Tìm hiểu chung

Tác giả

Nguyễn Đình Chiểu ( 1822 -1888 )
Tượng Nguyễn Đình Chiểu ở Trường THPT mang tên ông

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Đình Chiểu ( 1822 – 1888 )

Tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, hay gọi Đồ Chiểu ( khi dạy học )

Quê quán : làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định ( tức quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay )

Cuộc đời : 

  • Từ nhỏ sống với mẹ, khi đất nước gặp binh biến, cha ông gửi con vào Huế, đến năm 18 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu trở lại Gia Định.
  • Năm 1843, ông đỗ Tú tài tại trường thi Gia Định, có nhà kia xin gả con gái cho.
  • Năm 1848, trên đường đi thi, nghe tin mẹ mất, Nguyễn Đình Chiểu bỏ thi về chịu tang mẹ, trên đường vì thương nhớ mẹ nên bạo bệnh mù lòa hai mắt.
  • Năm 1851 trở về sau, ông làm nghề dạy học và làm thuốc.

 

Tác phẩm

Xuất xứ

Nguyễn Đình Chiểu viết Chạy giặc sau khi thành Gia Định bắt đầu thực dân Pháp tấn công ( ngày 17-02-1859 )

Viết bằng chữ Nôm

Thể loại : thất ngôn bát cú Đường luật

Chủ đề

Bức tranh tan tác bi thương của dân tộc khi đất nước bị xâm lược. Đồng thời là tình yêu đất nước tha thiết, thái độ căm ghét ngoại xâm, căm ghét bọn cầm quyền nhu nhược của tác giả.

 

Phân tích tác phẩm

Hai câu đề : Thực dân Pháp xâm lược nước ta

 

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Tan chợ : thời điểm người dân sẽ được về nhà nghỉ ngơi, kết thúc các phiên chợ náo nhiệt

Vừa nghe : trạng thái vội vã, gấp gáp, bất ngờ

Tiếng súng Tây : báo hiệu sự xuất hiện của giặc Tây ( người Pháp ). Họ mang theo súng và bắn ra tiếng, chứng tỏ một ý đồ xâm lăng, gây chiến tranh để xâm lược.

=> Bước đầu giới thiệu nhịp sống yên tĩnh của nhân dân bất ngờ bị đánh úp, đảo lộn trước sự xuất hiện của giặc Tây. Chưa nhìn thấy người, thấy quân đội mà đã nghe tiếng súng vang trời. Từ đó hình dung ra sự tàn ác, sự chết chóc, tan hoang sắp diễn ra.

 

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Nghệ thuật ẩn dụ toàn câu :

Một bàn cờ thế : là cuộc chiến, đấu tranh giữa hai phe là thực dân Pháp và chính quyền phong kiến nhà Nguyễn. Một bên là xâm lược, một bên với vai trò cai trị quốc gia.

Phút sa tay : ba từ đọc lên rất nhẹ nhàng, hàm súc nhưng cho thấy vận mệnh đất nước hoàn toàn nằm trong tay triều đình, mà triều đình đã lỡ tay đi sai nước cờ, tức nước mất nhà tan.

=> Nguyễn Đình Chiểu ví cuộc chiến như ván cờ vì dường như trong suy nghĩ của cả thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn, cuộc sống của nhân dân, vận mệnh của đất nước ta chỉ như một trò chơi, thắng làm vua thua làm giặc.

 

==> Hai câu đề thông báo về một sự kiện lịch sử bi thảm của dân tộc. Khi Pháp mạnh, mà triều đình lại kém cỏi, coi nhân dân như con cờ, đất nước như trò chơi, vì một phút không nghĩ đến dân mà làm mất nước. Từ đó nhân dân phải sống dưới ách cai trị, bị thực dân giày xéo, chà đạp.

 

Hai câu thực : Cuộc sống tan hoang của nhân dân

 

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Nghệ thuật đảo ngữ : hai từ bỏ nhà, mất ổ đem lên đầu câu, nhấn mạnh sự đau đớn, mất nhà cửa, mất nước của dân ta, từ những đứa trẻ con đến loài động vật nhỏ bé.

Từ láy tượng hình : lơ xơ, dáo dác làm tăng sự khốn khổ, bất lực, chim thì bay mất phương hướng, trẻ con thì thất thần, không ai dẫn dắt, cù bơ cù bất trước tình cảnh giặc Tây xâm lược. 

Nghệ thuật đối : bỏ nhà-mất ổ, lũ trẻ-bầy chim, lơ xơ chạy-dáo dác bay

Hình tượng điển hình : chim mất tổ. Thơ văn xưa thường lấy hình ảnh bầy chim mất tổ, bay cả đàn để nói về hoàn cảnh tha hương, mất nhà, mất tổ ấm :

Tiêu điều loạn hậu cảnh

…Phi điểu ưng tri quyện

Khuya sào tại dị hương.

