Tìm hiểu chung

Tác giả

Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương trong tranh sơn dầu của Đặng Quý Khoa

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Xuân Hương ( chưa rõ năm sinh – năm mất )

Còn mệnh danh Bà chúa thơ Nôm.

Quê quán : làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Cuộc đời : là một ẩn số, gây tranh cãi cho giới nghiên cứu. Vì cái tên Hồ Xuân Hương lần đầu xuất hiện trong Giai nhân dị mặc của Nguyễn Hữu Tiến năm 1916, trước đó không ai ghi chép gì về cuộc đời của nữ sĩ. Nên có nhiều học giả sau này bàn luận vềnhiều khía cạnh, xuất thân, biến chuyển khác nhau trong cuộc đời Hồ Xuân Hương.

Chân dung hư cấu Hồ Xuân Hương của Nguyễn Hữu Tiến ( 1916 )

Nhưng chung quy, cuộc đời Hồ Xuân Hương, nhất là trong chuyện tình duyên, gặp nhiều éo le, ngang trái. Bà qua hai đời chồng, nhưng lần nào cũng làm lẽ. Tấm lòng của Hồ Xuân Hương với hai người chồng được bà bày tỏ qua hai bài thơ :

  • Khóc ông phủ Vĩnh Tường cho ông Phạm Viết Ngạn
  • Tổng Cóc cho ông Chánh tổng Nguyễn Bình Kình

Sự nghiệp sáng tác

Chủ đề : nổi bật nhất là chủ đề người phụ nữ ( Bánh trôi nước, Quả mít, Mời trầu, Tự tình, Cái quạt,…), các chủ đề về thiên nhiên, phản ánh xã hội,…

Là hiện tượng độc đáo :  nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. Người dám phá bỏ nhiều quy tắc, lề thói của xã hội của phong kiến mà đưa vào thơ ca những ý tưởng táo bạo, nên thơ bà được nhận xét ” thanh thanh tục tục “

Các sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thể loại: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. 

Văn bản đáng quý nhất của Hồ Xuân Hương được phát hiện năm 1964 ( bản đã chỉnh sửa)

Tác phẩm

Xuất xứ

Là bài thứ hai trong chùm thơ ba bài Tự tình

Viết bằng chữ Nôm. Thể loại: thất ngôn bát cú Đường luật

Nhan đề

Tự tình: tự mình tâm sự về chuyện tình yêu, hạnh phúc của mình với chính bản thân mình

Ý nghĩa nhan đề cũng là đại ý, cảm xúc xuyên suốt của bài thơ

Chủ đề

Hồ Xuân Hương nói lên bi kịch trong tình duyên của mình, phải chịu đau đớn, bất công do chế độ đa thê thời phong kiến. Bên cạnh đó, bà cũng mạnh mẽ khao khát, hi vọng, phản đối số phận ấy.

 

Phân tích tác phẩm

*Dấu   ” / ”  chia nhịp thơ.

 

Hai câu đề: Nỗi buồn trong đêm

Đêm khuya / văng vẳng / trống canh dồn,

Thời gian : đêm khuya

Không gian : từ láy tượng thanh văng vẳng thể hiện không gian rộng lớn, trống trải, tĩnh lặng -> Nghệ thuật lấy động tả tĩnh

Trống canh : là tiếng trống báo hiệu mỗi một canh ( một giờ ) trôi qua. Trống canh dồn: thời gian trôi vội vã, dồn dập, không chờ đợi.

=> Hồ Xuân Hương lúc này đang u buồn về cảnh làm lẽ, về tình duyên ngang trái của mình. Ngồi thao thức trong đêm, nỗi buồn ấy lại hiện ra mạnh mẽ, bủa vây nữ sĩ.

=> Tâm trạng của một người cô đơn, lạc lõng giữa sự mênh mông của đất trời, của không gian, và thêm lo sợ, cuống quýt trước sự vội vàng của thời gian.

 

Trơ / cái hồng nhan / với nước non.

