Tìm hiểu chung

Tác giả

Trần Tế Xương qua tranh vẽ
Trần Tế Xương qua ảnh chụp

Trần Tế Xương (1870-1907)

Tên thật là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh

Quê quán : làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định

Cuộc đời :

  • Là người tài giỏi, tính cách phóng khoáng. Ông luôn khinh bỉ xã hội mục nát đê hèn, ách thống trị của thực dân
  • Lận đận trong thi cử, thi đến lần thứ tám mới đỗ tú tài ( nên gọi là Tú Xương ). Vì tính tình ông phóng khoáng, phóng túng, hay phạm trường quy:

Rõ thực nôm hay mà chữ tốt,

Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy. 

( Buồn thi hỏng – Trần Tế Xương )

Nhận định : Của Xuân Diệu :

Ông nghè ông thám vô mây khói

Đứng lại văn chương một tú tài.

 

Sự nghiệp sáng tác

  • Thể loại : chủ yếu thơ Nôm. Đa dạng về thể thơ
  • Chủ đề : phê phán, lên án xã hội lề thói, bất công, sự chèn ép của thực dân, đồng thời thể hiện tình yêu với cuộc đời, đất nước.
  • Là nhà thơ trào phúngtrữ tình. Trong đó trữ tình là gốc, mảng trào phúng cũng vô cùng đặc sắc.
  • Các sáng tác nổi bật : Văn tế sống vợ, Sông lấp, Năm mới chúc nhau, Áo bông che bạn

 

Phân tích tác phẩm

Xuất xứ

Viết bằng chữ Nôm.

Thể thơ : thất ngôn bát cú Đường luật

Đôi nét về bà Tú

Tên thật : Phạm Thị Mẫn

Quê quán : Hải Dương. Sống ở Nam Định. Gia đình có nhiều người đỗ đạt. Bản thân bà cũng là một khuê các, cuộc sống đủ đầy, như Tú Xương nói về bà :

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ,

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ.

Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?

Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!

( Văn tế sống vợ – Trần Tế Xương )

Chủ đề

Tác giả ca ngợi các đức tính, phẩm chất tốt đẹp của vợ mình. Từ đó tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến bà Tú và phê phán bản thân mình vô tích sự, phê phán thói đời.

*Chủ đề người vợ xuất hiện trong thơ văn xưa rất hiếm hoi. Ngày xưa ít ai viết về vợ, nhất là khi họ đang sống mà còn khen ngợi, kính trọng vợ mình. Trần Tế Xương làm điều đó, không khoa trương, giả dối mà rất chân thành, sâu sắc

Bố cục và phân tích

*Ở đây chia theo Đề, Thực, Luận, Kết.

*Có thể chia theo nội dung :

  • 6 câu đầu ( hình ảnh bà Tú )
  • 2 câu cuối ( Lời tự trào của ông Tú )

* Dấu   ” / ”   chia nhịp thơ

Hai câu đề: Nỗi vất vả gian truân của bà Tú

 

Quanh năm / buôn bán / ở mom sông,

Công việc : buôn bán ( chính xác là bán gạo ). Nghề buôn bán có thể nói là nghề vô cùng vất vả, phải tranh giành với nhiều người buôn bán khác, có ngày bán được, ngày thì chẳng được gì.

Thời gian : quanh năm, là tất cả mọi ngày trong năm. Tức bà Tú làm việc xuyên suốt ngày này qua ngày khác, không nghỉ ngày nào dù mưa hay nắng.

Địa điểm : mom sông. Mom sông là ven bờ, thềm, là khúc đất chênh vênh nhô ra ngoài sông. Nơi đó có đò buôn bán qua lại nhộn nhịp, náo động cũng như vô cùng nguy hiểm. Bà Tú là người phụ nữ liều lĩnh, không ngại gian khó để làm việc ở một nơi như thế.

=> Tú Xương đầu tiên khắc họa rõ nét hình ảnh bà Tú qua công việc, thời gian, địa điểm. Dựa vào những điều trên, bước đầu có thể thấy bà Tú tuy xuất thân là con gái nhà dòng, nhưng vẫn là người chăm chỉ, chịu thương chịu khó, cả cuộc đời vất vả nuôi chồng, nuôi con.

 

Nuôi đủ / năm con với một chồng.

