1. Ngữ văn lớp 11

Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)

Tìm hiểu chung

Tác giả

Vũ Trọng Phụng (1912-1939)

Vũ Trọng Phụng (1912-1939) – “Ông vua phóng sự Bắc Kì”

Quê quán: làng Hảo, huyện Mĩ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng ông lớn lên và mất tại Hà Nội.

Sự nghiệp sáng tác:

  • Trào lưu: văn học hiện thực
  • Thể loại: trào phúng, phóng sự
  • Tác phẩm tiêu biểu: Số đỏ, Giông tố, Kĩ nghệ lấy Tây, Vỡ đê,…

 

Tác phẩm

Tiểu thuyết Số đỏ (Bản in đầu tiên 1936)

Thể loại: tiểu thuyết 

Số đỏ ra đời năm 1936 và được in thành sách lần đầu năm 1938.

Đoạn trích thuộc chương XV

 

Nội dung tiểu thuyết Số đỏ:

Xuân – biệt danh Xuân Tóc đỏ, là một kẻ bị coi là hạ lưu, hắn bị bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc “cải cách xã hội”. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ Xuân”. Hắn gia nhập xã hội thượng lưu. Vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Minh vì ơn của Xuân nên dẫn Xuân đi xóa bỏ lý lịch trước kia ,đăng ký đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Vì để giữ tình giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động “hy sinh vì tổ quốc của mình”, được mời vào hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

 

Nội dung đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia:

Cụ Cố Hồng, từ khi ngấp ngoái chết đến khi chết thật, cụ chết để lại cho con cháu cơ hội để khoe mẽ với thiên hạ những nghịch lý của “thế hệ con cháu” hiếu thảo bằng những bộ trang phục âu hóa nửa tây nửa ta lẫn những trò “mèo mả gà đồng”, bên canh đó còn là cái dụng tâm tranh giành gia sản. Đám ma to tát của cụ cố Hồng là một buổi tấu hài bằng mọi trò hề của tầng lớp thượng lưu. Đoạn trích phơi bày những trò nhố nhăng, phi đạo đức lẫn truyền thống của những kẻ mang danh thượng lưu nhưng không có đạo đức, là bức tranh toàn cảnh của xã hội đương thời đầy thối nát lúc ấy. 

 

Đọc- hiểu văn bản

Tuyến nhân vật

  • Xuân Tóc Đỏ: một đứa bé mồ côi phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt.
  • Cụ cố Tổ: ông lão 80 tuổi, có gia sản lớn nên con cháu ai cũng muốn ông chết để chiếm gia tài.
  • Cụ cố Hồng: con cụ cố Tổ, gần 60 tuổi, nghiện thuốc phiện
  • Văn Minh: Con trai cụ cố Hồng, chủ tiệm may Âu Hóa
  • Cô Hoàng Hôn: Con gái cụ cố Hồng, đã có chồng nhưng vẫn ngoại tình.
  • Ông Phán mọc sừng: Chồng cô Hoàng Hôn
  • Cô Tuyết: Con gái út cụ cố Hồng, 18 tuổi, muốn hư hỏng một cách có khoa học và tự hào chưa đánh mất cả chữ trinh.
  • Ông Tuýp-phờ-nờ (TYPN – Tôi Yêu Phụ Nữ) người thiết kế thời trang của tiệm Âu Hóa
  • Bà Phó Đoan: người đàn bà lấy chồng Tây, hai đời chồng, lúc nào cũng tỏ ra là 1 quả phụ gương mẫu.

 

Nhan đề: Hạnh phúc của một tang gia

  • Tang gia: một gia đình đang có tang (có người mất)
  • Nhan đề đầy mâu thuẫn, bất ngờ, giật gân, thu hút sự chú ý

=> Vũ Trọng Phụng muốn nhấn mạnh đến sự đê hèn đạo đức trong gia đình thượng lưu của cụ Hồng nói riêng và tầng lớp thượng lưu xã hội thời ấy nói chung. Cách nói khinh bỉ, mỉa mai, đây là tinh thần chủ đạo trong suốt tác phẩm để làm nổi bật nôi dung trên.

 

Niềm hạnh phúc trong cái chết của cụ cố Tổ

Niềm hạnh phúc chung của gia đình : được chia gia tài

Niềm hạnh phúc riêng của từng thành viên :

  • Cụ cố Hồng: diễn trò hiếu thuận, làm đám ma hoành tráng cho cụ Tổ

“Cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ….ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế…”

  • Văn Minh: sung sướng vì được hưởng một gia tài kha khá

“…từ nay mà đi, cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa.”

