1. Ngữ văn lớp 11

Chiều xuân (Đọc thêm)

Tìm hiểu chung

Tác giả

Cuộc đời

  • Anh Thơ (1921 – 2005) tên khai sinh là Vương Kiều Ân, sinh tại Hải Dương, xuất thân trong một gia đình công chức nhỏ.
  • Anh Thơ gắn bó với đồng ruộng quê hương, lớn lên giữa lúc phong trào Thơ mới đang diễn ra sôi nổi.
  • Bà ham thích học văn từ nhỏ, chịu ảnh hưởng phần nào từ gia đình bên ngoại, tìm đến thơ ca để thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt và khẳng định giá trị người phụ nữ trong xã hội đương thời.

Sự nghiệp sáng tác

  • Anh Thơ là nữ sĩ tiêu biểu cho nền thơ hiện đại Việt Nam.
  • Từ năm 1937, Anh Thơ có thơ được đăng trên báo Đông phương, Tiểu thuyết thứ năm, Ngày nay, Phụ nữ. Năm 1939, Anh Thơ được trao tặng giải Khuyến khích của Tự lực văn đoàn.
  • Anh Thơ có sở trường viết về cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp sống nơi đồng quê miền Bắc nước ta.
  • Các tác phẩm tiêu biểu: Bức tranh quê (1941), Kể chuyện Vũ Lăng (1957), Tuyển tập Anh Thơ (1986),….

Tác phẩm

Xuất xứ

Bài thơ được rút từ tập thơ đầu tay “Bức tranh quê” (1941) của nữ thi sĩ.

Chủ đề

Vẻ đẹp của một chiều mùa xuân nơi miền quê Bắc Bộ, bộc lộ tình yêu thiên nhiên và quê hương đất nước của thi sĩ

Thể loại: thơ bảy chữ.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

Bức tranh “chiều xuân” qua ngòi bút của Anh Thơ hiện lên:

  • Ở khổ đầu tiên, bức tranh hiện lên thật êm đềm qua các hình ảnh quen thuộc: bến vắng, đò biếng lười, quán tranh, chòm xoan hoa tím.
  • Ở khổ thứ hai, bức tranh được tô điểm thêm bằng những con vật thân thương miền đồng quê: đàn sáo đen, cánh bướm rập rờn, trâu bò.
  • Khổ cuối cùng có sự xuất hiện của con người khiến bức tranh thêm vẻ ấm áp, bớt đi cái tĩnh lặng cùng với các chi tiết thân thuộc của cuộc sống thường nhật nơi đồng quê: đồng lúa xanh, lũ cò con, cô nàng yếm thắm cúi cuốc cào cỏ.

=> Qua ngòi bút của nữ thi sĩ Anh Thơ, bức tranh “chiều xuân” hiện lên thật riêng biệt với những hình ảnh tiêu biểu và không khí yên bình. Không như những “chiều xuân” ồn ào, náo nhịp với cảnh chợ tết hay những câu hát vui tươi, trong “Chiều xuân” chỉ giản dị, gần gũi với những sự vật hay con vật rất thân quen nơi đồng quê miền Bắc. Mùa xuân không cần bánh trái hay quần là áo lượt mới là mùa xuân, miền quê cho dù êm đềm hay tĩnh lặng cũng có một mùa xuân thật thơ mộng, thanh bình.

Câu 2

Không khí và nhịp sống thôn quê trong bài thơ thật yên bình, nhẹ nhàng, thư thả được gợi lên bằng biện pháp liệt kê và hàng loạt các từ láy giàu sức gợi hình, gợi cảm:

  • Sự vật hiện diện với dáng vẻ bình lặng, có phần cô đơn, xác xơ: bến vắng, đò biếng lười, quán tranh đứng im lìm, hoa rụng tơi bời.
  • Những con vật dù có chuyển động nhưng vẫn mang dáng vẻ khoan thai: đàn sáo đen mổ vu vơ, cánh bướm rập rờn, trâu bò thong thả ăn mưa.
  • Con người xuất hiện vào lúc cuối nhưng sao lại thật nhỏ bé, thụ động: “Lũ cò con … sắp ra hoa”.

=> Từ sự vật, động vật cho đến con người đều mang dáng vẻ thong thả với các chuyển động thật khẽ khàng càng tô đậm thêm không khí thanh bình và nhịp sống chậm chậm.

Câu 3

  • Các từ láy có trong bài thơ: êm êm, im lìm, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả.
  • Các từ láy trên có tác dụng nhấn mạnh trạng thái thụ động hay đều đều của các hoạt động cũng như làm giảm nhẹ bớt đi mức độ của các chuyển động => Góp phần làm nổi bật vẻ đẹp dịu êm, nhẹ nhàng của buổi chiều mùa xuân nơi miền quê Bắc Bộ
Người đóng góp
Comments to: Chiều xuân (Đọc thêm)