Nuôi đủ : Nuôi không thừa, cũng không thiếu. Hai từ nuôi đủ này thể hiện công lao vô cùng to lớn của bà Tú đối với gia đình.

Năm con với một chồng : 

  • Nghệ thuật so sánh : Trần Tế Xương như muốn đặt lên bàn cân, một bên là năm miệng ăn của con cái, một bên là mình. Từ với ở giữa như là đòn gánh của bà Tú, phải gánh vác gia đình, mà hai bên bên nào cũng nặng trĩu.
  • Số từ : nămmột là hai số từ. Tuy khác nhau về số lượng, nhưng với cách so sánh như trên, tác giả muốn nói bản thân mình không chỉ là một miệng, mà đem ra so với năm con thì một mình mình cũng như năm miệng ăn. Khi đọc câu thơ, ta thấy từ đủ và từ một mang hai vần trắc vô cùng nặng nề, chẳng khác nào tác giả ví bản thân mình còn hơn con số năm ấy nữa.

Cách ngắt nhịp 2/5 : một bên là mười miệng ăn ( hoặc còn hơn thế nữa ), một bên là một mình bà Tú, phải chăm lo, gánh vác gánh nặng này, còn chưa kể tới cả khẩu phần của bà Tú

=> Bà Tú chính là trụ cột cho gia đình, một mình người phụ nữ ấy phải bươn chãi, để lo cho chồng con. Với chừng ấy người, bà không lo thiếu một chút gì, nhất là với ông chồng tài hoa, chịu chơi :

Hầu con chè rượu ngày sai vặt,

Lương vợ ngô khoai tháng phát dần.

( Tự trào II – Tú Xương )

Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ

Rượu chè trai gái đủ tam khoanh.

( Phỗng sành – Tú Xương )

Biết thuốc lá, biết chè tàu

Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi.

( Hỏi ông trời – Tú Xương )

 

==> Hai câu thơ đầu khắc họa những nỗi vất vả trong cuộc đời bà Tú. Quanh năm suốt tháng bà phải lao động để nuôi gia đình, đặc biệt là nuôi đức ông chồng. Tú Xương ở câu thứ hai như muốn nói một chân lí ngày xưa: phu sướng phụ tùy, và vừa tự chế giễu mình ăn bám vợ một cách hóm hỉnh, hài hước.

 

Hai câu thực : Những đức tính cao đẹp của bà Tú

 

Lặn lội thân cò / khi quãng vắng,

Lặn lội : nói tới những việc vất vả, khó khăn  -> Vừa là từ láy tượng thanh, vừa là từ láy tượng hình

Lặn lội thân cò   -> Đảo ngữ

Thân cò  ->  Ẩn dụ . Ẩn dụ hình ảnh bà Tú. Hình tượng con cò được phản ánh rất nhiều qua ca dao xưa, là hình ảnh về thân phận người phụ nữ nông thôn Việt Nam với tấm thân gầy guộc, khẳng khiu, lặn lội, tần tảo :

Cái cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Hoặc :

Con cò lặn lội bờ ao

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Thay vì gọi là con cò hay cái cò như cũ, Tú Xương trân trọng gọi là thân cò. Cách gọi ấy vừa thể hiện sự yêu thương, vừa đánh mạnh về thân phận của người phụ nữ. Bà Tú là điển hình cho người phụ nữ Việt tần tảo, giàu đức hi sinh.

Khi quãng vắng : là những lúc vắng vẻ, không gian rộng lớn, rợn ngợp như nuốt chửng những con người nhỏ bé, lẻ loi

=> Câu thơ trên vẽ nên một hình ảnh rất đẹp, người phụ nữ mỏng manh, gầy guộc như thân cò lọt thỏm giữa một không gian rộng lớn. Đó là bà Tú với đòn gánh đứng nơi đầu sông bãi bến lúc sớm hôm hay chiều tà, miệt mài lao động. Con cò với bộ lông muốt trắng, thân hình mảnh khảnh, tập tính đẹp đẽ, như người phụ nữ với vóc người nhỏ nhưng mang những thiên tính nữ vô cùng cao quý.

 

Eo sèo mặt nước / buổi đò đông.

