1. Ngữ văn lớp 11

Ôn tập văn học trung đại Việt Nam

Nội dung

Nội dung yêu nước

Biểu hiện và so sánh ( từ TK XVIII đến hết TK XIX )

  • Biểu hiện của nội dung yêu nước : tinh thần trách nhiệm, hi sinh bản thân vì tổ quốc; trung quân ái quốc; ý chí, quyết tâm đánh đuổi giặc thù; yêu non sông, đất nước, yêu từng tấc đất, nét văn hóa cha ông để lại; nhân dân dũng cảm, kiên cường đấu tranh,…
  • So với các giai đoạn trước, nội dung yêu nước giai đoạn này có sự đa dạng, khách quan, thấu đáo hơn về suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm và các phương hướng canh tân đất nước.

Ví dụ : Điểm mới có thể thấy trong Bài ca ngất ngưởng ( ý thức về bản thân, tư tưởng tách ra khỏi xã hội lạc hậu), Chiếu cầu hiền, Xin lập khoa luật ( phương hướng tìm kiếm người tài, canh tân đất nước), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ( âm hưởng bi tráng, tượng đài người nông dân nghĩa sĩ),…

Làm rõ qua phân tích tác phẩm 

  • Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) : lòng căm thù giặc sâu sắc; tấm lòng thương dân, thương cả tầng lớp nông dân nghèo dưới đáy xã hội; nỗi đau đớn khôn tận khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan;…
  • Xin lập khoa luật (Nguyễn Trường Tộ) : tư tưởng tiến bộ trong đổi mới giáo dục, canh tân đất nước.
  • Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh) : ca ngợi vẻ đẹp của non sông, đất nước; niềm tin tôn giáo dân tộc mãnh liệt.
  • Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến) : tình yêu đất nước thầm kín nhưng sâu sắc, luôn lo lắng không yên trước hoàn cảnh đất nước.
  • Vịnh khoa thi Hương (Trần Tế Xương) : nỗi đau trước tình cảnh suy tàn của đất nước; tỏ thái độ, căm ghét thực dân.

 

Nội dung nhân đạo

Biểu hiện và so sánh ( từ TK XVIII đến hết TK XIX )

  • Trào lưu nhân đạo chủ nghĩa xuất hiện vì hoàn cảnh đất nước trong giai đoạn ấy là phong kiến lạc hậu, trong khi tư tưởng con người tiến bộ, nhận thức sâu sắc về quyền sống và khát vọng sống, muốn vượt lên, thoát khỏi sự chèn ép vô lí của xã hội phong kiến. Cho nên các tác phẩm đều ca ngợi, đề cao giá trị nhân bản, giá trị con người.
  • Biểu hiện phong phú, đa dạng : bảo vệ cho quyền con người; thương cảm cho những người xung quanh và tự thương cảm chính mình; ngợi ca những phẩm chất trong con người; hướng tới ước mơ cao cả; hướng tới xã hội công bằng.
  • Vấn đề cơ bản nhất của nội dung nhân đạo : khẳng định quyền sống con người.

Làm rõ qua phân tích tác phẩm

Làm sáng tỏ vấn đề cơ bản nhất : khẳng định quyền sống con người

*Quyền sống con người có thể hiểu là quyền được khát khao, ước mơ và thực hiện, quyền được sống trong xã hội công bằng, quyền được hưởng hạnh phúc,…

  • Truyện Kiều (Nguyễn Du) : đề cao tình yêu đôi lứa; đề cao sự công bằng, công lí, đề cao sự tự do.
  • Trích đoạn Chinh phụ ngâm (bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm) : đề cao tình yêu, tuổi trẻ của con người, từ đó phê phán chiến tranh.
  • Thơ Hồ Xuân Hương : đề cao giá trị của người phụ nữ; đề cao khát vọng tự do, khát khao sống, khát khao tình yêu.
  • Trích đoạn Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) : đề cao sự công bằng, đạo lí nhân nghĩa; đề cao tình yêu đôi lứa.
  • Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) : ý thức về bản thân, tư tưởng tiến bộ, phóng khoáng giữa xã hội lề thói.
  • Thương vợ (Trần Tế Xương) : đề cao giá trị của người phụ nữ; đề cao đạo nghĩa vợ chồng; qua lời tự trào có thể khẳng định con người tác giả.
  • Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến) : đề cao tình bạn; khát vọng được sống, được sẻ chia.

 

Giá trị phản ánh và phê phán hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Giá trị phản ánh

  • Miêu tả sinh động, chân thật quang cảnh phủ Chúa xa hoa, lộng lẫy, tốn kém.
  • Cho thấy sự uy nghiêm, trang trọng trong phủ. Thấy cả hệ thống chặt chẽ như cung quy.
  • Hiện lên một không khí tăm tối, u ám, thiếu sinh khí, ngột ngạt.

