 4

Những yếu tố tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ:

  • Tư tưởng tiên phong, đi trước thời đại.
  • Khát vọng mãnh liệt, lí tưởng sống cao đẹp.
  • Giọng điệu hào hùng, can trường.
  • Hình ảnh kì vĩ, lãng mạn.
  • Ngôn ngữ được chọn lọc tinh tế, gợi cảm.

Đọc – hiểu tác phẩm

Hai câu đề

”Sinh vi nam tử yếu hi kì, 

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.” 

(Làm trai phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời.)

  • Quan niệm của tác giả về một đấng nam nhi là ”phải lạ” (”hi kì”) – phải biết sống sao cho hiển hách, phi thường trên đời, phải dám mưu tính việc lớn, lập công danh, giúp dân giúp nước.
  • Đã là một nam nhi, sống trên đời phải luôn hướng tới những chí hướng lớn lao, luôn phải trong tâm thế chủ động, đương đầu với thách thức, khó khăn, xoay chuyển ”càn khôn”, phải khẳng định được vị trí của bản thân trước trời đất, vũ trụ.
  • Quan niệm về chí làm trai còn được thể hiện trong ”Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão:

”Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.

hay như Nguyễn Công Trứ đã viết trong thi phẩm “Chí làm trai”:

”Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây

Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể”.

hay trong “Chinh phụ ngâm”, Đặng Trần Côn có viết:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.”

  • Ngoài ra, qua quan niệm về chí nam nhi trên, ta có thể thấy được Phan Bội Châu dường như khinh thường lối sống tầm thường, tẻ nhạt, buông xuôi theo số phận của những con người mặc cho tạo hóa xoay vần lúc bấy giờ trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. (Có thể liên hệ với câu ca dao châm biếm: ”Làm trai cho đáng sức trai/ Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”)
  • Qua hai câu thơ đầu, ta thấy được tư thế ngang tàng, ngạo nghễ, dám thách thức trời đất, vũ trụ bao la của nhà chí sĩ cách mạng yêu nước Phan Bội Châu.

==> Hai câu thơ đầu với cảm hứng lãng mạn, bay bổng kết hợp với hình tượng thiên nhiên kì vĩ (càn khôn) là lời khẳng định về một lẽ sống cao đẹp, tiến bộ cũng như về trách nhiệm của bản thân tác giả đối với đất nước.

Hai câu thực

”Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy”

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở há không ai?)

  • Hai câu thơ có sự liên hệ giữa chí làm trai và ”cái tôi” cá nhân đầy tinh thần trách nhiệm với cuộc đời, đất nước. ”Cái tôi” ấy với tư cách là một cách mạng yêu nước muốn cống hiến hết thảy cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sống một cuộc đời hiển hách, lưu danh sách sử, không thẹn với chí làm trai.
  • Có sự khác biệt về kiểu câu giữa câu ba và bốn:
    • Câu ba: là một lời khẳng định dứt khoát, mạnh mẽ.
    • Câu bốn: tác giả chuyển sang giọng điệu nghi vấn, nhưng từ đó nhằm khẳng định quyết liệt hơn khát vọng sống hiển hách, phát huy hết tài năng và sức lực để cống hiến cho đời.
  • Phép đối biểu thị sự hữu hạn: đời người (trong khoảng trăm năm) và sự vô hạn: cả tương lai dài mai sau (sau này muôn thuở) càng làm tăng ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của cá nhân với cuộc sống, đất nước.

==> Hai câu thơ là lời khẳng định sâu sắc của nhà thơ về ý thức trách nhiệm lớn lao của mình với xã hội, đất nước cũng là lời thúc giục, khơi dậy sự nhiệt huyết, lí tưởng sống xã thân vì nghĩa lớn của các thanh niên trai tráng lúc bấy giờ, thậm chí là thế hệ mai sau.

Hai câu luận

”Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiêu tụng diệc si!”

(Non sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)

  • Quan hệ nhân – quả gắn với sự tồn vong của ”non sông”:
    • Đất nước không còn thì sống chỉ thêm nhục nhã, ê chề.
    • Sách vở, học thức cũng vô dụng khi chủ quyền, tự do bị tước đoạt.
  • Phan Bội Châu đã thể hiện quan niệm tiên phong mới mẻ, táo bạo khi dám đối mặt với cả một nền học vấn mấy trăm năm của đất nước để đặt ra nhiệm vụ cấp bách bấy giờ là phải tìm cách cứu nước, phải giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, chứ không phải là ôm khư khư sách vở thánh hiền.
  • Nhân vật trữ tình ở đây được khắc họa với khí phách hiên ngang, quyết liệt, táo bạo của một nhà cách mạng đi đầu, bắt kịp thời đại, sẵn sàng loại bỏ những tín điều lạc hậu.

==> Hai câu thơ là lời thức tỉnh của tác giả: sách vở, tri thức đều là vô nghĩa, chẳng giúp ích được gì trong buổi nước mất nhà tan. Qua đó, nhà thơ cũng đưa ra lời khẳng định của bản thân về vấn đề quan trọng và thiết thực nhất trước tình cảnh đất nước: đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại nền độc lập.

Hai câu kết

”Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.”

(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.)

  • Những hình ảnh thiên nhiên kì vĩ: ”bể Đông”, “cánh gió”, “sóng bạc” ẩn dụ thể hiện khát vọng vượt qua gian khó, vươn mình ”bay lên” hướng đến tương lai tươi đẹp. Hình ảnh lãng mạn, hào hùng như tô điểm thêm đôi cánh của nhân vật trữ tình – đôi cánh vốn dĩ đã được tạo nên từ những lí tưởng sống cao đẹp, lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ.
  • Trong phần dịch thơ của Tôn Quang Phiệt, từ “nhất tề phi” vẫn chưa được dịch sát nghĩa, mất đi phần nào nét hào hùng vốn có khi chuyển thành ‘”tiễn ra khơi” nhưng có thêm ý nghĩa cảm xúc cũng như thể hiện được phần nào tình cảm của Phan Bội Châu.

==> Hai câu thơ là khát vọng lớn lao của nhà thơ muốn vượt biển Đông, từ đó tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Ông “nguyện” vì đất nước, vì nhân dân không ngại gian khổ, chông gai, tiến đến thành công, hoàn thành chí làm trai ở trên đời.

Tổng kết

Nội dung

“Lưu biệt khi xuất dương” khắc họa tâm thế, khát khao ra đi tìm đường cứu nước của một nhà cách mạng yêu nước, đồng thời cũng là lời tâm huyết có sức lay động tình cảm yêu nước của người đọc.

Nghệ thuật

  • Sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật trang trọng, hào hùng.
  • Những hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, hào hùng.
  • Giọng điệu thơ nhiệt huyết, sục sôi, có sức lay động mạnh mẽ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Lưu biệt khi xuất dương (Xuất dương lưu biệt)