Eo sèo : là tiếng kì kèo, lời qua tiếng lại khó nghe khi cự cãi, thường gặp trong công việc buôn bán   -> Từ láy tượng thanh

Eo sèo mặt nước : là tiếng kì kèo ngay mom sông. Ta có thể tưởng tượng ra mặt sông có lúc dập dờn lay động vì những hoạt động buôn bán, cãi cọ qua lại.

Buổi đò đông : là lúc mom sông có nhiều đò cập bến cùng lúc. Khi ấy những người hoạt động ở đó vô cũng nguy hiểm. Ca dao xưa có câu :

Con ơi nhớ lấy câu này,

Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua.

=> Câu thơ trên một lần nữa cho thấy sự vất vả, gian nan trong công việc mà bà Tú đang làm. Công việc ấy vừa nặng nhọc, vừa dễ gây bất hòa, xô xát, vừa nguy hiểm, rủi ro. Nhưng bà Tú vẫn bất chấp tất cả để lo cho gia đình.

Hai câu thực  ->   Phép đối rất chỉnh

 

==> Sự lặn lội, bươn chãi của bà Tú giữa một nơi xô bồ, nguy hiểm để kiếm tiền nuôi chồng con thể hiện cho một đức tính cao cả, sáng ngời của người phụ nữ : hi sinh vì gia đình. Bà Tú càng vất vả, ta lại cảm nhận được bóng hình ông Tú đứng sau, dõi theo những vất vả đó, kể thay lời bà Tú với sự cảm thông, có cả thương xót.

 

Hai câu luận : Sự hi sinh thầm lặng của bà Tú

 

Một duyên hai nợ / âu đành phận,

Thành ngữ : một duyên hai nợ . Dân gian cho rằng: có duyên mới gặp được nhau, nhưng có nợ mới chung sống lâu dài.

Số từ : một, hai . Tú Xương dùng một để nói về cái duyên, khiến ông gặp bà Tú, yêu bà, nhưng lại dùng hai, như thể hiện cái nợ nặng hơn, mà ở đây có lẽ là bà Tú nợ ông, nên bây giờ bà luôn khổ cực, hi sinh, vất vả nhiều đến thế.

Âu đành phận : như một lời than thở. Tác giả như buông lời than thay chính vợ mình, vì duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Cuối cùng cũng chỉ biết cam chịu, chấp nhận số phận mà ông trời định đoạt.

* Mối liên hệ giữa câu thực và câu luận : thân còđành phận. Cả hai đều nói lên sự khổ cực trong cuộc đời bà Tú, tất cả khổ cực ấy đều do hai từ thân phậnTuy là một chi tiết khá nhỏ, nhưng góp phần quan trọng trong tư tưởng của Trần Tế Xương. Chi tiết này một lần nữa sẽ xuất hiện trong hai câu kết.

 

Năm nắng mười mưa / dám quản công.

Thành ngữ : năm nắng mười mưa. Tiếp tục khắc họa nỗi vất vả: dù ngày nắng, ngày mưa thì bà Tú vẫn phải lao động

Số từ : năm, mười

Dám quản công : là không ngại công sức bỏ ra nhiều đến đâu, không ngại khó khăn, chông gai, cực nhọc.

==> Hai câu luận có sự vận dụng nghệ thuật rất tinh tế, đặc sắc để thể hiện tình cảm:

  • Số từ tăng dần : một, hai, năm, mười. Đó là nỗi gian truân, gian khổ ngày một tăng lên trong cuộc đời bà Tú.
  • Thành ngữ dân gian : một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa . Tú Xương nhìn thấy, cả cuộc đời bà Tú duyên ít mà nợ nhiều, sướng ít mà khổ nhiều, chưa bao giờ bà được thảnh thơi ngơi nghỉ mà luôn chấp nhận cơ cực để mưu sinh.
  • Phép đối giữa hai câu rất chỉnh, gọi là toàn bích

 

==> Bà Tú là người gánh vác, trụ cột, lo từng miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Sự hi sinh đó không chỉ xuất phát từ tình yêu chồng, yêu con, yêu gia đình, mà đặc biệt còn là sự tôn trọng, tình nghĩa sâu đậm với Trần Tế Xương.

 

Hai câu kết : Tiếng chửi chính bản thân, chửi xã hội của Tú Xương

 

Cha mẹ thói đời / ăn ở bạc,

Cha mẹ : khẩu ngữ. Tiếng chửi đặt ở đầu câu có ý nhấn mạnh sự đau nhói, khó chịu của ghê gớm của tác giả. Đó là tiếng chửi xã hội, và có cả tiếng chửi cả bản thân mình trong đó nữa.