( Buổi trước loạn xơ xác

…Chim bay dường đã mỏi

Vỡ tổ lạc tha hương )

( Thủ 11 – Lê Hữu Trác )

 

==> Những hình ảnh vô cùng đau lòng của hiện thực đất nước, đến nỗi những sinh linh nhỏ bé cũng không còn nơi nương tựa, phải chạy trốn trong trạng thái hoảng loạn kinh hoàng, băn khoăn, lo lắng về những ngày sắp tới của cuộc đời mình. Cảm thương cho số phận con dân lại càng căm phẫn bọn thực dân và chính quyền bị động.

 

Hai câu luận : Tình cảnh tan hoang của đất nước

 

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Nghệ thuật đối : Bến Nghé – Đồng Nai, của tiền – tranh ngói, tan bọt nước – nhuốm màu mây 

Nghệ thuật đảo ngữ : không là Của tiền Bến Nghé, Tranh ngói Đồng Nai mà ngược lại. Nhấn mạnh hai địa điểm Bến Nghé, Đồng Nai là hai khu vực trù phú, yên bình của miền Nam, nay cũng bị Pháp làm cho tan hoang

Hai hình ảnh chứng tỏ tội ác của giặc :

  • Của tiền tan bọt nước : tiền của của nhân dân bị chúng chiếm lấy sạch sẽ bằng thủ đoạn, vũ lực. Bao nhiêu công sức lao động của người dân đều tan tành như bọt biển.
  • Tranh ngói nhuốm màu mây : mái tranh của mỗi ngôi nhà nhuốm màu mây là vì bị đốt cháy, khói bốc nghi ngút hòa với mây trên trời cao. Hình ảnh ấy khiến ta căm hận biết bao bọn cướp nước, mà còn hại dân, gây ra cảnh tượng điêu tàn :

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới,

Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau.

( Núi đôi – Vũ Cao )

 

==> Sự xuất hiện của giặc Tây thật sự kinh hoàng. Chúng không những lấy đi sự yên bình vốn có mà còn khiến dân lao đao hơn bao giờ hết. Chúng đặt nhiều thứ thuế, ức hiếp dân lành, coi sinh mạng như cỏ rác. Nghĩ đến giai đoạn ấy, chỉ có sự chết chóc, tan hoang, chỉ có máu và nước mắt.

 

Hai câu kết : Thái độ của tác giả

 

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Trang dẹp loạn : tìm kiếm người thực tài, thực tâm thương dân, một lòng cứu nước

Rày đâu vắng : thời điểm thực dân Pháp xuất hiện, biết bao nhiêu kẻ gian tham, đê hèn theo chân chúng. Bọn bán nước thì nhiều, người cứu nước lại không thấy đâu. Nên Nguyễn Đình Chiểu tuy hỏi, nhưng cũng đã chuẩn bị tinh thần cho câu trả lời.

 

Nỡ để dân đen mắc nạn này ?

Dân đen : là nhân dân. Trong quan niệm của tác giả, ông có tấm lòng thương dân, coi dân là gốc. Hai từ dân đen ông dùng, vừa giản dị lại gần gũi, yêu thương. Thương dân nên căm thù giặc, tố cáo tội ác của giặc, đó là tinh thần cao cả của người tài đức :

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

( Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi )

Mắc nạn này : là cái nạn mà thực dân Pháp, chính quyền nhà Nguyễn gây ra. Những thứ khiến cuộc sống nhân dân không còn yên ổn, ấm no, thì đều là nạn.

Nỡ : duy chỉ một từ nỡ nhưng bộc lộ tình cảm sâu sắc, chân thành của tác giả. Nỡ là không muốn nhưng vẫn phải làm. Ý nói người tài, nói với triều đình, rằng thấy dân khổ sao không cứu ?

 

==> Tấm lòng thương dân, yêu nước chân thành của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rất rõ trong hai câu kết. Là một nhà Nho khí tiết, đạo nghĩa, ông hiểu rằng :

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Nhưng giặc Tây mưu mô, bọn luồn cúi nhiều vô kể, chính quyền cai trị hèn kém. Chính ông cũng bất mãn hỏi đời, dùng ngòi bút để phản ánh, tố cáo giặc trong, giặc ngoài :

Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà.

( Dương Từ-Hà Mậu – Nguyễn Đình Chiểu )

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Sử dụng từ ngữ giản dị, đậm chất Nam Bộ, gắn bó với nhân dân
  • Kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật ( đảo ngữ , phép đối )
  • Giọng điệu cứng cỏi, mạnh mẽ miêu tả và phê phán hiện thực chiến tranh

Nội dung

  • Tình cảnh đất nước hiện ra trước mắt người đọc đầy khổ đau, nhân dân quằn quại dưới bom đạn, mỗi nơi đều vang vọng tiếng khóc than, chết chóc.
  • Tình cảm to lớn của Nguyễn Đình Chiểu vụt lên sáng ngời. Càng thương dân, ông càng căm ghét bọn đê hèn, đểu cán và dứt khoác tố cáo chúng.
Người đóng góp
Comments to: Chạy giặc