Tìm hiểu chung

Tác giả

Trần Tế Xương qua ảnh chụp

Trần Tế Xương (1870-1907)

Tên thật : Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh

Quê quán : làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định

Cuộc đời :

  • Là người tài giỏi, tính cách phóng khoáng. Luôn khinh bỉ xã hội đê hèn, ách thống trị của thực dân’
  • Lận đận trong thi cử, thi đến lần thứ tám mới đỗ tú tài ( nên gọi là Tú Xương ). Vì tính tình phóng khoáng, phóng túng, ông hay phạm trường quy :

Rõ thực nôm hay mà chữ tốt,

Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.

( Buồn thi hỏng – Trần Tế Xương )

Nhận định : của Xuân Diệu

Ông nghè ông thám vô mây khói,

Đứng lại văn chương một tú tài.

 

Tác phẩm

Xuất xứ

  • Sáng tác năm 1897. Bài thơ còn có tên khác là Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu
  • Viết bằng chữ Nôm
  • Thể thơ : thất ngôn bát cú Đường luật

Hoàn cảnh sáng tác

  • Tú Xương thi tất cả tám lần, chỉ đỗ tú tài vào lần thi thứ tư ( khoa thi Giáp Ngọ 1894). Mà danh tú tài của ông chỉ là tú tài thiên thủ ( lấy thêm), vừa không được làm quan, vừa không được thi Hội ( chỉ có cử nhân mới được )
  • 1897, Tú Xương tiếp tục thi lần thứ năm là khoa thi Đinh Dậu. Ông đã phản ánh chân thực quang cảnh và thực trạng xã hội thông qua kì thi lúc ấy.

Chủ đề

Trần Tế Xương mang chủ đề thi cử buổi loạn lạc để thể hiện thái độ mỉa mai, khinh bỉ, vừa xót xa, lo lắng cho tình cảnh đất nước.

 

Phân tích tác phẩm

*Dấu    “/ ”   chia nhịp thơ. 

*Chia theo Đề, Thực, Luận, Kết

 

Hai câu đề : Giới thiệu khoa thi Hương

 

Nhà nước / ba năm / mở một khoa,

Thời gian diễn ra các khoa thi : mỗi ba năm có một khoa

Từ ngữ trang trọng : nhà nước, mở một khoa

=> Tác giả giới thiệu về thời gian thi cử của nhà nước ta lúc bấy giờ một cách gọn gàng, súc tích. Như những quốc gia khác, hay các thời kì khác, việc thi cử là một yếu tố quan trọng bậc nhất, trở thành thông lệ để tìm kiếm người tài giúp nước.

 

Trường Nam thi lẫn / với trường Hà.

Nói tắt : Trường Nam ( Nam Định ), trường Hà ( Hà Nội ). Khoa thi diễn ra gộp chung thí sinh của cả hai vùng :

Được gần trường ốc vùng Nam Định,

Thua mãi anh em cánh Bắc Kì.

( Buồn thi hỏng – Trần Tế Xương )

Lẫn : thể hiện một sự thiếu nghiêm túc, láo nháo, đặc biệt là tại nơi thi cử. Từ lẫn có tính khái quát cao, tạo nên một khung cảnh lộn xộn, lẫn lộn, không ngay ngắn, nghiêm chỉnh.

=> Tác giả cho thấy sự lẫn lộn nơi trường thi, không đâu ra đâu. Ta thấy được sự thiếu thốn trường thi ở miền Bắc, vừa thấy sự bê bối của bộ máy quản lí, của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

 

==> Hai câu đề bước đầu vẽ nên bức tranh nơi trường thi rắc rối, lộn xộn, tổ chức cho có, sơ sài, mà đáng lẽ ra đó nên là một nơi trang nghiêm, kỉ cương, với mục đích tìm người tài phục vụ đất nước.

 

Hai câu thực : Quang cảnh trường thi

Ảnh chụp một khoa thi ở Nam Định

 

Lôi thôi sĩ tử / vai đeo lọ,

Sĩ tử : những người có học vấn, được phép tham gia kì thi ( chỉ có nam )

Từ láy : lôi thôi . Đảo ngữ : Lôi thôi sĩ tử

Vai đeo lọ : lọ đựng đồ ăn, thức uống tự chuẩn bị vì thí sinh làm bài trong lều cả ngày.

=> Hình ảnh những sĩ tử tham gia kì thi luộm thuộm, nhếch nhác. Những người đi thi không chỉnh tề, nghiêm chỉnh, không có sự chuẩn bị chu đáo, mà còn lôi thôi, chứng tỏ sự suy tàn trong chế độ thi cử, tức suy tàn về xã hội.

 

Ậm ọe quan trường / miệng thét loa.

Quan trường : là người coi thi

Từ tượng thanh : Ậm ọe. Là ấp úng, gượng gạo, nói không rõ ràng rành mạch

Đảo ngữ : Ậm ọe quan trường làm nổi bật đối tượng là người coi thi. Với tính chất ậm ọe, thét thì không xứng đáng, phù hợp với chức danh đó

Miệng thét loa : cố ra oai bằng cách thét . 

=> Hình ảnh quan trường thể hiện, ra oai, nhưng càng ra oai một cách sai lệch như thế, ta càng thấy được sự xuống cấp trầm trọng trong kì thi mang tính quốc gia. Họ không có tư thế của một người canh thi, mà còn góp phần làm khoa thi thêm láo nháo, lộn xộn.

 

==> Sử dụng phép đối, hai câu thực tiếp tục phản ánh thực trạng nơi trường thi, cả người đi thi và người coi thi đều nhếch nhác, không đủ tư cách: lôi thôi-ậm ọe , sĩ tử-quan trường, vai đeo lọ-miệng thét loa. Hai đối tượng tuy đối lập nhau, nhưng đều có một điểm chung là làm cho khoa thi thêm rối rắm, hỗn độn, thể hiện sự tàn tạ của chế độ thi cử.

