1. Ngữ văn lớp 11

Chiếu cầu hiền (Cầu hiền chiếu)

Tìm hiểu chung

Tác giả

Ngô Thì Nhậm ( 1746 – 1803 )

Tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, còn gọi tên khác là Ngô Thời Nhiệm

Quê quán : làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam ( nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội )

Cuộc đời :

  • Xuất thân từ gia đình hiển hách, từ nhỏ thông minh học rộng.
  • Sau khi đỗ đạt, được chúa Trịnh Sâm quý mến cho giữ chức Đốc đồng Kinh Bắc.
  • Năm 1788, nhà Lê-Trịnh sụp đổ, ông theo phong trào Tây Sơn, giữ nhiều chức vụ quan trọng.

 

Tác phẩm

Xuất xứ

Viết thay vua Quang Trung vào khoảng năm 1788-1789

Thể loại : Chiếu

* Chiếu là văn bản hành chính, công văn của vua dùng để ban bố thông tin, yêu cầu đến người dân. Là loại văn nghị luận.

Chủ đề

Nói lên mong muốn, tấm lòng khao khát tìm người tài của vua Quang Trung để cống hiến cho đất nước.

 

Phân tích tác phẩm

Vai trò, sứ mệnh của người tài

  • Mở đầu bài chiếu, tác giả so sánh : 

Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao.

=> So sánh như vậy là đề cao người hiền hiếm hoi trong xã hội. Khiến họ tự ý thức về bản thân mình, tự tin vào những gì mình có, và hiểu được trọng trách mà trời đã ban cho. Như từng nghe :

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao.

( Thân Nhân Trung )

 

  • Trọng trách ấy chính là :

Sao sáng ắt về chầu ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử.

=> Tất cả vì sao trên trời đều chầu về Bắc Thần ( theo Luận ngữ Nho giáo ), đó là quy luật tất yếu. Và hiền tài cũng vậy, không có vai trò gì khác là sáng soi, hỗ trợ cho vua xây dựng, bảo vệ đất nước.

 

  • Nếu là người có tài có đức, mà không về chầu vua, tức đang làm trái với quy luật, đạo lí trời đất :

Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.

=> Người tài có trọng trách, nghĩa vụ cống hiến cho thiên tử, phải hiểu rõ đạo nghĩa vua – tôi. Nếu có tài mà trốn tránh, không thể hiện tài năng thì lãng phí, chưa xứng là quân tử.

 

==> Giữa thiên tử và hiền tài có mối quan hệ mật thiết. Để đất nước phát triển, dân tộc hùng mạnh, vua có trách nhiệm lo cho dân cho nước, và người hiền tài phải có ý thức về bản thân, hiểu rõ đạo lí, giúp thiên tử trị vì.

 

Cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà và mong mỏi của vua Quang Trung

  • Khi Tây Sơn diệt Trịnh, thời thế đảo lộn, nhiều người hoang mang, bất lực :

…, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời, những bậc tinh anh kiêng dè không dám lên tiếng.

… kẻ gõ mõ canh cửa,…ra biển vào sông, …dường như muốn lẩn tránh suốt đời.

=> Tình hình phức tạp của đất nước lúc bấy giờ khiến nhiều sĩ phu ngại đứng lên đấu tranh. Họ gặp khó khăn bởi không rõ phương hướng. 

 

  • Tây Sơn lên nắm quyền, sĩ phu Bắc Hà ( trí thức dưới thời Lê – Trịnh ) e dè triều đại mới sẽ có sự phân biệt. Vua Quang Trung hiểu được, ông càng ra sức chiêu mộ hiền tài, với một thái độ khiêm tốn, chân thành :

Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng ? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng ?