Trơ : động từ chỉ thái độ: không quan tâm, không thay đổi gì trước mọi tác động. Ca dao xưa có câu:

” Trăm năm bia đá thì mòn,

Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. “

Cái hồng nhan : chỉ người con gái đẹp. Nói về người con gái đẹp nhưng tác giả dùng từ cái ( chỉ đồ vật ) làm cho vẻ đẹp ấy không còn giá trị, mang tính rẻ rúm. Trong xã hội xưa, vẻ đẹp của người phụ nữ không được trân trọng:

” Phận hồng nhan có mong manh,

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương “

                                                             ( Truyện Kiều – Nguyễn Du )

” Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. “

                                                              ( Truyện Kiều – Nguyễn Du )

Trơ cái hồng nhan     -> Nghệ thuật đảo ngữ

Nhịp thơ 1/3/3    ->     Nhấn mạnh cảm giác bẽ bàng, tủi hổ, lẻ loi của số phận

Nước non : ở đây không chỉ là non sông, đất nước, quang cảnh, mà còn chỉ cả xã hội, một xã hội phong kiến lề thói lúc bấy giờ    -> Nghệ thuật ẩn dụ

=> Trải qua quá nhiều đau đớn, tuyệt vọng, Hồ Xuân Hương cho rằng mình đã trơ, không còn bị tác động bởi con người, xã hội nữa. Xã hội ấy, họ không nhìn nhận, trân quý một người con gái đẹp, mà còn dò xét. Những tư tưởng phân biệt đối xử và bất công khiến cho tác giả cảm thấy phụ nữ bị thiệt thòi nặng nề, nên có giọng điệu mỉa mai và cũng cay đắng.

 

==> Hai câu đầu là những trạng thái buồn, đơn chiếc, lẻ loi trong đêm khuya của Hồ Xuân Hương. Như đêm khuya là lúc con người muốn bộc lộ tâm sự, tâm tình, trải lòng mình nhất:

” Một mình thao thức trọn đêm,

Hạt mưa tí tách ướt mềm tim em. “

                                                   ( Nguyễn Đức Toàn )

Và nỗi buồn của bản thân tác giả đã hòa vào cảnh vật xung quanh:

” Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. “

                                                    ( Truyện Kiều – Nguyễn Du )

 

Hai câu thực: Nói về tình cảnh của mình

 

Chén rượu hương đưa / say lại tỉnh,

Chén rượu hương đưa : tác giả muốn dùng rượu, hay chính xác hơn là dùng chức năng đưa con người vào trạng thái mê mẩn, thỏa mãn của rượu ( hương đưa ) để quên đi đau buồn. Hồ Xuân Hương có thể nói là một người phụ nữ khá bạo dạn, mạnh mẽ, khi đã là một nữ nhà thơ, mà còn uống rượu ( thứ chỉ dành cho nam nhân, kẻ sĩ lúc bấy giờ ) thể hiện qua câu thơ này.

Say lại tỉnh : một vòng lẩn quẩn, tác giả càng muốn say, lại càng không thể say. Càng uống lại càng tỉnh, càng nhận ra cái bẽ bàng của cuộc đời   -> Đó là do nỗi đau bất công quá lớn với nữ sĩ.

 

Vầng trăng bóng xế/ khuyết chưa tròn.

Vầng trăng bóng xế : là lúc vào đêm, hơi khuyết bởi tầng mây. Ví đường tình duyên của mình như mặt trăng lúc bóng xế, không tròn, không viên mãn        ->   Nghệ thuật ẩn dụ

Khuyết chưa tròn : Trăng lúc bóng xế là trăng khuyết, và sẽ tiếp tục khuyết dần đến hôm sau, không bao giờ tròn trong đêm ấy nữa. Hồ Xuân Hương ví trăng lúc ấy như cuộc đời mình. Người ta nói trăng là nhân chứng, chứng minh cho tình yêu:

” Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Đinh ninh hai miệng một lời song song. “

