Tìm hiểu chung

Tác giả

  • Vích-to Huy-gô (Victo Hugo ; 1802 – 1885) là một thiên tài nở sớm và sáng rọi từ đầu thế kỉ XIX cho tới nay.
  • Thời thơ ấu, Hugo phải trải qua những giằng xé trong tình cảm do mâu thuẫn giữa cha mẹ. Tuy nhiên với năng khiếu đặc biệt, sự giáo dục sáng suốt của mẹ cùng với ấn tượng từ những hành trình vất vả theo cha, Hugo đã để lại những dấu ấn khó phai bằng những sáng tác “thiên tài” của mình. Các tác phẩm của ông như “một tiếng vang vọng của thời đại” – vừa bao la, vừa sâu thẳm.
  • Hugo còn là một người hoạt động xã hội và chính trị mạnh mẽ, có những tác động đối với các nhân vật và khuynh hướng tiến bộ của thời đại. Tên tuổi của Hugo được ngưỡng mộ không chỉ do những kiệt tác văn học mà còn do những hoạt động không ngừng nghỉ vì sự tiến bộ của con người.
  • Ông là nhà văn đầu tiên của nước Pháp khi mất được đưa vào chôn cất ở điện Păng-tê-ông – nơi chỉ dành cho vua chúa và các danh tướng.
  • Các tác phẩm tiêu biểu : Nhà thơ Đức Bà Pa-ri (tiểu thuyết – 1831), Những người khốn khổ (tiểu thuyết – 1862), Lá thu ( thơ – 1831), Tia sáng và bóng tối (thơ – 1840), Éc-na-ni (kịch – 1830),…

Tác phẩm

Xuất xứ

Trích phần cuối của tác phẩm “Những người khốn khổ” (1862).

Chủ đề 

Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.

Thể loại : tiểu thuyết.

Bố cục :gồm 3 phần

  • Phần 1 (Từ đầu … Chị rùng mình) : Giăng Van-giăng chưa mất mọi uy quyền.
  • Phần 2 (Rồi chị trông thấy một sự lạ lùng … Phăng-tin đã tắt thở) : Giăng Van-giăng mất hết tất cả uy quyền.
  • Phần 3 (Còn lại) : Giăng Van-giăng khôi phục uy quyền.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

Nghệ thuật đối lập hai nhân vật Giăng Van-giăng và Gia-ve qua đối thoại, hành động :

  • Nhân vật Gia-ve :
    • Giọng nói : không phải tiếng người nói mà là tiếng thú gầm.
    • Cặp mắt nhìn người khác “như cái móc sắt”.
    • Cái cười “phô ra tất cả hai hàm răng” ghê tởm.
    • Nói như gầm, như thôi miên con mồi, “nắm lấy cổ áo”, tựa như con ác thú rình mò sau đó lao vào ngoạm cổ con mồi.
    • Quát tháo lớn tiếng trong nhà bệnh.
    • Vùi dập hi vọng cuối cùng của Phăng-tin vào ông thị trưởng với lời tuyên bố : “Chỉ có một tên kẻ cắp, … Chỉ có thế thôi!”.
    • Trước nỗi đau của người mẹ cận kề cái chết mà chưa được gặp con khiến ai cũng mủi lòng mà Gia-ve tàn bạo tuyên bố : “Giờ lại đến lượt con này! Đồ khỉ có câm họng không?”.

=> Gia-ve không khác nào một con ác thú đội lốt người, từ lời nói cho đến hành động đều mang dáng vẻ của một con thú tàn bạo, man rợ mà không giống nhân loại.

  • Nhân vật Giăng Van-giăng :
    • Giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, mang nhiều sự quan tâm. Phong thái nhã nhặn, điềm tĩnh nhưng cũng đầy quyền uy.
    • Vì cứu cháu đói mà phải lĩnh án nhiều năm tù.
    • Hạ mình xin ba ngày để đi tìm con cho Phăng-tin, hứa rằng nhất định sẽ tìm Cô-dét – con của Phăng-tin về cho chị => Như một vị cứu tinh đối với Phăng-tin.

