Tìm hiểu chung
Tác giả
- A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (Aleksandr Sergeyevich Pushkin) sinh năm 1799 mất năm 1837, được mệnh danh là “Mặt trời của thi ca Nga”, là nhà thơ vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga” (N. A. Đô-brô-liu-bốp).
- Các sáng tác của Pushkin thể hiện tuyệt đẹp tâm hồn nhân dân Nga khao khát Tự do và Tình yêu. Dù ở thể loại nào, văn chương Pushkin luôn là tiếng nói Nga trong sáng, thuần khiết, thể hiện cuộc sống giản dị, chân thực.
- Pushkin nổi tiếng với các thể loại văn chương:
-
- Thơ ca trữ tình (hơn 800 thi phẩm).
- Tiểu thuyết bằng thơ (Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin, 1823 – 1831) khởi đầu cho chủ nghĩa hiện thực Nga.
- Bi kịch lịch sử hoành tráng (Bô-rít Gô-đu-nốp, 1825).
- Trường ca sâu lắng (Ru-xlan và Li-út-mi-la, 1820 ; Người tù Cáp-ca-dơ, 1821 ;…).
- Truyện ngắn xuất sắc (Cô tiểu thư nông dân, 1830 ; Con đầm pích, 1833 ;….).
- Ngụ ngôn thâm trầm…..
Tác phẩm
Hoàn cảnh sáng tác
Gợi cảm hứng từ mối tình của thi sĩ với A. A. Ô-lê-nhi-na (con gái của Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga) – người mà mùa hè năm 1829 Pushkin đã cầu hôn nhưng không được chấp nhận.
Xuất xứ
“Tôi yêu em” là một trong những bài thơ tình yêu nổi tiếng của Pushkin. Bài thơ vốn không có tên, nhan đề “Tôi yêu em” do người dịch đặt.
Chủ đề
Bài thơ là lời giãi bày tình yêu của Pushkin, thấm đượm nỗi buồn của một mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha.
Thể loại: thơ tám chữ.
Bố cục: gồm 3 phần
- Phần 1 (4 câu thơ đầu) : Tình yêu đơn phương giằng xé.
- Phần 2 (2 câu thơ tiếp theo): Tâm hồn sóng gió, đầy những biến đổi dồn dập của chàng trai đang đơn phương.
- Phần 3 (2 câu thơ cuối): Lời chúc phúc dành cho cô gái; sự cao thượng, vị tha của nhà thơ.
Hướng dẫn học bài
Câu 1
- Điệp khúc “Tôi yêu em” lặp lại ba lần làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
- Lời từ giã với mối tình không thành của Pushkin đặc biệt vì:
-
- Bắt đầu mỗi mạch cảm xúc bằng ba chữ “Tôi yêu em” đầy chân thành, tha thiết => Nhà thơ dù mang tâm trạng nào đối với tình yêu đơn phương vô vọng này, tình yêu của ông đối với người thương cũng chẳng hề thay đổi, vô cùng say đắm, mãnh liệt => Dù bị từ chối, Pushkin vẫn muốn từ giã cô gái mà ông thương bằng tất cả tình cảm và lí trí của mình.
- Người ta thường nói ai khi yêu cũng trở nên ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nhưng Pushkin lại hoàn toàn trái ngược với những “ai” đó. Đến cuối cùng, thi sĩ vẫn không nỡ tổn thương người yêu. Ông dành lời chúc phúc chân thành nhất cho nàng bằng sự nhân hậu và vị tha của mình. Sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc của bản thân, lấy hạnh phúc của nàng làm điểm đích – ở Pushkin là sự cao thượng mà không phải ai cũng có được.
=> Lời từ giã của Pushkin với mối tình tuyệt vọng không chất chữa hận thù hay oán hận mà bao hàm trong đó là tình cảm mãnh liệt và sự vị tha cao thượng.
Câu 2
Giọng điệu trữ tình chuyển biến:
- Câu 1 – 2 : Lời bày tỏ tình yêu mãnh liệt của nhà thơ. Đó là một tình yêu nồng nàn, luôn cháy bỏng thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ “ngọn lửa tình”. Từ “đã” trong nguyên văn “Tôi đã yêu em, tình yêu vẫn, có lẽ” cùng với cụm từ “đến nay chừng” và “chưa hẳn đã tàn phai” ý chỉ tình yêu Pushkin dành cho cô gái đã có từ rất lâu, không phải mới đây hay nhất thời => Thi sĩ trước đây đã yêu cô gái và đến bây giờ vẫn vậy.
