1. Ngữ văn lớp 11

Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức (Đọc thêm)

Tìm hiểu chung

Tác giả

  • Nguyễn An Ninh (1899 – 1943) là một nhà báo, nhà văn và là một nhà yêu nước tiến bộ nổi tiếng đầu thế kỉ XX ; quê mẹ ở tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc Long An), quê cha ở tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). 
  • Nguyễn An Ninh là một trí thức có học vấn cao rộng. Ông từng tìm hiểu nhiều nước châu Âu và có mối liên hệ mật thiết với các nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, ông từng bị thực dân Pháp nhiều lần khủng bố, bắt bớ, tù đày, hành hạ và cuối cùng mất tại Côn Đảo.
  • Từ một nhà trí thức Tây học yêu nước, ông dần chuyển biến về chính kiến, đến với tư tưởng mác xít và những người cộng sản. Là một nhà trí thức tân tiến, Nguyễn An Ninh phê phán mạnh mẽ đạo Khổng, đề cao tinh thần học hỏi để xây dựng cái mới, mạnh dạn lên án chính sách bóc lột và ngu dân của thực dân Pháp.
  • Tên tuổi Nguyễn An Ninh gắn liền với những buổi diễn thuyết sôi động, những bài báo nổi tiếng. Văn phong của ông khúc chiết, trong sáng, có độ sâu về tư duy, tràn đầy nhiệt huyết của một người yêu nước gần gũi với đời sống và người lao động.

Tác phẩm

Xuất xứ

“Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức” là bài chính luận xuất sắc của Nguyễn An Ninh với bút danh Nguyễn Tịnh, được đăng trên báo “Tiếng chuông rè” năm 1925.

Chủ đề

Tác phẩm là lời phê phán mạnh mẽ thói học đòi “Tây hóa” từ ngôn ngữ đến văn hóa của người dân An Nam dù họ chẳng biết chút gì về nó. Khuyến khích những người trí thức học tập và kết hợp đúng đắn văn hóa phương Tây để xây dựng một nền văn hóa đặc sắc riêng của nước nhà.

Bố cục : gồm 3 phần

  • Phần 1 (Từ đầu … tha thiết với giống nòi lo lắng) : Tác giả lên tiếng phê phán những hành vi học đòi “Tây hóa” một cách kém văn hóa.
  • Phần 2 (Tiếng nói là người bảo vệ … những từ để nói ra) : Sự phong phú của tiếng Việt và tầm quan trọng của nó đối với vận mệnh của đất nước thời bấy giờ.
  • Phần 3 (Còn lại) : Tiếp thu văn hóa phương Tây nhưng không từ bỏ nguồn gốc quê hương.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

Nguyễn An Ninh phê phán những hành vi của thói học đòi “Tây hóa” :

  • “Nhiều người An Nam thích bập bệ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình.”. Nhiều người tin rằng “việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc”, “làm cho đồng bào của mình tin là học đã được đào tạo theo kiểu Tây phương” nhưng thực chất đó chỉ là biểu hiện sự tầm thường, thiếu văn hóa.
  • “Những kiểu kiến trúc và trang trí lai căng … chẳng có được một thứ văn minh nào” : Thái độ mù tịt về văn hóa Pháp hay châu Âu khiến việc bị “Tây hóa” hay “lai căng” của người dân nước ta trở thành một biểu hiện khác của sự thiếu kiến thức và văn hóa.
  • Biện minh rằng vì “tiếng nước mình nghèo nàn” nên họ mới tìm tới tiếng nước khác tạo thành thứ ngôn ngữ nửa Tây nửa ta : Hoàn toàn không có cơ sở nào cho lời trách cứ này cả. Và lỗi nằm tại chính ý thức học hỏi nghèo nàn, không biết tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn về ngôn ngữ mẹ đẻ.

Câu 2

Tầm quan trọng của tiếng nói đối với vận mệnh của dân tộc :

  • “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất của nền độc lập của các dận tộc, là yêu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị.”.
  • Nếu người dân ta ra sức bảo vệ và giữ gìn tiếng mẹ đẻ, sử dụng chúng trong việc truyền bá các học thuyết đạo đức hay khoa học của châu Âu thì việc giải phóng đất nước chỉ còn là vấn đề về thời gian.
  • “Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình.”.

=> Đối với tác giả, tiếng mẹ đẻ không chỉ thông thường là một ngôn ngữ mà nó còn là một phương tiện, một thứ vũ khí sắc bén giúp đất nước được giải phóng, giúp dân tộc được độc lập. Ngày xưa, cho dù bị giặc phương Bắc đốt sách, đồng hóa, không cho đến trường, ông cha ta vẫn kiên trì sử dụng ngôn ngữ mình dù họ biết sẽ bị bắt, bị hành hạ, thậm chí là bị kết án tử. Chính vì thế, sau hơn một ngàn năm bị đô hộ, dân tộc ta lại có thể một lần nữa thấy được ánh sáng của sự tự do. 

==> Có lẽ, Nguyễn An Ninh cũng đồng quan niệm với ông chủ báo “Nam phong” khi nói về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ : “…, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Câu 3

Tiếng “nước mình” không nghèo nàn :

  • Đồng bào chúng ta chỉ nghĩ đến việc đua đòi ngôn ngữ phương Tây  mà không chịu đào sâu ngôn ngữ mình, “chỉ biết những từ thông dụng”, “nghèo nàn những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam nào”.
  • Câu hỏi tu từ đơn giản nhưng chứa đựng hàm ý chất vấn, mỉa mai cao : “Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu ?”. Ngôn ngữ của đại thi hào Nguyễn Du, chỉ tính riêng “Truyện Kiều” đã được khen rằng :

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”.

(Tố Hữu)

  • Tác giả tiếp tục sử dụng một câu hỏi tu từ khác : “Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết những tác phẩm tương tự ?” : Như một dẫn chứng chứng minh rằng tiếng nước mình không bị giới hạn mà thứ bị giới hạn có lẽ là sự sáng tạo và tinh thần học hỏi của chúng ta. 

Câu 4

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ nước ngoài với ngôn ngữ “nước mình” :

  • Ngôn ngữ nước ngoài có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong việc giúp chúng ta hội nhập, hướng đạo của giới trí thức, “buộc họ phải biết ít nhất là một ngôn ngữ châu Âu để hiểu được châu Âu”.
  • “Tuy nhiên, sự cần thiết phải biết một ngôn ngữ châu Âu … làm giàu cho ngôn ngữ nước mình.” : Việc học tập, tiếp nhận một ngôn ngữ nước ngoài cần ở một mức độ nhất định, giới hạn là không từ bỏ tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, ta nên sử dụng chúng trong việc mở rộng, làm phong phú hơn tiếng nói của mình.

Câu 5

Câu nói này của tác giả đúng nhưng không hoàn toàn :

  • Ngôn ngữ đúng là rất cần thiết trong cách mạng. Bên cạnh việc đấu tranh vũ trang hay đấu tranh chính trị, đấu tranh bằng thơ ca để đả kích thực dân là vô cùng cần thiết, giúp cổ vũ tinh thần những người chiến sĩ, mang lại hiệu quả tốt hơn cho cách mạng.
  • Tuy nhiên, bất cứ cuộc cách mạng giành độc lập nào thì đấu tranh bằng vũ trang vẫn là chính, đấu tranh bằng thơ ca chỉ là yếu. Vì thế, muốn giải phóng hoàn toàn dân tộc, cần nhất vẫn là các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lòng yêu nước mạnh mẽ, quyết chiến quyết thắng,… của dân ta.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức (Đọc thêm)