Tìm hiểu chung

Tác giả

Hình vẽ Nguyễn Khuyến trên tem Việt Nam
Nguyễn Khuyến ( 1835 – 1909 )

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Khuyến ( 1835 – 1909 )

Quê quán : quê nội ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

Cuộc đời :

  • Gia đình có truyền thống hiếu học, cha ông đều đỗ tú tài.
  • Năm 1864, đỗ đầu kì thi Hương. Năm 1871, đỗ đầu kì thi Hội và thi Đình. Do  đỗ đầu cả 3 kì thi nên gọi là Tam Nguyên Yên Đổ .
  • Làm quan khoảng 10 năm, sau đó cáo về quê ở ẩn, dạy học.

 

Sự nghiệp sáng tác

  • Thể loại : chữ Hán và chữ Nôm
  • Chủ đề : tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bè bạn; phản ánh cuộc sống, châm biếm, đả kích thực dân.
  • nhà thơ trào phúng và trữ tình, mang tư tưởng Lão Trang và triết lí Đông Phương
Yên Đổ thi tập ( Bản gốc )
Nguyễn Khuyến có khá nhiều sách thơ chọn lọc và đánh giá

 

 

 

 

 

 

 

 

Có thể nói, Nguyễn Khuyến là người tài năng, cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước. Nhưng trước sự bất lực với xã hội ông chỉ đành biết lui về quê sống cuộc sống thanh bạch.

 

Tác phẩm

Xuất xứ

Thuộc chùm thơ thu gồm ba bài : Thu điếu ( Câu cá mùa thu ), Thu ẩm ( Uống rượu mùa thu ) và Thu vịnh ( Vịnh thơ mùa thu )

Viết bằng chữ Nôm. Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

Nhận định : ” Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. ” ( Xuân Diệu )

Chủ đề

Vẽ nên bức tranh mùa thu sinh động, thanh sơ của đồng bằng Bắc Bộ. Bày tỏ tình yêu với đất nước, nỗi lo toan về thời thế trước cảnh thu.

 

Phân tích tác phẩm

*Dấu   ” / ”  chia nhịp thơ, toàn bài ngắt nhịp 4 / 3

*Bài thơ này không chia bố cục theo Đề, Thực, Luận, Kết, mà chia theo nội dung là Cảnh thu và Tình thu

 

Cảnh thu ( 6 câu đầu )

Ao thu lạnh lẽo / nước trong veo,

Ao thu : ao nước mùa thu của làng quê Bắc Bộ, rất trong lành, thanh sơ

Lạnh lẽo : không khí mùa thu miền Bắc thường se se lạnh, ở vùng sông hồ khiến ta cảm thấy lạnh hơn do khí lạnh từ nước. Ở đây tác giả đang cảm nhận không khí nơi này không chỉ lạnh về thời tiết mà còn lạnh lẽo trong tâm hồn, một sự cô đơn, lẻ loi vây quanh.

Nước trong veo : trời thu không mưa hoặc ít mưa, không cuốn bùn, đất xuống ao, nên nước rất trong.

 

Một chiếc thuyền câu / bé tẻo teo.

Một : số từ : chỉ sự ít ỏi, cô độc, lẻ loi

Chiếc thuyền câu thường nhỏ, mà chỉ duy nhất một , tạo cảm giác rộng lớn, mênh mông cho ao nước ( dù ao nước được đào để nuôi cá cạnh mỗi nhà dân ở Hà Nam thường không rộng )

Bé tẻo teo : Chiếc thuyền câu thường nhỏ, mà tác giả còn dùng từ bé kết hợp với từ láy tẻo teo tạo nên cảm giác rất nhỏ, như lạc lõng trong không gian.