Thói đời : dùng từ thói là để nói về những cái xấu, cái đê hèn của đời người, của xã hội. Đó là những quan niệm, quy củ lạc hậu, tư tưởng sai lầm : trọng nam khinh nữ ; trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng ;…

Ăn ở bạc : ở đây là cách sống, cách ăn ở, đối xử với nhau bạc bẽo, lạnh lùng

=> Tú Xương chửi đời đen bạc, vì đã đặt ra những quan niệm, lề thói bó buộc, sai lầm với người phụ nữ nói chung và với vợ ông – bà Tú nói riêng. Như đã nhắc ở trên, vì sao ở sáu câu đầu mọi sự vất vả của bà Tú đều có bắt nguồn từ thân phận: vì thói đời bạc bẽo, không nâng niu, tôn trọng người phụ nữ. Nhắc đến thân phận người phụ nữ xưa thì đó là những bất hạnh, bất công nặng nề. Mà chính Tú Xương đã cảm nhận được, đồng cảm với vợ. Ông chửi rủa xã hội đó, và cũng tự chửi mình vì nhận ra mình bạc bẽo với vợ vì mình cũng là một phần của xã hội vô tình ấy mà thôi.

 

Có chồng hờ hững / cũng như không.

Có chồng hờ hững : tác giả tự nhận mình là người hờ hững, vô tâm với vợ, với gia đình. Nhưng không có ai vô tâm lại luôn dõi theo vợ, yêu thương vợ và tự nhận thức về bản thân mình sâu sắc đến thế.

Cũng như không : trong mắt Tú Xương, bà Tú có chồng mà như không có. Hai từ như không buông thõng cuối bài thơ như tiếng thở dài rười rượi vì tự cảm thấy bản thân quá vô dụng, vô tâm của tác giả. Từ không ấy, là không còn gì, như dành cho bà Tú.

Người phụ nữ trong cuộc đời họ chỉ mong lấy được người chồng tốt, con ngoan, cuộc sống bình thản. Nhưng từ lúc cưới ông Tú, bà đã được gì ? Ông chồng vừa tài hoa, lại phóng khoáng, phóng túng, không đỗ đạt cao, một mình bà phải vất vả nuôi gia đình. Chính vì thế Tú Xương rất ăn năn, rất giận mình, giận đời.

Sử dụng kiểu câu : Có … cũng như không. Tác giả cảm thông với vợ về sự bất hạnh trong cuộc đời bà, đều có mọi thứ như người khác, nhưng chung quy bà chẳng có gì cả. Đó là nỗi đau rất lớn, người chồng – Trần Tế Xương có thể thấm thía được thay vợ.

=> Tác giả tự nhận mình hờ hững, tức là có sự tự nhận thức, ý thức về bản thân về trách nhiệm của người làm chồng, trách nhiệm với cuộc đời của bà Tú. Những nhận thức ấy bắt nguồn từ tình yêu thương chân thành cho vợ, không giả dối, khoa trương.

 

==> Hai câu kết dí dỏm, hài hước nhưng chất chứa tâm tư thầm kín sâu sắc, đó là tình yêu gia đình, sự tự nhận thức trong một con người bất lực, chẳng thể làm gì. Tất cả điều Tú Xương có thể làm lúc đó là chửi đời, chửi mình, là đả kích xã hội, đả kích những thứ đê hèn, dơ bẩn nhất còn tồn tại.

 

*Làm rõ thói đời trong Thương vợ

  • Tú Xương lớn lên trong bối cảnh sục sôi và bi thương : Pháp được quyền thống trị trên đất Việt Nam. Nên việc thi cử của ông ít nhiều cũng dưới ách Pháp thuộc :

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến

Váy lê quét đất mụ đầm ra

Nhâan tài đất Bắc nào ai đó

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

( Vịnh khoa thi Hương – Trần Tế Xương )

  • Các lần thi Tú xương hay phạm trường quy khắc nghiệt, chỉ một lần đỗ tú tài. Mà cái chức tú tài không được thi Hương, thi Hội tiếp tục, cũng không được cử làm quan, nên ông thuộc loại dài lưng tốn vải, ăn bám vợ. Điều đó khiến ông dễ nản chí :

Tế đổi làm cao mà chó thế,

Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!