  • Bà Văn Minh: được mặc đồ xô gai

“Bà Văn Minh thì sốt cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời,…”

  • Ông Phán mọc sừng: được chia thêm mấy đồng bạc lẻ

“Chính ông ta cũng không ngờ rằng giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến thế…”

  • Cậu tú Tân: có cơ hội để thể hiện tài nghệ chụp ảnh của mình

“Cậu tú Tân thì cứ điên người lên vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh…”

  • Cô Tuyết: cơ hội trình diễn y phục và sự hư hỏng của mình

“Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng, trong có cooc-se, trông như hở cả nách và nửa vú,…”

  • Tiệm may Âu hoá và ông TYPN: có dịp quảng cáo, thu hút khách

“Ông TYPN bực mình vì mãi không được thấy những sự chế tạo của mình ra mắt công chúng để xem các báo chí phê bình ra sao.”

=> Đám con cháu chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, vừa khoe khoang nhưng lại bán rẻ nhân cách, thể hiện niềm vui ngu xuẩn của mình.

==> Đám con cháu đại bất hiếu. Không một ai trong đám người “văn minh”, “Tây hoá” ấy thực sự thương xót cho sự ra đi của cụ cố Tổ. Thực chất trong mỗi người đều có một niềm vui riêng, cái chết của cụ là cơ hội và là cơ sở để đám con cháu thể hiện bộ mặt giả dối của mình.

 

 

Cảnh đám ma gương mẫu

  • Hai ông cảnh sát Min Đơ và Min Toa (giữ trật tự đám ma) “có đám thuê thì sung sướng cực điểm”
  • Những ông bạn thân của cụ cố Hồng “khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cách tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động…”

=> Không chỉ khắc hoạ sự đê tiện, giả dối của những người trong gia đình, Vũ Trọng Phụng cũng đồng thời khắc hoạ một xã hội đê hèn, từ tầng lớp phục tùng, đến người có chức quyền,…

 

  • Đám ma diễn ra một cách ồn ào, hổ lốn, nhốn nháo

“Đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây,… một đám ma to tát có thể làm người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng…”

“Đám ma đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy…”

“Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song…vẫn thì thầm với nhau…”

“Thiên hạ chú ý vào những kiểu quần áo tang của tiệm may Âu hoá…”

=> Đám ma như một nhạc hội hoành tráng mà những người dự đám ma thì tranh thủ trò chuyện, bới móc, thậm chí tán tỉnh và trêu ghẹo nhau bằng bộ mặt của kẻ đưa ma, không chút xấu hổ, ngượng ngùng.

 

  • Thái độ và hành động của đám con cháu: lố lăng, giả dối

“Cậu tú Tân vội chạy lên bấm máy ảnh lách tách….”

“Cậu tú Tân luộm thuộm trong chiếc áo thụng trắng…chụp ảnh kỉ niệm lúc hạ huyệt”

“Cụ Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi” (hành động giả dối, cố tình)

“Ông Phán dúi vào tay Xuân một cái giấy bạc năm đồng gấp tư…”

=> Bề ngoài của những con người văn minh tỏ ra thương tiếc, nhưng trái ngược với bản chất bên trong. Từ con đến cháu ai cũng bất hiếu, con rể thì giở trò đút lót, mua bán ngay trong đám tang,…

 

==> Để nói về quang cảnh đám tang, đó là những gì nhốn nháo, lộn xộn, ầm ĩ nhất. Còn về những người trong gia đình cụ cố Tổ nói riêng và xã hội đương thời nói chung, là những gì đê hèn, suy đồi nghiêm trọng về đạo đức và đáng xấu hổ nhất. Ngay cả những người trong gia đình, họ còn hạnh phúc dự đám tang của người thân, luôn gọi mình là những kẻ tiến bộ, “Tây hoá” nhưng bản chất còn thua con thú, sống lố lăng, lố bịch,…Đó là những gì Vũ Trọng Phụng muốn phô bày, mang đến và đặc biệt chỉ trích.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Tình huống truyện độc đáo, sáng tạo, tạo cho người đọc cảm giác mâu thuẫn lúc đầu nhưng cùng tâm lí phẫn nộ khi càng đi sâu vào tác phẩm.
  • Từ giọng điệu, ngôn từ đến miêu tả đều mang sắc thái mỉa mai, châm biếm
  • Điêu luyện trong xây dựng hình tượng và câu chuyện mang tính trào phúng đặc trưng nhưng không nhàm chán

 

Nội dung

  • Thể hiện thái độ phẫn nộ, căm ghét của tác giả đối với những loại người suy đồi đạo đức, bản chất giả dối, lố lăng
  • Lên án một xã hội cũng đầy giả dối, đặc biệt ở giới “thượng lưu” chạy theo sự lố bịch nhưng không có nhân cách.
Người đóng góp
Comments to: Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)