- Câu 3 – 4 : Từ “Nhưng” đầu câu ba ngắt đôi mạch cảm xúc của hai câu trước. Ở hai câu này, tác giả bộc lộ thái độ dè dặt trước cô gái. Ông lí trí nhận thấy, có lẽ tình cảm đơn phương này sẽ khiến người yêu “bận lòng” hay “gợn bóng u hoài” => Nhà thơ sẵn lòng buông bỏ tình yêu này để người yêu không phải “buồn vì bất cứ điều gì”.
==> Cảm xúc của Pushkin chuyển biến rõ rệt trong đoạn một. Trước đó, ông vẫn còn bày tỏ tình yêu nóng cháy, âm ỉ không bao giờ tắt của mình nhưng bỗng chốc lại sẵn lòng từ bỏ nó để không khiến người yêu phiền lòng.
- Câu 5 – 6 : Là tâm hồn dậy sóng của chàng trai đơn phương. Ông chịu tác động của tình yêu đến nỗi lí trí cũng không thể kiểm soát mà khiến cho cảm xúc dâng trào, vỡ òa mạnh mẽ. Pushkin có lúc sẽ “dè dặt”, có khi sẽ ghen tuông dù biết yêu em sẽ không hi vọng.
- Câu 7 – 8 : Lời chúc phúc chân thành thể hiện tấm lòng vị tha cao thượng của nhà thơ. Ai chẳng ích kỉ, chỉ hi vọng người mình yêu cũng yêu mình. Mà Pushkin lại cầu mong cô gái “được người tình như tôi đã yêu em” – có người nào thốt lên được câu nói này.
==> Dù yêu cô gái chân thành, tha thiết hay hậm hực ghen tuông nhưng đó cũng chỉ là tình yêu âm thầm đơn phương. Tác giả buông bỏ tình yêu ấy để hi vọng người ông yêu sẽ có được hạnh phúc thuộc về nàng.
Câu 3
Hai câu kết bất ngờ, hàm chứa nhiều ý vị vì:
- Thể hiện được sự nhân hậu, vị tha, cao thượng của tác giả – dù yêu cô gái tha thiết rồi bị từ chối nhưng vẫn cầu cho nàng có được hạnh phúc.
- Như một lời nhắn nhủ ôn nhu, chân thành : Hãy tìm người yêu em “như tôi đã yêu em” – yêu đằm thắm, mãnh liệt.
Câu 4
Tâm hồn của Pushkin là một tâm hồn đầy tính nghệ thuật, ý vị, uyển chuyển, nhân hậu và cao thượng.
- Trong tình yêu, ông yêu bằng cả con tim – mãnh liệt, nồng cháy, chân thành.
- Sau khi bị từ chối, tình yêu ấy vẫn âm ỉ cháy bỏng trong trái tim ông thế nhưng nhà thơ vẫn sẵn sàng dập tắt nó vì nghĩ cho người yêu.
- Đến cuối cùng, sau khi đã buông bỏ tình cảm đơn phương vô vọng này, ông chúc phúc cho người yêu tìm được chàng trai thuộc về nàng, yêu nàng hơn cả ông và chính nàng.
Đọc – hiểu tác phẩm
Bốn câu thơ đầu
“Tôi yêu em : đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.”
“Tôi yêu em : đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”
- “Tôi – em” : đại từ nhân xưng ngôi thứ hai “em” thể hiện sự trang trọng; cách xưng hô có phần khách sáo, xa cách => Phản ánh đúng mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa thân thiết nhưng lại dang dở giữa nhân vật trữ tình và “em”.
Nhà thơ Pushkin đã từng viết một bài thơ tình:
“Nàng buột miệng đổi tiếng “ngài” trống rỗng
Thành tiếng “anh” thân thiết đậm đà
…
Và tôi nói : “Thưa cô, cô đẹp lắm !”
Mà thâm tâm : “Anh rất đỗi yêu em !”
=> Lựa chọn cách xưng hô trong các bài thơ tình yêu là cả một vấn đề cần đắn đo, suy tư sao cho phù hợp với cảm xúc và hiện thực.
- “Tôi yêu em” : Lời bày tỏ tình yêu không chút băn khoăn, do dự, được thốt lên từ tận đáy lòng; chất chứa cả chút gì đó mang tên chờ mong và hi vọng.