Phê phán hiện thực

  • Sự xa hoa, tốn kém, phung phí vô bổ của nhà Chúa.
  • Sự lộng quyền, hoành hành, từ Chúa đến cả Thế tử, quan lại,…
  • Cuộc sống thiếu sinh khí, u tối trở thành cách sống của bậc vương giả.
  • Phản ánh xã hội lúc bấy giờ qua cách sống hưởng lạc của chúa Trịnh.

 

Giá trị nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Giá trị nghệ thuật

  • Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, gần gũi nhưng giàu hình tượng.
  • Hình ảnh người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc được mang vào thơ văn vô cùng đẹp đẽ, mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất.
  • Thơ văn trữ tình sâu sắc, đậm đà sắc thái Nam Bộ.

Giá trị nội dung

  • Hướng đến các giá trị đạo đức, đạo lí nhân nghĩa cao cả.
  • Đề cao tình yêu lứa đôi, khát vọng sống có ích,…
  • Tấm lòng nồng nàn yêu nước, thương dân.

Tượng đài bi tráng và bất tử của người nông dân nghĩa sĩ

  • Nguyễn Đình Chiểu thành công trong việc mang hình tượng người nông dân chân lấm tay bùn vào thơ văn (trước đây ít ai làm và làm tốt), khiến họ trở nên đẹp hơn bao giờ hết.
  • Sự bi ai đến từ cuộc sống quá đỗi giản dị, nghèo khổ của người nông dân nhưng trong họ lại tồn tại một nghị lực, ý chí lớn lao. Tiếng than khóc trong bài Văn tế là sự đau xót, thương cảm mãnh liệt cho số phận người dân, cho sự hi sinh cao cả của họ.
  • Sự hùng tráng cũng đến từ chính nghị lực, ý chí, sự gan dạ, bất khuất của người nông dân. Họ căm thù giặc, quyết chiến trên trận tiền, họ tạo ra một trận chiến vẻ vang cho dân tộc, vẻ vang cho người nông dân, để lại tiếng thơm mãi lưu truyền.

 

Phương pháp

1. Bảng tổng kết

STT Tên tác giả Tên tác phẩm Những điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật
Nội dung Nghệ thuật
1 Lê Hữu Trác Vào phủ chúa Trịnh Bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh. Bộc lộ thái độ coi thường danh lợi. Quan sát tinh tế, ghi chép chi tiết, sắc sảo, bút pháp tả thực sâu sắc.
2 Hồ Xuân Hương Tự tình Tâm trạng, thái độ của tác giả trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc. Độc đáo trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng.
3 Nguyễn Khuyến Câu cá mùa thu Sự cảm nhận về cảnh sắc mùa thu đồng bằng Bắc Bộ. Tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thơi thế của tác giả. Gợi tả tinh tế, ngôn ngữ trong sáng, hình ảnh đặc sắc.
4 Trần Tế Xương Thương vợ Khắc họa hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh. Từ đó vẻ đẹp nhân cách của tác giả cũng hiện lên. Giọng thơ lúc trữ tình sâu sắc, lúc trào phúng sâu cay, ngôn ngữ giản dị.
5 Nguyễn Công Trứ Bài ca ngất ngưởng Bản lĩnh cá nhân trong cuộc sống của Nguyễn Công Trứ Thể loại hát nói độc đáo, phóng khoáng, nhịp điệu uyển chuyển.
6 Cao Bá Quát Bài ca ngắn đi trên bãi cát Sự chán ghét của người tri thức đối với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khao khát thay đổi cuộc sống. Ngôn ngữ giàu hình tượng, linh hoạt. Nhịp thơ phóng khoáng, uyển chuyển.
7 Nguyễn Đình Chiểu Lẽ ghét thương Nói lên tình cảm yêu ghét phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân sâu sắc của tác giả. Lời thơ mộc mạc, chân chất nhưng sâu sắc, cảm xúc.
8 Nguyễn Đình Chiểu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Tiếng khóc bi tráng cho một thời kì lịch sử đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc. Tượng đài bất tử về người nông dân nghĩa sĩ dũng cảm chiến đấu, hi sinh. Ngôn ngữ giản dị nhưng sinh động. Thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật
9 Ngô Thì Nhậm Chiếu cầu hiền Thể hiện chủ trương đúng đắn của nhà Tây Sơn nhằm động viên trí thức Bắc Hà tham gia xây dựng đất nước. Lập luận chặt chẽ, nghệ thuật thuyết phục đặc sắc.

 

2. Đặc điểm của văn học trung đại

a) Tư duy nghệ thuật

Thường nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn đã thành công thức.

Tính quy phạm và sáng tạo trong Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến)

  • Yếu tố mang tính quy phạm : thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật (niêm, vần,…), hình ảnh ước lệ, tượng trưng.
  • Sự sáng tạo trong tính quy phạm : cách gieo tử vần “eo”, một số hình ảnh độc đáo làm nên mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến.

 

b) Quan niệm thẩm mĩ

Hướng về cái đẹp trong quá khứ, thiên về cái cao cả, tao nhã, ưa sử dụng những điển tích, điển cố, thi liệu Hán học.