 

  • Cái nhìn toàn vẹn của vua Quang Trung về hoàn cảnh của đất nước :

… buổi đầu của nền đại định

Kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan. Dân còn nhọc mệt chưa lại sức, …đức hóa của trẫm chưa kịp nhuần thấm

 

  • Triều đại mới mở ra, mang theo những nhu cầu mới. Và vai trò không thể thiếu của hiền tài :

Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn…

=> Chỉ một thiên tử không thể hoàn thành việc trị quốc yên dân. Thiên tử cần có những quân thần hết mực trung thành, tài giỏi giúp sức, cùng dựng xây đất nước.

…cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa.

=> Trân trọng, đề cao người tài, trung thành, yêu nước. Vua Quang Trung tin rằng, họ không ở đâu xa, mà có mặt trên từng tấc đất Tổ quốc.

 

==> Với lời lẽ khiêm tốn, chân thành mà cứng rắn, có sức thuyết phục cao, ta thấy được tấm lòng sâu sắc của vua Quang Trung. Ông mang một thái độ cầu hiền, hết lòng chiêu mộ, đề cao kẻ sĩ. 

 

Con đường cầu hiền của vua Quang Trung

  • Đối tượng được phép tiến cử :

Quan viên lớn nhỏ, thứ dân trăm họ, người có tài năng học thuật, mưu hay hơn đời

Người có nghề hay nghiệp giỏi, có thể cống hiến cho đời ( được quan tiến cử )

Người có tài năng bị che kín, chưa được người đời biết đến ( cho phép tự tiến cử )

=> Đối tượng tiến cử của vua Quang Trung không phân chia thứ bậc, giàu nghèo, chỉ cần có tài năng và hết mình cống hiến vì đất nước. Ai cũng có thể tiến cử mình hoặc người khác, tất cả vì mục đích chung là giúp vua giúp nước.

 

  • Cách tiến cử đơn giản, dễ dàng cho mọi người nhưng vẫn giữ được uy nghiêm. Vua Quang Trung muốn người dân được tự do bày tỏ ý kiến, muốn hòa mình cùng nhân dân, nên ôn hòa, cao thượng :

…chỗ nào không dùng được thì gác lại, không vì lời nói sơ suất vu khoát mà bắt tội.

=> Cho nhân dân tâm thế thoải mái nhất để cùng triều đại mới xây dựng đất nước. Chính thái độ đề cao, yêu thương thấu hiểu, của vua là động lực khiến người dân đồng lòng giúp sức.

 

  • Lời động viên khiến ai nấy thỏa mãn, yên tâm :

Nay trời trong sáng, đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây… cùng nhau cung kính, cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh.

 

==> Vua Quang Trung là người có tư tưởng tiến bộ, nhìn xa trông rộng. Người tài được tiến cử không phân biệt tầng lớp, không bị bắt bẻ luật lệ, cùng vua phát triển đất nước. Lí lẽ đưa ra rất thuyết phục, giọng điệu nghiêm túc nhưng rất gần gũi với nhân dân, chân thành đối đãi người hiền tài, là bậc quân vương tài đức, vì dân vì nước.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Luận điểm trong bài nghị luận chặt chẽ, thuyết phục, bố cục súc tích rõ ràng.
  • Giọng điệu chân thành, sâu sắc nhưng vẫn điềm đạm, uy nghiêm.
  • Sử dụng điển tích, điển cố hỗ trợ cho việc nhắc nhở, so sánh từ đó thuyết phục đối tượng là người hiền tài, các sĩ phu Bắc Hà.
  • Ngôn ngữ cô đọng, một số câu hỏi tu từ có tính gợi cảm cao.

Nội dung

  • Thể hiện tấm lòng mong mỏi, tìm kiếm người tài giúp vua giúp nước của vua Quang Trung. Là văn kiện đánh dấu một thời kì lịch sử mới của đất nước.
  • Bộc lộ sự chân thành, sâu sắc, thấy được tài đức, vì nước vì dân của vua Quang Trung.
Người đóng góp
Comments to: Chiếu cầu hiền (Cầu hiền chiếu)