Tìm hiểu chung

Tác giả

Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905 )

Chu Mạnh Trinh ( 1862 – 1905 )

Tự Cán Thần, hiệu Trúc Vân, là nhà thơ, là nhà kiến trúc thời Nguyễn

Quê quán : làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu ( nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên )

Cuộc đời :

  • Đỗ Tú tài năm 19 tuổi
  • Năm 1885, đỗ Giải nguyên trường thi Hương khoa Bính Tuất
  • Năm 1892, đỗ Tiến sĩ kì thi Hội năm Nhâm Thìn
  • Là người tài cao học rộng, tài hoa, làm quan thì công minh chính trực
Chùa Thiên Trù – tác phẩm kiến trúc do Chu Mạnh Trinh trùng tu

Tác phẩm

Xuất xứ

Viết bằng chữ Nôm. Sáng tác trong thời gian tác giả trùng tu di tích Hương Sơn.

Thể loại : hát nói

Chủ đề

Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, vừa thoát tục vừa hiện thực của Hương Sơn. Bên cạnh đó thể hiện tình yêu với cái đẹp, với thiên nhiên, đất nước của tác giả.

 

Phân tích tác phẩm

Giới thiệu Hương Sơn ( 4 câu đầu )

  • Bức tranh toàn vẹn về Hương Sơn chỉ qua vỏn vẹn bốn từ :

Bầu trời cảnh Bụt,

=> Câu tuy ngắn nhưng thể hiện rõ sự thoát tục, thanh thuần của nơi này. Ví như chốn tiên cảnh của Tiên, của Phật, vừa tinh túy, nhẹ nhàng.

 

  • Hứng thú, tình yêu của tác giả đối với nơi này :

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.

=> Hương Sơn không phải là nơi muốn đến có thể đến ngay. Tác giả lại là người am hiểu, tường tận cái đẹp, xem trọng đức tin, nên càng muốn ngắm nhìn nơi này, hòa mình cùng nó. Nay được gặp nên trạng thái vui mừng, mãn nguyện.

 

  • Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp không đâu sánh bằng :

Kìa non non, nước nước, mây mây,

” Đệ nhất động ” hỏi là đây có phải ?

Từ láy nguyên : non non, nước nước, mây mây

Câu hỏi tu từ : “Đệ nhất động” hỏi là đây có phải ?

Các từ phụ chỉ cảm xúc rạo rực : kìa, là đây có phải 

=> Tác giả được nhìn thấy Hương Sơn nên vỡ òa. Vẻ đẹp hùng vĩ, mênh mông của nơi này khiến ông phải thốt lên, không tin rằng mình đang đứng trước Nam thiên đệ nhất động . Ông thắc mắc như vậy vì nỗi niềm hạnh phúc dâng trào khi tận mắt nhìn nơi mình mong mỏi, trông ngóng bấy lâu.

 

==> Phong cảnh Hương Sơn hiện ra trước mắt người đọc là sự thoáng đãng, mênh mông, vừa thoát tục, thuần túy, lại chân thực, kì vĩ tươi đẹp lạ thường. Ở đó trời mây, non nước bao phủ thành nhiều tầng, không gian thiêng liêng choáng ngợp. Một nơi như thế khiến ai ai cũng ao ước ngắm nhìn, và tác giả cũng vậy, cũng vỡ òa khi trông thấy.

 

Quang cảnh Hương Sơn ( 12 câu tiếp theo )

  • Vẻ đẹp thiên nhiên hòa cùng niềm tin tôn giáo, khiến Hương Sơn đẹp càng thêm đẹp:

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

Nghệ thuật nhân hóa : chim cúng trái, cá nghe kinh

Tính từ láy : thỏ thẻ, lững lờ

Nghệ thuật đối : thỏ thẻ – lững lờ, rừng mai – khe Yến, chim – cá, cúng trái – nghe kinh

=> Cảnh vật đậm nét văn hóa Phật giáo, từ rừng mai, khe Yến nhẹ nhàng thuần khiết, uyển chuyển, đến cá thể loài vật cũng hướng về thần Phật. Sự hỗ trợ của tính từ láy và sự cô đọng trong ngôn từ, khiến ta dễ dàng hình dung ra cảnh tượng đẹp đẽ, tôn kính, trang trọng lại chân thực, độc đáo.

Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Khách tang hải : người đến từ chốn trần tục, luôn biến đổi khôn lường

Giật mình trong giấc mộng : ở đây là giấc mộng phàm tục, chính là cuộc sống đời thường của con người. Những ham muốn vật chất, danh lợi luôn cám dỗ, lôi kéo, nhiều gian truân, chông gai luôn rập rình.

=> Một tiếng chày kình cũng có thể khiến khách xa gần, khiến con người tỉnh giấc. Họ sẽ không còn những suy nghĩ vẩn vơ, toan tính của cuộc sống mà sẽ trở nên thanh thản, bình lặng thanh lọc tâm hồn mình, hòa mình cùng thiên nhiên, không khí thoát tục của Đạo giáo.

 

  • Hàng loạt những thắng cảnh nơi đây hiện hữu, tràn ngập, nên thơ :

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh,

Nghệ thuật liệt kê : suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, hang Phật Tích, động Tuyết Quynh.