 

Hai câu luận : Sự xuất hiện của quan sứ và bà đầm Tây

 

Lọng cắm rợp trời / quan sứ đến,

Quan sứ : viên quan người Pháp đứng đầu bộ máy cai trị của bọn thực dân ở một tỉnh

Lọng cắm rợp trời : sự linh đình, phô trương vô bổ. Lọng dùng để che nắng, mưa cho tầng lớp vua chúa, quan lại, thể hiện sự quyền thế. Ở đây chỉ là viên quan một tỉnh, mà sử dụng nhiều lọng đến mức rợp trời.

 

Váy lê quét đất / mụ đầm ra.

Mụ đầm : là những người đàn bà Pháp. Phụ nữ Pháp ngày xưa mặc đầm xòe rộng.

Váy lê quét đất : thể hiện sự diêm dúa, phô trương. Theo truyền thống xưa, ta thấy phụ nữ được đến nơi thi cử là chuyện rất hiếm, vậy mà các bà Pháp còn đầm váy lòe loẹt, lê quét đất để đến đây.

 

==> Sử dụng đảo ngữ và phép đối để thể hiện sự phô trương, lố bịch nơi trường thi : quan sứ-mụ đầm, lọng cắm-váy lê, rợp trời-quét đấtKhác hẳn với hình ảnh sĩ tử và quan trường ( là người Việt ), họ có vẻ lôi thôi, nhếch nhác. Còn bà đầm và quan sứ ( là người Pháp ), họ xuất hiện trong sự trang trọng, tốn kém, họ mặc sức làm bất cứ điều gì ở trường thi ta, ở đất nước ta.

==> Hai câu luận toát lên tiếng cười mỉa mai, sự khinh bỉ sâu cay của Tú Xương, đối với sự bất công, đê hèn của xã hội :

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,

Nó đỗ khoa này có sướng không !

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,

Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng.

( Giễu người thi đỗ – Trần Tế Xương )

Triều đình nhà Nguyễn gián tiếp bán nước, bán đi những truyền thống cao quý, tốt đẹp của cha ông ngày xưa, từ ngoại thương, buôn bán, bây giờ là đến cả một chế độ thi cử cực kì quan trọng.

 

Hai câu kết : Thái độ của tác giả

 

Nhân tài đất Bắc / nào ai đó,

Nhân tài : người tài giỏi, những sĩ tử có tài yêu nước. Tú Xương kêu gọi nhân tài vì :

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao,

Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

( Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại bảo thứ ba – Thân Nhân Trung )

=> Lời tìm kiếm, trông mong một ai đó, có người tài nào đó yêu nước, vì nước trong buổi loạn lạc lúc ấy

 

Ngoảnh cổ mà trông / cảnh nước nhà.

Ngoảnh cổ mà trông : lời nói có phần xót xa, cay đắng, mong người tài đừng vì quyền cao chức trọng, mà hãy một lần nhìn lại thời cuộc, đồng thơi ngoảnh lại nhìn nghìn năm lịch sử, nghìn năm văn hiến của quốc gia

Cảnh nước nhà : 

  • Cảnh triều đình nhà Nguyễn đi sai hướng, bộ máy quản lí quốc gia suy tàn
  • Cảnh thực dân coi thường, đè nén dân tộc
  • Cảnh những bộ phận nhỏ lợi dụng tình hình đất nước để mua quan bán chức, nịnh hót người Tây, quên đi tinh thần dân tộc

=> Tất cả những điều ấy báo hiệu sự suy vong của quốc gia, mà Tú Xương xót xa nhắn nhủ. Giọng điệu của ông vừa ngao ngán, vừa phẫn uất, ông hỏi đời, cũng tức là hỏi mình :

Hẳn có kẻ lo toan việc nước, vua chửa dùng tài;

Hay không ai dạy dỗ đàn con, trời còn bắt hỏng !

( Phú hỏng khoa thi Canh Tý – Trần Tế Xương )

 

==> Bức tranh hiện thực trong thơ Trần Tế Xương mang một màu xám xịt. Trong Vịnh khoa thi Hương, chỉ tồn tại những cảm xúc đau buồn, xót xa, khinh bỉ, phê phán, mỉa mai sâu sắc xã hội thực dân nửa phong kiến ấy. Ông dùng giọng thơ để đả kích, châm biếm sâu cay chế độ suy tàn. Ông thương cảm cho vận nước, vận dân, lo cho thời cuộc. Đồng thời trong Tú Xương còn có một cảm giác nhục nhã nặng nề , căm ghét, bất lực trước cảnh đất nước .

 

Đánh giá 

Nghệ thuật

  • Sử dụng các biện pháp nghệ thuật điêu luyện : đảo ngữ, phép đối để làm bật lên quang cảnh trường thi
  • Giọng điệu đả kích, châm biếm sâu cay kết hợp với trữ tình, chân thành sâu sắc
  • Hình ảnh, từ ngữ dễ hiểu, hỗ trợ tối đa cho việc đánh mạnh sự nhếch nhác, suy vong nơi thi cử

Nội dung

  • Bày tỏ thái độ khinh bỉ, mỉa mai, phẫn uất của tác giả trước chế độ thi cử lỗi thời, sự đê hèn của xã hội cũng như chế độ thực dân
  • Thể hiện sự xót xa, lo lắng cho tình cảnh, số phận của đất nước. Từ đó thấy được tình yêu quê hương, tinh thần dân tộc sâu sắc của tác giả

 

Người đóng góp
Comments to: Vịnh khoa thi Hương