( Hỏng khoa thi Quý Mão – Trần Tế Xương )

  • Và xã hội thời Tú Xương còn dơ bẩn ở chỗ : đút lót để đỗ kì thi. Điều ấy làm ông tú tài rỏm vô cùng bức xúc, vì ông cho rằng mình : Rõ thực nôm hay mà chữ tốt , vậy mà cũng có người tệ hại lại leo lên ghế quan một cách nhanh chóng nhờ tiền. Ông mạnh miệng đả kích, chế giễu :

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,

Nó đỗ khoa này có sướng không?

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,

Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng!

( Giễu người thi đỗ – Trần Tế Xương )

Kẻ yêu người ghét hay gì chữ

Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền.

( Thói đời – Trần Tế Xương )

  • Ông thi hết kì này đến kì khác, một phần vì chuyện học hành là việc của đàn ông, ông cũng hi vọng một lần đỗ đạt thành danh làm nở mặt vợ. Một phần nữa là do cái tôi lớn của kẻ sĩ, của nhà Nho, nên ông không hoàn toàn bỏ thi lao động giúp vợ, cũng không hoàn toàn chọn cách luồn cúi để thăng tiến nhanh chóng.

==> Tú Xương thương vợ, nhưng câu hỏi là : Tại sao ông không thay đổi để giúp vợ ? Tất cả bởi vì thói đời không cho phép ông làm như vậy ! Một xã hội tàn bạo, một xã hội bạc bẽo, bất công vừa khiến người phụ nữ khổ, vừa khiến Tú Xương làm vợ ông khổ thêm. Với tính cách đặc biệt như vậy, ông không thể nào giả danh giả nghĩa để mưu cầu vòng danh lợi. Thứ duy nhất Tú Xương có thể làm, là một tấm lòng chân thành, sâu sắc, quan tâm, đỡ đần vợ mà thôi.

 

*Hình ảnh bà Tú chính là hình tượng phụ nữ muôn đời

  • Tú Xương viết Thương vợ, là đang chân thành kể, miêu tả bao quát về hình tượng người phụ nữ Việt với những đức tính cao đẹp, biết hi sinh.
  • Bà Tú hiện lên rất đẹp, như những người phụ nữ khác, về thiên tính nữ trời ban. Dù thời đại nào chăng nữa, dù xã hội nào chăng nữa, ta vẫn có thể thấy hình ảnh những bà Tú trong các gia đình. Đó là những người mẹ, những người vợ, muôn đời lưu giữ những giá trị đẹp nhất về nhân cách và phẩm chất phụ nữ dân tộc.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, dễ hiểu, giàu sức biểu cảm

Sáng tạo từ các hình ảnh, cách nói của văn học dân gian ( lặn lội thân cò, một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa )

Sử dụng khẩu ngữ một cách tự nhiên nhưng vẫn mang hàm ý sâu cay

Sự kết hợp giữa giọng điệu tự trào và trữ tình, làm bật lên tâm tình, suy nghĩ của tác giả về tình yêu, sự trân trọng đối với vợ, tự nhìn lại và phê phán bản thân.

Nội dung

Hình ảnh bà Tú hiện lên sống động, chân thực,  vừa đảm đang, tảo tần và giàu đức hi sinh. Cả cuộc đời bà Tú cực khổ, vất vả vì gia đình, bà có tấm lòng, tình yêu thương to lớn và cao cả, mãi là hình ảnh đại diện cho người phụ nữ Việt.

Tú Xương như dõi theo và thay lời vợ để kể ra những cơ cực mà bà gánh trên vai. Từ hình ảnh bà Tú ta thấy được bóng hình người chồng yêu thương, trân trọng vợ vô bờ bến. Tác giả không chỉ yêu thương mà còn tự nhìn lại bản thân mình, chửi mình, chứng tỏ ông có một tinh thần trách nhiệm, tình yêu chân thành, trân quý gia đình.

Tác giả ghi lại một cách xúc động, chân thực hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh với tình cảm thương yêu, quý trọng. Thương vợ là bài thơ tiêu biểu cho thơ trữ tình Trần Tế Xương: cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc.

Người đóng góp
Comments to: Thương vợ