Một chiếc -> bé -> tẻo teo      -> Nghệ thuật tăng tiến 

*Có thể so sánh với nghệ thuật tăng tiến đặc sắc trong Tự tình : Mảnh tình -> san sẻ -> tí -> con con 

=> Những hình ảnh đầu tiên về ao nước mùa thu ở làng quê Bắc Bộ được vẽ nên rất sống động, chân thực. Tác giả phải là người rất gắn bó, quan sát tinh tế mới có thể nhận ra vẻ đẹp mùa thu tiềm ẩn, giản dị như vậy. Đồng thời hai câu thơ đầu cũng cho thấy tâm trạng rất đỗi cô đơn, lạc lõng giữa không gian ( dù nhỏ hẹp ) của Nguyễn Khuyến. 

 

Sóng biếc theo làn / hơi gợn tí,

Sóng biếc : những con sóng nhỏ gợn nhẹ, nước trong xanh ( ở đây dùng xanh biếc để thấy sự trong lành, trong xanh tột cùng )

Theo làn hơi gợn tí : làn hơi ở đây là làn gió nhẹ thổi trên mặt hồ khiến mặt nước gợn nhẹ, ta có thể hình dung ra làn hơi như một lớp không khí, sương mỏng trên mặt hồ, chuyển động nhẹ, gợn theo nước:

Nước biếc trông như tầng khói phủ

( Thu vịnh – Nguyễn Khuyến )

 

Lá vàng trước gió / khẽ đưa vèo.

Lá vàng : một hình ảnh tượng trưng cho mùa thu, gặp rất nhiều trong các bài thơ thu:

Em nghe không rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô ?

( Tiếng thu – Lưu Trọng Lư )

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

( Đây mùa thu tới – Xuân Diệu )

Trận gió thu phong rụng lá vàng

Lá rơi hàng xóm, lá bay sang

Vàng bay mấy lá năm già nửa

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng !

( Gió thu – Tản Đà )

Khẽ đưa vèo : chiếc lá vàng được gió đưa khẽ , nhẹ nhàng, nhưng sau đó lại thêm từ vèo ( nhanh chóng, tốc độ ), như một sự đối nghịch trong cách miêu tả. Chiếc lá vàng được gió nâng niu khe khẽ, tưởng chừng như sẽ chầm chậm đáp xuống mặt đất, thì lại vội vàng bị cơn gió ấy cuốn rơi nhanh chóng. Phải chăng đó là hình ảnh tượng trưng cho cả tâm hồn của Nguyễn Khuyến ? , gián tiếp nhắc đến thời cuộc: rơi vèo như một chiếc lá vàng ?, như chữ vèo được nhắc đến để gợi sự trôi chảy của thời gian, lấy đi nhiều thứ trong cuộc đời, kể cả mang theo vận mệnh đất nước :

Vèo trong lá rụng đầy sân,

Công danh phù thế có ngần ấy thôi.

(  Cảm thu tiễn thu – Tản Đà )

Hai câu thơ trên sử dụng từ chỉ hình dạng cực nhỏ ( tí ) và từ chỉ tốc độ nhanh, âm lượng nhỏ ( vèo ) để tăng lên sự yên ắng của hồ nước   -> Nghệ thuật lấy động tả tĩnh

=> Hai câu tiếp theo có sự chuyển động của các vật, nhưng chuyển động rất mềm mại, nhẹ nhàng, mọi sự chuyển động không hề phá vỡ không gian thu, mà còn làm cho nó yên tĩnh hơn, tựa như tâm hồn người thi sĩ lúc này, bình lặng để cảm nhận mọi việc.

 

Tầng mây lơ lửng / trời xanh ngắt,

Tầng mây lơ lửng : hình ảnh những lớp mây xếp lớp, bồng bềnh trôi trên bầu trời cũng là hình ảnh đặc trưng cho mùa thu. Từ láy lơ lửng tạo tạo cảm giác lắng đọng, yên bình. Về hình ảnh mây trong thơ ca:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

( Sang thu – Hữu Thỉnh )

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

( Thơ tình cuối mùa thu – Xuân Diệu )

Trời xanh ngắt : da trời xanh gợi độ thăm thẳm, trong xanh, tinh khiết:

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt

( Thu ẩm – Nguyễn Khuyến )

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

( Thu vịnh – Nguyễn Khuyến )

 

Ngõ trúc quanh co / khách vắng teo.