=> Giăng Van-giăng là hiện thân của tình yêu thương những người nghèo khổ. 

==> Nghệ thuật đối lập giữa Giăng Van-giăng và Gia-ve tạo ấn tượng mạnh mẽ về đối lập giữa cái ác và cái thiện, của ánh sáng và bóng tối, từ đó đưa ra lời khẳng định rằng cuộc sống cần phải có tình yêu thương giữa người với người.

Câu 2

  • Ở Gia-ve, tác giả đã sử dụng hàng loạt chi tiết nhằm quy chiếu về một ẩn dụ : hình ảnh của một con ác thú. Điều đó được gợi lên từ ngôn ngữ, dáng điệu cử chỉ và hành động của Gia-ve với một hệ thống hình ảnh so sánh và biện pháp ngoa dụ :
    • “Trong cái điệu hắn nói lên hai tiếng ấy có cái gì man rợ và điên cuồng”.
    • “Hắn cứ đứng lì một chỗ mà nói ; hắn phóng vào Giăng Van-giăng cặp mắt nhìn như cái móc sắt, và với cái nhìn ấy hắn từng quen kéo giật vào hắn bao kẻ khốn khổ”.
    • “Đúng là Gia-ve đã túm lấy cổ áo Giăng Van-giăng”.
    • “Gia-ve phá lên cười, cái cười ghê tởm phô ra tất cả hai hàm răng”.
    • “Xung quanh cái mũi là vết nhăn nhúm man rợ, trông như mõm ác thú”.
    • “Gia-ve mà nghiêm nét mặt lại thì là một con chó dữ, khi cười lại là một con cọp”.
  • Ở Giăng Van-giăng, tác giả không sử dụng hệ thống hình ảnh so sánh mà thay vào đó là các lời nói, nhận định gián tiếp từ những nhân vật khác cũng như từ chính tác giả, từ đó quy chiếu Giăng Van-giăng về hình ảnh của một người cầm quyền lí tưởng, hiện thân của cái thiện, có tâm hồn thánh thiện, cùng sẻ chia, nếm trải mọi nỗi khổ đâu trên đời với những số phận bất hạnh :
    • “Ông bảo Phăng-tin bằng giọng hết sức nhẹ nhàng và điềm tĩnh”.
    • “lúc Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”.
    • “Giăng Van-giăng ghé gần hắn và hạ giọng nói thật nhanh : – Xin ông thư cho ba ngày ! ….”.

Câu 3

  • Đoạn văn trên chính là phát ngôn của tác giả mà thuật ngữ văn học thường gọi là “bình luận ngoại đề” (hay “trữ tình ngoại đề”).
  • Tác dụng :
    • Bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ của tác giả. Ở đoạn văn này, tác giả muốn tình cảm nhân đạo của mình : Trong cuộc sống cần phải có tình yêu thương giữa người với người.
    • Bộc lộ chủ đề hay tư tưởng của tác phẩm : Ánh sáng của tình thương con người chân chính có thể đẩy lùi bóng tối cường quyền, thắp lên ngọn lửa hi vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Câu 4

Những dấu hiệu của nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa :

  • Chi tiết “nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt”, “gương mặt Phăng-tin như sáng rỡ lên một cách lạ thường” tưởng chừng vô lí nhưng lại như một ảo ảnh lãng mạn, gieo hạt giống hi vọng về tương lai xóa tan mây mù của cường quyền.
  • Cái chết của Phăng-tin tuy thương tâm nhưng không bi đát.
  • Người “anh hùng” Giăng Van-giăng hiện lên một cách lí tưởng hóa với những phẩm chất tốt đẹp và mang đầy tình thương đối với những con người khốn khổ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Người cầm quyền khôi phục uy quyền