“Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn thì sẽ học như thế nào?”

—————————————

Eric Leow Yu Quan, tại học viện Raffles

Người khôn ngoan học như thế nào?

 

Ở trường cấp hai, tôi có một người bạn- một trong những học sinh lười biếng nhất mà tôi từng thấy. Trong giờ học, nếu cậu ta không ngủ thì cũng viết nhật kí hay đọc truyện và hầu như không bao giờ để tâm đến bài giảng. Cậu ta cũng chẳng phải loại người luôn miệng “Tao chưa ôn gì đâu, tao rớt chắc rồi” hay ‘’Tao chết chắc rồi” nhưng thật ra lại “cày cuốc” chăm chỉ ở nhà vì điểm thi của cậu ta thấp một cách tệ hại. Là một người bạn, tôi chỉ có thể khuyên nhủ, thúc ép cậu ta học hành chăm chỉ hơn vì môi trường học đường vốn dĩ chỉ dành cho những thứ hàn lâm. Nhưng cậu ta chẳng thèm để lời khuyên của tôi vào tai và tiếp tục phè phởn như vậy suốt thời cấp 2. 

Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi mỗi người một phương và dần dần không còn liên lạc với nhau nữa.

 

Một vài năm trước, khi đang lướt LinkedIn, tình cờ tôi gặp lại cậu ta. Vốn có những định kiến với cậu ấy, tôi nghĩ bụng rằng chắc hiện tại cậu ta đã chuyển sang hệ cao đẳng hoặc đang đi làm vì hệ thống giáo dục khắc nghiệt của Singapore có lẽ sẽ không có chỗ cho cậu ấy. Nhưng không, đập vào mắt tôi là dòng chữ “Sinh viên khoa Luật đại học Stanford” – Thử tưởng tượng vẻ sửng sốt trên khuôn mặt tôi khi thấy dòng chữ đó đi. Trời ơi! “đại học Stanford”- ngôi trường đại học danh giá mà chỉ có những học sinh ưu tú và xuất sắc nhất mới có thể đặt chân tới.

 

Để giải đáp những điều khó tưởng tượng trên, tôi liền liên lạc với cậu ta và “hỏi thăm” cậu ta về những năm tháng đã qua hay nói cách khác là để xem cậu ta “lột xác” như thế nào. Tôi  cũng không khỏi che giấu được sự tò mò về những thành công của cậu ấy ở trường Cao đẳng cộng đồng trong khi hồi cấp 2 cậu ta chỉ là một học sinh yếu kém. Và hơn nữa, chỉ điểm tốt là không đủ để có một vé vào khoa Luật, bạn cần phải có điểm số chót vót và cả những hoạt động ngoại khóa ấn tượng. Khi nghĩ đến sự phóng túng của cậu ấy trong việc học, tôi càng không chắc về điều đầu tiên. Nhưng điều bất ngờ là cậu ấy đạt được tất cả các tiêu chí đó, kể cả điểm số hoàn hảo ở bậc A. Làm sao mà cậu ấy làm được điều đó? Làm sao mà cậu ấy có thể thôi lười biếng và bắt đầu tập trung vào việc học?

 

Cậu ta dẫn tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi thú thật  từ khi cậu ấy còn nhỏ cậu ấy  đã có ước mơ được trở thành một luật sư. Nhưng chương trình học phổ thông chưa bao giờ làm cậu thấy hứng thú – Singapore vốn nổi tiếng với chương trình học nặng về kiến thức khoa học tự nhiên hơn là nhân văn. Trong những khoảng thời gian ở trường cấp 2, cậu ấy dành hầu hết thời gian đọc sách về luật, tâm lý học, v.v và ghi chép lại những gì mà cậu học được. Khi thấy quyển sổ đó, tôi thật sự bất ngờ về một khía cạnh ở cậu ấy mà tôi chưa từng nhận ra trong suốt những năm cấp 2 – sự chăm chỉ. Khi mà cậu ấy đã nhận ra được tầm quan trọng của điểm số tốt trên con đường chinh phục giấc mơ, cậu toàn tâm toàn ý cho việc học và lấy lại được những nền tảng cần thiết một cách nhanh chóng.

 

Những chia sẻ của cậu ấy đã khiến tôi nhận ra một sự thật cay đắng, rằng người chăm chỉ sẽ không hẳn là người dẫn đầu, và những người lười biếng thường không phải như chúng ta vẫn thường nghĩ. Ở trường tôi, có không ít những học sinh chăm chỉ dành hầu hết thời gian “cày cuốc” cật lực, nhưng lại mơ hồ về những gì mà họ thực sự muốn làm trong tương lai. Họ lưỡng lự và chấp nhận chọn một chuyên ngành mà họ không thực sự yêu thích, nhanh chóng mất đi động lực, niềm vui để theo đuổi những thành công trong sự nghiệp và trở nên tầm thường.

 

Bạn tôi, ngược lại, có vẻ như luôn lười biếng. Nhưng điều quan trọng là cậu ấy đã xác định được điều mà cậu muốn làm trong tương lai. Mọi thứ mà cậu ấy làm đều là để chuẩn bị cho mục tiêu ấy, và những việc khác dường như không  còn quan trọng – nó chỉ làm cậu ấy phân tâm khỏi mục tiêu to lớn ấy. Bằng việc đặt ra những ưu tiên ngay từ sớm, cậu dường như có vẻ lười biếng và thụ động khi so với những người luôn làm việc chăm chỉ gấp đôi, nhưng hoàn toàn mơ hồ về việc sẽ làm gì với những thứ mà họ được học.

 

Con người thường trở nên lười biếng khi họ không xác định được những ưu tiên chính trong cuộc sống. Chúng ta hay trì hoãn, lãng phí thời gian vào những trò tiêu khiển, và chỉ bắt tay vào làm việc khi gấp rút và bắt buộc phải hoàn thành trước hạn. Trở thành một luật sư đã luôn là ước mơ lớn nhất của cậu ấy từ khi còn nhỏ, và khi nhận ra rằng điểm cao chỉ là một nấc thang để có thể bước tới ước mơ ấy, cậu đã toàn tâm toàn ý tập trung vào việc học và đạt được thành công. Mọi thứ mà cậu làm đều hướng tới giấc mơ lớn ấy.

Đó chính là thái độ sống của một người khôn ngoan.

Người đóng góp
Comments to: How do smart students study? (p1) – Setting goals in life