                                                        ( Truyện Kiều – Nguyễn Du )

” Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. “

                                                        ( Truyện Kiều – Nguyễn Du )

” Ai mua trăng, tôi bán trăng cho,

Chẳng bán đoàn viên, ước hẹn hò. “

                                                 ( Trăng vàng trăng ngọc – Hàn Mặc Tử )

=> Tác giả chắc nịch rằng cuộc đời mình sẽ luôn là một vầng trăng khuyết, mãi không hạnh phúc, không đoàn viên được. Như tuổi xuân cũng đang qua đi, rồi sẽ qua đi mãi không chờ đợi, hạnh phúc cũng cứ thế, chỉ mỗi mình Hồ Xuân Hương vẫn lẻ loi, bất hạnh với cuộc sống của mình.

 

==> Tình cảnh trớ trêu của người người hồng nhan. Uống say cho quên nỗi buồn, mà vẫn không sao say nổi, tạo ra vòng tuần hoàn say rồi lại tỉnh. Nhưng cuộc đời, tuổi xuân, tình yêu của nàng cứ thế trôi, mãi không tuần hoàn.

 

Hai câu luận: Nỗi niềm uất hận, đấu tranh

 

Xiên ngang mặt đất, / rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, / đá mấy hòn.

2 câu luận      -> Nghệ thuật đối, đảo ngữ rất chỉnh

  • Xiên ngang – Đâm toạc : động từ mạnh + từ chỉ hướng.
  • Mặt đất – Chân mây : sự thô cứng, rộng lớn của bề mặt
  • Rêu từng đám – Đá mấy hòn : rêu và đá là những hình ảnh nhỏ bé, lạc lõng trong đời sống, ít được để ý đến, ấy vậy còn đi kèm số đếm từng đám, mấy hòn, thể hiện sự ít ỏi, đơn độc, yếu thế.

Đem rêu từng đám so với mặt đất, đá mấy hòn so với chân mây, quả là một sự chênh lệch rất lớn. Những vật nhỏ bé như đá, mỏng manh như rêu không thể gây ảnh hưởng đến những bề mặt rộng lớn, dày cứng. Nhưng Hồ Xuân Hương đặc biệt thêm hai động từ mạnh, sử dụng biện pháp đảo ngữ, đặt động từ đầu câu, đã bộc lộ nỗi niềm rất uất hận, bức bối, dồn nén qua những hình ảnh sức sống thiên nhiên mạnh mẽ.

 

==> Qua đó thấy một tính cách rất bướng bỉnh nhưng cũng rất dứt khoác, lập trường kiên định, tinh thần đấu tranh, vượt qua bất công, định kiến, những tình huống đau thương trong cuộc đời của nữ sĩ.

 

Hai câu kết: Tâm trạng buồn tủi

 

Ngán nỗi / xuân đi xuân lại lại,

Ngán nỗi : lời than thở cho nỗi buồn đặt ngay đầu câu để nhấn mạnh nỗi đau. Trong chùm thơ Tự tình, Hồ Xuân Hương nhiều lần than thở về chuyện tình duyên của mình:

” Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh. “

                                                          ( Tự tình – bài III )

” Tài tử nhân văn ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom !”

                                                            ( Tự tình – bài I )

Xuân : ở đây là mùa xuân, cũng là tuổi xuân.

Xuân đi xuân lại lại : Lại (1) là sự tiếp tục, tuần hoàn. Lại (2) là sự trở lại, đến với cuộc đời chúng ta. Mỗi mùa xuân qua đi là một năm qua đi, là con người già thêm một tuổi. Vì đời người là hữu hạn, mà thời gian là vô hạn, ta không thể nào trở về thời trẻ, mà chỉ ngày một già đi mà thôi:

” Tôi có chờ đợi ai đâu

Ai mang xuân đến gửi thêm sầu “

                                                           ( Chế Lan Viên )

 

Mảnh tình / san sẻ / tí / con con !