Một số điển tích, điển cố :

  • Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) : nói về các đời vua tàn bạo, hoang dâm ( đời Kiệt, Trụ, U, Lệ, Ngũ bá) để làm rõ sự ghét; nói về các vị cao nhân, tài đức ( thầy Nhan Tử, ông Gia Cát,…) để làm rõ sự thương.
  • Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát) : dùng tích ông tiên ngủ kĩdanh lợi để tỏ thái độ chán ghét vòng danh lợi và sự khó khăn khi chọn con đường danh lợi, khát khao được thay đổi nó.
  • Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) : nói về phường Hàn, Phúphơi phơi ngọn đông phong để tỏ thái độ khinh thường danh lợi, tự tin với lối sống ngất ngưởng, vượt lên thói đời của tác giả.

 

c) Bút pháp nghệ thuật

Thiên về bút pháp ước lệ, tượng trưng.

Bút pháp tượng trưng trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát)

  • Hình ảnh bãi cát : tượng trưng cho con đường danh lợi đầy khó khăn, vất vả.
  • Đi một bước lại lùi một bước : nói về quãng đường xa nhưng cũng ẩn ý con đường danh lợi muôn vàn trắc trở, rất khó khăn để đạt được điều mong muốn.
  • Hình ảnh người đi trên bãi cát : là những người chọn đi theo con đường danh lợi vô nghĩa.
  • Khúc đường cùng : rơi vào con đường bế tắc, bất lực nhất của con người chọn đi theo vòng danh lợi, không còn lối thoát.

 

d) Thể loại

Giữ vai trò quan trọng trong văn học trung đại. Mỗi thể loại có những đặc trưng cơ bản. 

Một số tác phẩm trung đại gắn liền tên thể loại : Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chiếu cầu hiền, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Chiếu dời đô,…

 

Thơ Đường luật 

Gồm một hệ thống quy tắc phức tạp thể hiện ở 5 điều : Luật, Niêm, Vần, Đối và Bố cục

Bố cục

  • Chia theo Đề (Câu 1 – Phá đề ; Câu 2 – Thừa đề), Thực, Luận, Kết.

Ví dụ : Tự tình (Hồ Xuân Hương), Vịnh khoa thi Hương (Trần Tế Xương), Chạy giặc (Nguyễn Đình Chiểu),…

  • Một số bài chia bố cục bám sát theo mạch cảm xúc của tác giả

Ví dụ : Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến) chia bố cục 6/1 hay 1/5/1, Qua đèo ngang (Bà Huyện Thanh Quan) chia bố cục 1/6, Thương vợ (Trần Tế Xương) có thể chia bố cục 6/2 ,…

Vần

  • Thường gieo ở mỗi cuối câu 1, 2, 4, 6, 8, có vần chính và vần thông (vần gần giống nhau)

Ví dụ : Ao thu lạnh lẽo nước trong veo / Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. (Vần chính)Bước tới đèo Ngang bóng xế tà / Cỏ cây chen lá đá chen hoa. (Vần thông)

  • Bài thơ gọi là thất vần khi các chữ cuối một trong các câu 1, 2, 4, 6, 8 có vần không giống nhau.

Đối

  • Có hai cặp đối (câu 3 – câu 4 ; câu 5 – câu 6 ), nếu một cặp không đối thì gọi là thất đối.
  • Có các loại đối thanh, đối nghĩa và đối từ loại.

Ví dụ : Xiên ngang mặt đất rêu từng đám / Đâm toạc chân mây đá mấy hòn. (Đối từ loại).

  • Có thể đối tương phản hay đối tương hỗ.

Ví dụ : Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao. (Đối tương phản).

Niêm

  • Các câu giống nhau về luật gọi là niêm. Câu 1 niêm với câu 8, 2 – 3, 4 – 5, 6 – 7, tạo âm điệu và sự gắn kết giữa các câu thơ với nhau.

Ví dụ : Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa / Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá.

Luật bằng trắc

  • Căn cứ vào tiếng thứ hai trong câu 1. Nếu tiếng thứ hai là thanh bằng thì bài thơ viết theo luật bằng; nếu tiếng thứ hai là thanh trắc thì bài thơ viết theo luật trắc. Trong một câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải giống nhau về thanh điệu, đồng thời chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia.

Ví dụ : Quanh năm buôn bán ở mom sông (Luật vần bằng); Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây (Luật vần trắc).

  • Khác với quy luật trên gọi là thất luật.
Văn tế
  • Gồm 4 phần : lung khởi, thích thực, ai vãn, kết.
  • Về hình thức, văn tế có thể là văn xuôi, biền văn, theo thể phú Đường luật,…
Hát nói 
  • Chia làm ba phần, mỗi phần cuối câu có nhịp riêng.
  • Là biến thể của song thất lục bát, ảnh hưởng của tư tưởng Lão-Trang.

 

Người đóng góp
Comments to: Ôn tập văn học trung đại Việt Nam