Khái niệm

Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ làm cơ sở cho việc sử dụng từ ngữ và tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo lời nói.

Ví dụ : Đưa ra một câu nói : ” Nhưng đã quá thời hạn mà cậu ta vẫn chưa nộp bản tổng kết. “.

  • Nếu chỉ nói như câu cửa miệng đơn thuần, không có bối cảnh, nguyên nhân,… thì người nghe, người đọc không thể hiểu được hoàn cảnh và nội dung câu nói hướng đến.
  • Để hiểu được đầy đủ, chính xác nội dung câu nói hướng đến, ta cần có bối cảnh. Như : “Tất cả các dự án cũng như tính toán chi tiêu của công ty A tháng này đều được tổng kết và công bố và chiều nay. Anh An – trưởng phòng mới của công ty nhận nhiệm vụ tổng hợp. Nhưng đã quá thời hạn mà cậu ta vẫn chưa nộp bản tổng kết. “

=> Vậy bối cảnh ngôn ngữ ở ví dụ này là : Anh An được giao cho việc tổng kết chi tiêu của công ty tháng này nhưng đã quá thời hạn anh vẫn chưa nộp.

 

Các nhân tố 

Nhân vật giao tiếp

  • Bao gồm người nói (người viết). Bên cạnh đó còn có người nói khác, người nghe, người đọc,…
  • Các nhân vật giao tiếp tương tác với nhau. Họ tạo nên và chi phối nội dung, hình thức câu nói.

Bối cảnh ngoài ngôn ngữ

  • Bối cảnh giao tiếp rộng : là toàn bộ nhân tố xã hội, địa lí, chính trị,…của cộng đồng ngôn ngữ.
  • Bối cảnh giao tiếp hẹp : là nơi chốn, thời gian phát sinh sự việc, hiện tượng.
  • Hiện thực được nói tới : có thể là hiện thực bên ngoài nhân vật hay hiện thực tâm trạng, tạo nên phần nghĩa sự việc.

Văn cảnh

  • Có thể là lời đối thoại, đơn thoại, ở dạng nói hoặc dạng viết.
  • Các đơn vị đi trước hoặc đi sau một đơn vị ngôn ngữ sẽ tạo nên văn cảnh của đơn vị ngôn ngữ đó.
  • Văn cảnh là cơ sở cho việc sử dụng và lĩnh hội đơn vị ngôn ngữ.

 

Vai trò 

Đối với người nói

  • Ảnh hưởng và chi phối nội dung, hình thức câu nên lời nói cần thích hợp với ngữ cảnh.
  • Để lại dấu ấn trong câu.

Đối với người nghe

  • Giúp lĩnh hội chính xác, có hiệu quả lời nói, câu văn.
  • Gắn từ ngữ, câu với ngữ cảnh phù hợp để lí giải thấu đáo, hiểu biết cặn kẽ.

 

Luyện tập

Bài tập 1

Bối cảnh :

  • Nhân dân nghe tin giặc xâm lược đã hơn mười tháng mà vẫn chưa thấy tin, thấy lệnh từ quan.
  • Lòng căm thù giặc của người dân lúc bấy giờ dâng cao, vô cùng mãnh liệt.

Bài tập 2

Hiện thực được nói tới trong hai câu thơ :

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

  • Hiện thực bên ngoài nhân vật : đêm khuya, tiếng trống canh văng vẳng, người phụ nữ trơ trọi trước cảnh.
  • Hiện thực tâm trạng : nỗi buồn, cô đơn, chán chường của nhân vật cũng như của chính tác giả trước tình duyên éo le của mình.

Bài tập 3

Hình ảnh bà Tú trong thơ Tú Xương :

  • Về nghề nghiệp : quanh năm buôn bán, địa điểm là ở mom sông.
  • Bà Tú là trụ cột chính trong gia đình : nuôi đủ năm con với một chồng
  • Là người tần tảo, thương chồng thương con, giàu đức hi sinh : lặn lội thân cò, năm nắng mười mưa dám quản công

=> Hoàn cảnh gia đình Tú Xương là bối cảnh, đồng thời làm rõ các đức tính của bà Tú (đảm đang, tần tảo, giàu đức hi sinh,…)

Bài tập 4

Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

  • Ngữ cảnh : Pháp xây dựng chính quyền mới ở Việt Nam, do đó các sĩ tử Hà Nội và Nam Định phải thi chung một trường thi.
  • Yếu tố trong ngữ cảnh chi phối nội dung câu thơ : từ lẫn trong Trường Nam thi lẫn với trường Hà. Ngữ cảnh trong câu đó cho ta thấy được sự rối ren, nhếch nhác của kì thi, chi phối nội dung thông thường của câu là hai nơi thi chung với nhau.

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra.

  • Ngữ cảnh : tại trường thi lúc ấy xuất hiện quan sứ người Tây và vợ – các bà đầm Tây. Họ đến kì thi với sự diêm dúa, phô trương vô bổ.
  • Yếu tố trong ngữ cảnh chi phối nội dung câu thơ : lọng cắm rợp trời, váy lê quét đất. Câu thơ với nghĩa thông thường là thông báo sự có mặt của quan sứ và bà đầm Tây, nhưng ngữ cảnh khiến cho ta tập trung vào sự xuất hiện phô trương, hoang phí của họ.

Bài tập 5

Trên đường đi, hai người không quen biết gặp nhau, một người hỏi : “Thưa bác, bác có đồng hồ không ạ ?”

Trong ngữ cảnh đó :

  • Ý nghĩa của câu hỏi : khi không quen biết, chắc chắn họ sẽ không hỏi về chuyện liên quan sâu đến cá nhân người kia, và cũng không phải để mua hay mượn đồng hồ. Ở đây người nói muốn hỏi về giờ vì người đeo đồng hồ sẽ biết giờ.
  • Mục đích : dự đoán trước người kia có đồng hồ hay không, đồng thời là cách hỏi giờ lịch sự.
Người đóng góp
Comments to: Ngữ cảnh