Câu thơ cuối    ->    Nghệ thuật tăng tiến đặc sắc 

  • Mảnh tình : độc đáo khi dùng từ mảnh để cụ thể hóa về mối tình. Mảnh thường có trong mảnh vỡ, là miếng nhỏ, tạo cảm giác không nguyên vẹn, tan tác
  • San sẻ : mối tình đã nhỏ, đã vụn vỡ mà còn phải san sẻ. Đó là nỗi đau rất lớn của Hồ Xuân Hương khi phải làm lẽ, chịu cảnh chồng chung. Tình yêu của tác giả với chồng chưa chắc là nhiều, là đủ, có khi phải giành giật để có được mối tình, nhưng vẫn phải chia sớt với người phụ nữ khác nữa, khiến Hồ Xuân Hương khó lòng mà cam tâm
  • Tí : chỉ còn lại cho mình một tí, một ít
  • Con con : giờ tình yêu của tác giả- cũng như từ kết thúc bài thơ, chẳng còn lại gì nhiều, chỉ rất ít, nhỏ bé mà phải dùng từ láy con con mới diễn tả hết

=> Trong câu cuối này, Hồ Xuân Hương đã ở tột đỉnh của nỗi đau tình yêu. Một người phụ nữ (nhất là người phụ nữ trong thời phong kiến xưa ), họ có tấm lòng son sắt, chân thành, và họ cũng chẳng mong gì nhiều ngoài tình yêu cũng chân thành từ phu quân của mình, giữa một xã hội phong kiến nam năm thê bảy thiếp. Ấy vậy, họ phải chịu nhiều nỗi đắng cay mà chỉ biết ngậm ngùi, không thể thay đổi, như Hồ Xuân Hương, tình yêu của nữ sĩ từ mảnh->san sẻ->tí->con con. Bà chúa thơ Nôm từng bật lên:

” Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.”

                                                 ( Lấy chồng chung – Hồ Xuân Hương )

 

==> Hai câu cuối là lời than thở thầm kín của tác giả khi phải chịu thân phận lẽ mọn. Một lời tự tình rất chân thành, bộc phát từ trái tim người phụ nữ sống giữa phong kiến chỉ mong được thật lòng yêu thương.

*Tình cảm sâu sắc của Hồ Xuân Hương trong các bài thơ:

” Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi. “

( Mời trầu – Hồ Xuân Hương )

” Thân em như quả mít trên cây

Da nó xù xì múi nó dày.

Quân tử có yêu xin đóng cọc

Đừng mân mó nữa nhựa ra tay .”

( Quả mít – Hồ Xuân Hương )

Chung quy, Tự tình chính là khát vọng tình yêu mãnh liệt của một người phụ nữ, đặc biệt hơn là tình cảm đau xót của người phụ nữ chịu kiếp làm lẽ. Hồ Xuân Hương nói lên tâm sự của mình, những phẫn uất, bất công, và cả sự phấn đấu, đấu tranh của mình. Đồng thời nữ tác giả cũng nói thay cho tâm tình cho những người phụ nữ thời đấy, sống trong xã hội phong kiến lề thói nói riêng và cả tất thảy phụ nữ nói chung.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Ý thơ giản dị, gần gũi. Giọng điệu lúc mạnh mẽ nhưng thầm đau đớn, sâu sắc.
  • Sử dụng điêu luyện các biện pháp nghệ thuật ( Đảo ngữ, ẩn dụ, tăng tiến,…)
  • Từ ngữ giàu hình tượng, giàu sức biểu cảm, hình ảnh giàu sức gợi ( trăng khuyết, xiên ngang,…)

Nội dung

  • Bi kịch tình yêu, nỗi đau phận làm lẽ , tâm trạng phẫn uất, buồn tủi và sự đấu tranh trước số phận nhưng cũng bất lực của tác giả khi sống trong xã hội phong kiến xưa.
  • Khát vọng tình yêu, khát vọng sống mãnh liệt của người phụ nữ.

 

Người đóng góp
Comments to: Tự tình (Bài II)