Tìm hiểu chung

Tác giả

  • Phan Châu Trinh (1872 – 1926), tự Tử Cán, quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì (nay thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
  • Ông đỗ Phó bảng năm 1901, làm quan một thời gian rồi từ quan, đi làm cách mạng. Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước bằng cách lợi dụng thực dân Pháp, cải cách mọi mặt, làm cho dân giàu, nước mạnh, tạo ra nền độc lập dân tộc.
  • Năm 1908, ông bị bắt đày đi Côn Đảo, ba năm sau thì được trả tự do. Năm 1925, Phan Châu Trinh về Sài Gòn, diễn thuyết được vài lần thì ốm nặng rồi mất.
  • Phan Châu Trinh luôn có ý thức dùng văn chương để làm cách mạng. Những áng văn chính luận của ông đậm tính chất hùng biện, lập luận chặt chẽ, dạt dào cảm xúc về đất nước, đồng bào, thấm nhuần tư tương yêu nước và tinh thần dân chủ.
  • Các tác phẩm tiêu biểu : Đầu Pháp chính phủ thư (1906), Tỉnh quốc hồn ca I, II (1907, 1922), Tây Hồ thi tập (1904 – 1914), Xăng-tê thi tập (1914 – 1915), Giai nhân kì ngộ diễn ca (1915),….

Tác phẩm

Xuất xứ

Trích trong phần ba của bài “Đạo đức và luân lí Đông Tây” được Phan Châu Trinh diễn thuyết vào đêm 19/11/1925 tại nhà Hội Thanh niên ở Sài Gòn.

Chủ đề 

Thể hiện dũng khí của một người yêu nước : vạch trần thực trạng đen tối của xã hội, đề cao tư tưởng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng về một ngày mai tương sáng của đất nước.

Bố cục : gồm 3 phần

  • Phần 1 : Ở Việt Nam, người dân chưa có quan niệm đúng đắn về luân lí xã hội.
  • Phần 2 : Những dẫn chứng cụ thể về luân lí xã hội ở phương Tây (Pháp), từ đó liên hệ về thực trạng của luân lí xã hội ở nước ta.
  • Phần 3 : Tác giả bày tỏ khát vọng đoàn thể thông qua việc đưa ra giải pháp.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

  • Bố cục : gồm 3 phần
    • Phần 1 : Ở Việt Nam, người dân chưa có quan niệm đúng đắn về luân lí xã hội.
    • Phần 2 : Những dẫn chứng cụ thể về luân lí xã hội ở phương Tây (Pháp), từ đó liên hệ về thực trạng của luân lí xã hội ở nước ta.
    • Phần 3 : Tác giả bày tỏ khát vọng đoàn thể thông qua việc đưa ra giải pháp.
  • Các đoạn văn liên hệ với nhau theo một lập luận rõ ràng, mạch lạc : hiện trạng thực tế, dẫn chứng so sánh, đưa ra giải pháp nhằm hướng tới mục đích xây dựng đoàn thể đoàn kết vững chắc, tiến bộ.
  • Chủ đề : Nhu cầu cấp bách cần truyền bá chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam để gây dựng đoàn thể vì sự tiến bộ, hướng đến mục đích cao cả giành độc lập, tự do.

Câu 2

  • Cách đặt vấn đề trực tiếp, thẳng thắn ; lập luận sắc bén, đanh thép gây ấn tượng mạnh cho người nghe. Tác giả không vòng vo mà vào thẳng vấn đề “Việt Nam chưa có luân lí xã hội” => Khẳng định trực tiếp vấn đề được đặt ra, tránh việc người nghe không nhận định được chủ đề diễn thuyết.
  • Để tránh một số người “cắt câu lấy nghĩa”, xuyên tạc không cần thiết, tác giả khẳng định : “Một tiếng bè bạn không thể thay cho xã hội luân lí được, cho nên không cần cắt nghĩa làm gì”.
  • Ngoài ra, vì ở Việt Nam chưa có kiến thức cụ thể về “luân lí xã hội” nên mọi người vẫn chưa có sự hiểu biết về nó, tác giả đã sử dụng cách nói phủ định : “Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến, so với quốc gia luân lí thì người mình còn dốt nát hơn nhiều”

Câu 3

Tác giả so sánh “bên Âu châu”, “bên Pháp” với “bên ta” về vấn đề một nền luân lí xã hội thực sự :

  • “Cái xã hội chủ nghĩa bên Âu châu rất thịnh hành như thế, đã phóng đại ra như thế, thế mà người bên ta thì điềm nhiên như kẻ ngủ không biết gì là gì.”.
  • “Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thế, hoặc chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay của một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận dụng kì cho đến được công bình mới nghe.”.
  • “Là vì người ta có đoàn thể,…”.
  • “Người mình thì phải ai tai nấy, ai chết mặc ai!”.

==> Tư tưởng về xã hội luân lí ở phương Tây (Pháp) xem trọng mối quan hệ giữa người với người và đoàn thể đoàn kết. Trong khi đó, ở nước ta, người dân chưa có ý thức về đoàn thể, chỉ chăm chăm lo mình, không quan tâm đến người xung quanh.

Câu 4

Nguyên nhân của tình trạng “dân không biết đoàn thể, không trọng công ích” :

  • “bởi ba bốn trăm năm trở về đây, … phá tan tành đoàn thể của quốc dân.”.
  • “Chẳng những thế mà thôi, … cũng không ai chê bai.”.
  • “Ngày xưa thì bọn ấy là bọn Nho học … cũng ra làm quan nữa.”.
  • “Những kẻ ở vườn thấy quan sang, … đặng hống hách thì mới thôi.”.

==> Chế độ vua quan chuyên chế lạc hậu, thối nát : ham hư vinh, chạy theo lợi ích, quyền thế, chỉ lo cho vua mà không quan tâm gì đến dân ; nạn tham nhũng hoành hành khắp nơi, “một người làm quan một nhà có phước” không đố kị vơ vét của cải của người dân ; ai cũng có thể ra làm quan, chỉ cần lo lót đầy đủ tiền bạc là được.

Câu 5

  • Giọng điệu câu văn chính luận, lập luận rõ ràng, rành mạch.
  • Sử dụng hàng loạt câu cảm thán, hình ảnh so sánh, thành ngữ, tục ngữ.
  • Lồng ghép khéo léo tình cảm, cảm xúc của tác giả : xót xa, lo lắng, căm giận.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Về luân lí xã hội ở nước ta