Ngõ trúc quanh co : ven các con đường làng ở miền quê Bắc Bộ thường có những dãy trúc. Trúc men theo các con đường nhỏ quanh co khiến con người cảm thấy con đường dài hun hút.

Khách vắng teo : các con đường làng quanh co, dài thăm thẳm, mà còn vắng khách, tức vắng người, vắng sự hoạt động của con người. Đã vắng, mà còn là vắng teo, điều này khiến không gian thu càng thêm yên tĩnh, không gian im ắng đến tuyệt đối

=> Hai câu cuối của Cảnh thu vẫn là sự tiếp diễn một trạng thái yên ắng của khung cảnh, của không gian. Vẫn là cảm giác đượm buồn, cảm nhận nhẹ nhàng, sâu sắc của tác giả.

==> Cảnh thu vừa quen thuộc, vừa đặc sắc :

  • Đường nét uyển chuyển, chuyển động nhẹ nhàng
  • Màu sắc thuần khiết, điêu luyện trong cách miêu tả ( lá vàng hiện hữu trong khung cảnh toàn màu xanh : xanh biếc của nước ao, xanh ngắt của da trời, xanh thẫm của hàng trúc )                             -> Nghệ thuật thi trung hữu họa
  • Vần “eo” tạo nhạc điệu,      -> Nghệ thuật thi trung hữu nhạc
  • Vần “eo” cũng góp phần đóng vai trò thu hẹp không gian theo ý tác giả : bé tẻo teo ( làm cho nhỏ lại rất nhiều ), vắng teo ( tạo cảm giác không gian vừa chật hẹp vừa vắng )

 

==> 6 câu thơ đầu trong Thu điếu là một bức tranh tả cảnh mùa thu đẹp tựa một bức tranh thủy mặc, trong đó vừa thấy sự quen thuộc, giản dị của mùa thu miền Bắc, vừa thấy được sự mới lạ trong mùa thu của riêng Nguyễn Khuyến. Miêu tả không gian yên tĩnh, nhưng người đọc thấy được sự suy tư, lạc lõng. Đó là cảm giác của con người luôn lo nghĩ cho đất nước, đặc biệt khi đất nước đang trong cảnh loạn lạc.

 

Tình thu ( 2 câu cuối )

*Đi sâu vào hoàn cảnh:

  • Nguyễn Khuyến ra làm quan lúc triều đình nhà Nguyễn gần như sụp đổ, đất nước loạn lạc
  • Nam Kỳ thì rơi vào tay Pháp. 1882 và 1885, Pháp tiếp tục đánh chiếm cả Hà Nội và kinh thành Huế
  • Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, văn thân sĩ phu và nhân dân hưởng ứng. Nhưng chẳng bao lâu, phong trào Cần Vương sụp đổ
  • Nguyễn Khuyến bất lực, không thể cứu vua giúp nước, thay đổi thời cuộc nên cáo quan về quê 

=> Tình thu là tình cảnh của Nguyễn Khuyến trước cảnh thu : lạc lõng, cô quạnh, uẩn khúc, bất lực, nỗi buồn thời thế.

 

Tựa gối  buông cần / lâu chẳng được,

Tựa gối buông cần : một tư thế ngồi thu mình, lơ đễnh, ngồi rất lâu và trầm tư. Tác giả trong tư thế ngồi như thế, vừa buông cần câu cá, tâm hồn suy tư.

Lâu chẳng được :  tuy là ngồi câu cá, nhưng lâu chẳng được, đó là do sự cắt ngang của dòng trạng thái, suy nghĩ của tác giả, khi : Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

 

Cá đâu đớp động / dưới chân bèo.