- “Ngọn lửa tình” : ẩn dụ chỉ tình yêu nồng nàn, bỏng cháy trong tim nhà thơ.
- “Đến nay chừng có thể – chưa hẳn đã tàn phai” : thi sĩ đã từng dành tất cả tình yêu chân thành cho cô gái và tình yêu ấy đến bây giờ vẫn vậy, không đổi thay.
Trong nguyên văn, câu thơ đầu tiên là “Tôi đã yêu em, tình yêu vẫn, có lẽ” : từ “đã” ý chỉ quá khứ => Tình cảm của Pushkin với cô gái không phải mới bắt đầu đây hay nhất thời nảy sinh trong sự bồng bột mà nó đã nhen nhóm từ rất lâu về trước rồi.
=> Dù bản dịch thay đổi nhiều so với nguyên tác, hai câu thơ đầu vẫn thể hiện được tình yêu mãnh liệt, nồng nhiệt của nhà thơ.
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”
- “Nhưng” : từ liên kết chỉ sự tương phản => Thay đổi mạch cảm xúc so với hai câu đầu => Tác giả mâu thuẫn với chính bản thân mình.
- “Bận lòng – gợn bóng u hoài” : Đang bày tỏ tình yêu tha thiết của mình, Pushkin bỗng chốc lại đi đến quyết định buông bỏ đoạn tình cảm này vì không muốn làm phiền hà người yêu.
=> Lí trí chiến thắng tình cảm.
==> Tình yêu của thi sĩ dường như đang bùng cháy mãnh liệt lại bị cản trở bởi lí trí. Tình yêu đơn phương luôn âm ỉ như ngọn núi lửa sắp phun trào lại vì nghĩ cho người mà trở nên lắng đọng => Nhân cách cao thượng của Pushkin: vượt qua sự ích kỉ trong tình yêu mà nghĩ đến tâm tư của người thương.
Hai câu thơ tiếp
“Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
- “Âm thầm – không hi vọng” : tình yêu đơn phương vô vọng.
- “Rụt rè” : tác giả như một cậu bé mới lớn lần đầu biết yêu.
- “Hậm hực lòng ghen” : nỗi lòng cứ thế vỡ òa khi phải sống trong tình yêu thầm kín, không có tương lai.
- “Lúc – khi” : diễn tả tinh tế những biến chuyển dồn dập trong tâm hồn nhà thơ – một tâm hồn chứa đầy sóng gió, đắng cay.
==> Pushkin là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của tình yêu – khiến một con người vốn lí trí lại không thể kiểm soát cảm xúc dâng trào mạnh mẽ.
Hai câu thơ cuối
“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em“
“Chân thành – đằm thắm” : khẳng định tình cảm không đổi mà tác giả dành cho cô gái.
“Cầu” : chất chứa nỗi lòng nhiều nỗi lòng của nhà thơ: dù không cam lòng nhưng vẫn mong nàng có được hạnh phúc viên mãn.
==> Lời chúc phúc chân thành cho người yêu, thể hiện tấm lòng cao thượng của Pushkin khi đặt hạnh phúc của cô gái lên trên tất cả, sẵn sàng từ bỏ tình cảm của bản thân chỉ để nàng tìm được chàng trai thật lòng yêu nàng – hơn chính ông hay hơn cả chính nàng.
Tổng kết
Nội dung
“Tôi yêu em” là lời giãi bày tình yêu thấm đượm nỗi buồn của một mối tình đơn phương gần như tuyệt vọng. Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện được tấm lòng cao thượng, vị tha, nhân hậu, vượt qua cả sự vị kỉ để chúc phúc cho người yêu của Pushkin: “Lòng nhân ái làm xúc động lòng người ở vẻ diễm lệ nghệ thuật của nó” (Bi-ê-lin-xki).
Nghệ thuật
- Điệp ngữ “Tôi yêu em” lặp lại ba lần như một điệp khúc làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của tác phẩm : lời khẳng định không chút băn khoăn, do dự, lời thú nhận thốt lên từ tận đáy lòng; như một tín ngưỡng mà Pushkin thành kính hướng tới, lại có chút gì đó xót xa, tuyệt vọng.
- Cảm xúc thơ thay đổi liên tục tạo nhịp thơ dồn dập.
- Ngôn ngữ trong sáng, chân thành.
- Chất thơ toát lên vẻ vừa trẻ con vừa thành thục, chín chắn.
No Comments
Leave a comment Cancel