Nghệ thuật điệp từ : này

=> Tác giả kể ra những cảnh đẹp hiếm có và thêm từ này một cách dứt khoác, mãnh liệt, như yêu quý nơi này lắm, khát khao nhìn thấy từ lâu lắm, và nay mới được chiêm ngưỡng.

 

  • Vẻ đẹp của tạo hóa, tạo nên chốn bồng lai tiên cảnh, thanh thoát, lung linh :

Nhác trông lên ai khéo họa hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.

=> Tác giả thắc mắc, lại ngỡ ngàng trước ai đã tạo nên những kì quan sống động, lung linh huyền ảo đến vậy. Mọi chi tiết đều hoàn hảo, đẹp một cách tuyệt mĩ, không còn gì có thể đẹp đẽ, thoát tục hơn.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây,

Tính từ láy : thăm thẳm, gập ghềnh, long lanh

Nghệ thuật đối : thăm thẳm – gập ghềnh, một – mấy, hang – lối, lồng bóng nguyện – uốn thang mây

Nghệ thuật đảo ngữ : thăm thẳm một hang, gập ghềnh mấy lối

=> Sự điêu luyện trong cách miêu tả và sử dụng từ ngữ của Chu Mạnh Trinh tạo nên một bức tranh thiên nhiên cực kì tráng lệ, bay bổng nhưng cũng tả thực không kém. Ta như bước lên những tầng mây, trên con đường đến với cảnh trời. Cảm giác ấy vừa thiêng liêng, thuần túy vừa cao quý.

 

  • Lời thán phục trước vẻ đẹp trời ban cho nơi đây, và cảm thấy may mắn khi được đứng trước nơi này :

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,

Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt.

=> Vẻ đẹp của Hương Sơn làm cho nước non đất mẹ thêm hữu tình, trang trọng, cao quý. Trời cao ban tặng những thắng cảnh toàn mĩ cho giang sơn này để con người thêm yêu cái đẹp, thêm yêu tín ngưỡng tôn giáo, yêu quê hương đất nước.

 

==> Hương Sơn đẹp ở núi non trùng điệp, sông nước mênh mông, trời mây thoáng đãng. Mọi sự vật ở đây đều êm đềm, thanh thuần và tinh khiết, đều hướng về tâm niệm Phật giáo. Theo tác giả, đến với Hương Sơn, là đến với phong cảnh thiên nhiên nghìn năm có một, thêm vào đó là sự thanh lọc tâm hồn, mở rộng giới quan trước bộn bề cuộc sống. Tất cả những điều ấy, tạo nên một Hương Sơn thoát tục như chốn thần tiên.

 

Tâm trạng của tác giả ( 3 câu cuối )

  • Không khí của tôn giáo hiện lên mạnh mẽ và thiêng liêng :

Lần tràng hạt niệm Nam mô phật,

Cửa từ bi công đức biết là bao !

Từ ngữ đậm tính chất Phật giáo : tràng hạt, niệm phật, cửa từ bi, công đức

Câu cảm thán làm tăng sự thán phục, cúi mình trước niềm tin tôn giáo : Cửa từ bi công đức biết là bao !

=> Tác giả Chu Mạnh Trinh một lòng hướng về Phật pháp, đề cao tín ngưỡng của dân tộc. Đã vậy, được đến với Hương Sơn, cảnh đẹp bồng lai ở đây còn khiến ông phải trút hết cảm tình, lòng kính cẩn, bộc lộ tình yêu tha thiết.

 

  • Tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, yêu tín ngưỡng, yêu đất nước tóm gọn trong câu thơ cuối :

Càng trông phong cảnh càng yêu.

Nghệ thuật tăng tiến : càng … càng

=> Niềm say mê tha thiết, sự rung cảm thật sự trước cảnh vật của Hương Sơn, tác giả đã bộc lộ hết suy nghĩ, tình yêu của mình. Càng nhìn phong cảnh, người càng yêu nhiều thứ thuộc về thiên nhiên, thuộc về dân tộc, thuộc về đất nước và một niềm tin tôn giáo mãnh liệt.

 

==> Ba câu cuối súc tích nhưng thể hiện được toàn bộ tâm ý tác giả đối với Hương Sơn. Ông ngỡ ngàng đắm say với phong cảnh, từ đó càng yêu vẻ đẹp quê hương, đề cao tín ngưỡng thiêng liêng, cao quý.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Độc đáo trong loại hình hát nói, giọng điệu nhịp nhàng, trầm bổng, lôi cuốn
  • Kết hợp các biện pháp nghệ thuật làm tăng tính gợi hình, gợi cảm
  • Từ ngữ, hình ảnh chắc lọc, giàu hình tượng

Nội dung

  • Vẻ đẹp của Hương Sơn – quần thể danh thắng dân tộc hiện lên mênh mông thanh khiết, bay bổng thoát tục hơn bao giờ hết. 
  • Tâm hồn tác giả say mê trước cái đẹp, chan hòa với thiên nhiên. Và tình yêu đất nước của Chu Mạnh Trinh gửi gắm tha thiết, chân thành, cao quý.
Người đóng góp
Comments to: Bài ca phong cảnh Hương Sơn ( Hương Sơn phong cảnh ca )