Cá đâu đớp động dưới chân bèo : đặc sắc điệp âm “đ” liên tiếp ba lần kế nhau tạo nhạc điệu  -> Nghệ thuật thi trung hữu nhạc : cõi lòng Nguyễn Khuyến yên tĩnh đến mức chợt cảm nhận được tiếng cá đớp động dưới chân bèo, một hoạt cảnh rất nhỏ, rất bất chợt nhưng khiến thi sĩ suy tư rất nhiều. Trong khung cảnh yên lặng tuyệt đối ấy, tiếng cá đớp động đã thể hiện rất nhiều khía cạnh, của bức tranh tĩnh và cả tâm hồn tác giả nữa

  • Trong bức tranh : tiếng cá đớp động là điểm nhấn sáng tạo, nổi bật cho cả bài. Tất cả cử động của sóng, lá vàng ở trên chỉ để tăng tính tĩnh lặng của khung cảnh. Còn chuyển động của con cá thực sự là một hoạt động rõ ràng, ảnh hưởng nhất.
  • Trong tâm hồn thi sĩ : hình ảnh cá động là một cách nói ẩn ý, đó là tiếng động của tâm hồn. Khi nhà thơ cố gắng hòa mình vào thiên nhiên, để tâm hồn thanh thản, thì tâm hồn nhà thơ lại bị đánh thức bởi tiếng gọi của tình yêu quê hương, đất nước, tiếng gọi về những lo toan cho vận mệnh dân tộc.

Đâu : xuất hiện như bất ngờ, đột ngột, sự phát giác, kiếm tìm của một người như mất phương hướng. Đó là sự dừng lại của cảm giác mênh mông, thuần túy của mùa thu, thay vào đó là tinh thần trách nhiệm, nỗi buồn thời thế sâu thẳm.

Nguyễn Khuyến mang trong mình một tình yêu cao cả với đất nước. Ông luôn tự trách bản thân, luôn lo lắng, một lòng hướng về quê hương. Điều đó thấy rõ trong những lời thơ của Nguyễn Khuyến trong chùm thơ thu :

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

( Thu ẩm – Nguyễn Khuyến )

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,

Một tiếng trên không ngỗng nước nào ?

( Thu vịnh – Nguyễn Khuyến )

==> Qua bức tranh mùa thu, ta có thể thấy sự đắm mình vào thiên nhiên của tác giả. Nhưng trong lòng luôn canh cánh một nỗi đau thời thế, một nỗi buồn, thất vọng về bản thân, chưa giúp được gì cho đất nước, chỉ biết chọn cách sống thanh bạch giữ mình. Tình yêu đất nước ấy lớn đến nỗi, chỉ qua cử động nhỏ của cá, Nguyễn Khuyến day dứt mãnh liệt một lần nữa. Nên Thu điếu : qua cảnh mà thấy tình.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Kết hợp tinh tế các biện pháp nghệ thuật (Tả cảnh ngụ tình, lấy động tả tĩnh, thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc, biện pháp tăng tiến).
  • Cách gieo vần ” eo ” độc đáo, tạo nhạc điệu, thu hẹp không gian.
  • Hình ảnh chân thật, gần gũi, đặc trưng cho mùa thu Bắc Bộ. Ngôn ngữ giàu hình tượng, đậm đà chất dân tộc.

Nội dung

  • Vẽ nên một bức tranh thu tuy giản dị, gần gũi nhưng rất đặc sắc, tạo nên dấu ấn Nguyễn Khuyến. 
  • Tình yêu với đất nước cháy bỏng, chân thành. Sự suy tư, lo toan về mệnh nước, và có sự tự trách mình, đã chưa làm được gì cho quê hương. Đó là tinh thần trách nhiệm cao cả, đáng trân trọng của Nguyễn Khuyến.

 

Người đóng góp
Comments to: Câu cá mùa thu (Thu điếu)