Tìm hiểu chung

Tác giả

Nguyễn Trường Tộ ( 1830 – 1871 )

Nguyễn Trường Tộ ( 1830 – 1871 )

Quê quán : làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Hay gọi Trạng Tộ. Là nhà văn, kiến trúc sư, nhà cải cách xã hội Việt Nam thế kỉ XIX.

Cuộc đời :

  • Xuất thân trong gia đình theo Công giáo Rô-ma, từ nhỏ thông minh hiếu học.
  • Ông thông thạo cả Hán học và Tây học. Từng làm phiên dịch cho Pháp.
  • Từ 1861, sau khi thôi việc, ông hết lòng phụng sự đất nước, viết nhiều bản điều trần đề cập trên nhiều lĩnh vực nhằm khôi phục và phát triển Việt Nam.

 

Tác phẩm

Xuất xứ

  • Thuộc bản điều trần số 27 mang tên Tế cấp bát điều ( Tám việc cần làm gấp ) viết năm 1867.
  • Đoạn trích thuộc điều thứ tư ( Xin sửa đổi học thuật chú trọng thực dụng ), mục thứ 4 ( Xin lập khoa luật ).

Thể loại : Điều trần

* Điều trần : Là văn bản do bề tôi viết để dâng lên vua để bày tỏ ý kiến, kế sách,…

Chủ đề

Tác giả bàn về sự cần thiết của luật pháp đối với xã hội nhằm thuyết phục Nhà nước mở thêm khoa luật trong cải cách giáo dục.

 

Phân tích tác phẩm

Tầm quan trọng của Luật 

Luật bao gồm :

  • Kỉ cương : phép tắc làm nên trật tự xã hội
  • Uy quyền : quyền lực uy nghiêm
  • Chính lệnh : chính sách và pháp lệnh
  • Tam cương ngũ thường : quy phạm đạo đức trong quan hệ giữa người với người do lễ giáo xưa yêu cầu
  • Sáu bộ : các cơ quan hành chính của triều đình xưa

=> Nội dung của luật bao quát mọi khía cạnh đời sống. Luật pháp có đủ quyền hành và uy nghiêm để đưa xã hội vào trật tự, công bằng và văn minh. Luật không chỉ cho con người lối sống kỉ cương mà còn bao gồm những quy chuẩn đạo đức giữa người với người mà ngày xưa vốn có.

 

Luật có tác dụng :

  • Quan dùng luật để trị
  • Dân theo luật mà giữ gìn
  • Bất cứ hình phạt nào cũng không vượt ra ngoài luật
  • Không cá nhân nào được đoán phạt theo ý mình mà không có chữ kí các quan trong bộ ( kể cả vua )

=> Luật pháp giúp cho xã hội có sự công bằng tuyệt đối. Mọi người đều có chung một hệ thống luật lệ để tuân theo, không ai có quyền áp đặt lên người khác. Và nhờ vào luật, sẽ có sự thống nhất, rõ ràng trong kiểm soát của bộ máy chính quyền.

 

Ưu điểm của luật :

  • Bao gồm đầy đủ mọi khía cạnh xã hội ( kỉ cương, chính lệnh, hành chính,…)
  • Người theo bộ Hình được thong dong chấp hành luật pháp mà không bị bó buộc
  • Công bằng, nghiêm minh, có lợi cho tất cả mọi người
  • Vua bày tỏ được lòng nhân ái, sự khách quan

 

==> Luật là yếu tố quan trọng bậc nhất để đưa xã hội vào khuôn phép, trật tự và phát triển. Nhận thấy được điều đó, tác giả đề cao và đưa ra những nội dung và ưu điểm của luật pháp, ông còn khẳng định : Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Đó là một tư tưởng đổi mới tiến bộ nên được thực thi.

 

Sách vở của đạo Nho không thay thế được Luật

Sách vở Nho gia chỉ nói suông, không có tính thực thi :

  • Không làm cũng chẳng bị ai phạt
  • Có làm cũng chẳng được ai thưởng
  • Học đã nhiều mà mấy ai đổi được tâm tính, sửa được lỗi lầm

=> Sách vở Nho giáo dạy bảo rất nhiều đạo lý, lễ nghĩa. Nhưng nếu chỉ để đọc suông, ai thích thì làm, thì những sách vở ấy không còn giá trị. Sách Nho mang nhiều bài học nhưng lại thiếu uy quyền, chính lệnh,… để người dân tuân theo, thứ mà duy chỉ luật mới có. Đó là điểm thiếu sót của sách vở Nho gia so với Luật.

 

Sách vở thời phong kiến chỉ làm thêm rối trí, không được tích sự gì :

  • Vạn quyển sách cũng chỉ mang tính phụ thuộc, không có luật thì không thể trị được dân
  • Sách vở xưa hay có, dở có, nhưng chỉ toàn lời nói suông. Có những nhà nho suốt đời đọc sách, vậy mà nhiều người, cuộc đời và ứng xử của họ còn tệ hơn những người quê mùa chất phác.

=> Sách vở Nho gia chỉ là lời nói suông tổng hợp qua các đời, rồi đời này lại lưu truyền, sao chép sang đời khác. Dù lời nói trong sách có hay, nhưng con người không làm tới nơi tới chốn, thì suy nghĩ và cách hành xử của họ mãi không thay đổi được. Cho nên càng lưu giữ nhiều sách, thì càng thêm rối rắm, không giúp ích được gì.

 

==> Sách vở Nho giáo tuy có hay, có ý nghĩa và mang tính chất truyền thống, tuy nhiên không thể chỉ lấy đạo lí Nho giáo làm chuẩn mực cho xã hội, cho Quốc gia. Để quản lí và phát triển xã hội tốt nhất, điều chính quyền cần là luật pháp. Càng phê phán sách vở phong kiến, tác giả chính là đang đề cao sức mạnh của luật.

 

Khẳng định sự cần thiết của luật

Luật giúp đảm bảo hoàn thành tốt việc cai trị

Luật còn là đức. Giữ luật chính là giữ đức :

  • Trong luật có lẽ công bằng. Theo lẽ công bằng mà xử là chí công vô tư. Chí công vô tư là đức trời, lẽ công bằng là đức trời.
  • Theo luật là giữ cho bản thân mỗi người có đạo đức, có trách nhiệm, có khuôn phép.

 

==> Luật pháp không chỉ giúp cai trị tốt, luật còn hoàn thành tốt việc khai sáng, giữ gìn bản thân con người. Bên cạnh đó, luật mang lại lợi ích, công bằng, luật mang đạo đức tinh vi. Tận dụng luật cũng đủ trọn vẹn đạo làm người.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Sử dụng các câu nói của Khổng Tử để chứng minh, tăng phần thuyết phục cho mỗi luận điểm.
  • So sánh, đối chiếu giữa luật pháp phương Tây đã có và chế độ cai trị của ta bằng đạo lí Nho giáo, làm bật lên ưu thế của việc áp dụng luật.
  • Vấn đề đặt ra ngắn gọn, trực tiếp, lời văn rành mạch có giá trị thuyết phục cao.

Nội dung

  • Thuyết phục được người đọc về tầm quan trọng, sự cần thiết của luật pháp đối với xã hội, nhất là xã hội còn trị dân theo đạo lí Nho giáo bấy giờ.
  • Thể hiện tư tưởng mới mẻ, tiến bộ của Nguyễn Trường Tộ. Những tư tưởng ấy đáng được đề cao trong công cuộc cải cách đất nước.
Người đóng góp
Comments to: Xin lập khoa luật (trích Tế cấp bát điều)