Tìm hiểu chung

Tác giả

Cao Bá Quát ( 1808 – 1855 )

Cao Bá Quát ( 1808 – 1855 )

Tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên, hay gọi ” Thánh Quát “

Quê quán : làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh

Cuộc đời : 

  • Thuở nhỏ sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng văn hay chữ tốt, thông minh, chăm chỉ
  • Là người khí phách, yêu quê hương, đất nước :

Ngã dục đăng cao

Hạo ca ký vân thủy.

( Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất

Hát vang để gửi tấm lòng vào mây nước )

( Quá Dục Thúy sơn – Cao Bá Quát )

  • Năm 1831, đời vua Minh Mạng, Cao Bá Quát đỗ cử nhân tại trường thi Hà Nội
  • Năm 1841, Cao Bá Quát bị bắt giam, nhục hình tra tấn vì tội cố ý sửa bài thi khi làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Sau ba năm bị giam, ông được triều đình tạm tha.
  • Năm 1854, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chống nhà Nguyễn. Sau khi khởi nghĩa thất bại, ông bị bắn chết tại trận.

 

Tác phẩm

Xuất xứ

Viết bằng chữ Hán

Thể loại : thể hành

* Hành là thể thơ cổ, tính chất tự do phóng khoáng, không gò bó số câu, độ dài câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu.

Hoàn cảnh sáng tác

  • Cao Bá Quát đỗ cử nhân năm 1831 tại trường thi Hà Nội
  • Ông lên đường vào kinh đô Huế tiếp tục tham gia kì thi Hội ( 1832 ). Trên đường đến kinh đô, ông qua nhiều bãi cát trắng rộng và nóng bức của các tỉnh miền Trung ( Quảng Bình, Quảng Trị ).
  • Chán ghét con đường tiến thân, mưu cầu danh lợi của xã hội, ông mượn hình ảnh con người đi trên bãi cát dài để nói lên suy nghĩ.

Chủ đề

Mượn hình ảnh bãi cát để bộc lộ thái độ chán ghét con đường danh lợi mình buộc phải theo đuổi. Đồng thời phản ánh, phê phán xã hội nhà Nguyễn bế tắc, suy tàn.

 

Phân tích tác phẩm

Hình ảnh bãi cát ( 4 câu đầu )

Bãi cát lại bãi cát dài, 

Đi một bước như lùi một bước.

Không gian : bãi cát dài

Phép điệp từ : bãi cát , một bước

=> Vẽ ra bức tranh bãi cát rộng lớn, mênh mông bất tận. Tác giả càng đi càng thấy xa, mãi không tới, càng đi tới mà như càng lùi lại trong không gian vô tận ấy.

=> Sâu xa hơn, tác giả ví bãi cát rộng như con đường mưu cầu danh lợi vất vả, gian nan của chính bản thân ông. Trên con đường ấy, khó khăn thử thách tràn đầy, xã hội thì lạc hậu, lề thói, khiến mỗi sự cố gắng của ông là một bước tiến, rồi lại lùi.

 

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.

Thời gian : lúc mặt trời lặn

=> Hình ảnh đầy tâm trạng, ưu tư. Mặt trời đã lặn mà người lữ khách vẫn phải tiếp tục đi, lặng lẽ trên bãi cát vừa mênh mông, vừa cô đơn đó. Tác giả tự nhắc nhở mình : chưa dừng được, vì con đường danh lợi đâu dễ đi, dễ tới. Sự cố gắng ấy còn đánh đổi bởi những giọt nước mắt, tinh thần mỏi mệt, lẻ  loi hơn bao giờ hết.

 

==> Không gian như nuốt chửng con người, thời gian không đợi chờ con người. Qua hoạt cảnh khi đi trên bãi cát, tác giả đồng thời thể hiện sự vất vả trên con đường mình chọn, tìm kiếm lợi danh trong xã hội phù phiếm, tàn tạ.

 

Sự cám dỗ của vòng danh lợi ( 6 câu tiếp theo )

Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi !

Điển tích, điển cố : ông tiên ngủ kĩ Hạ Hầu Ấn

Giận khôn vơi : thái độ khinh thường, chán nản lợi danh nhưng vẫn phải theo nó nên tự giận mình. Trong sự giận ấy là quá trình đấu tranh nội tâm sâu sắc, giữa đúng-sai, tốt-xấu.

=> Tác giả tự trách bản thân không học được người đời trước cách sống an nhàn, thanh bạch với đời, trách xa phường danh lợi. Mà ngay bây giờ ông lại đi theo con đường đó, để phải trèo non, lội suối, vất vả trăm bề. Bởi trong xã hội lúc ấy, nếu không theo danh lợi thì không có tiếng nói, hoàn toàn bế tắc. Ông thể hiện thái độ chán ghét cùng cực, vì thấy sai vẫn phải theo.

 

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Phường danh lợi : chỉ việc làm quan, làm những việc để mưu cầu danh tiếng, lợi lộc. Nhà nho thường xem thường danh lợi, đề cao cách sống thanh cao :

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

… Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

( Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm )

Từ láy : tất tả .

Từ chỉ thời gian : xưa nay.

=> Biết rằng nhà Nho coi thường lợi danh, tuy nhiên xã hội từ trước đến nay, không ít người có nhận thức nhưng vẫn đeo đuổi danh lợi. Không thể phủ nhận, danh tiếng, lợi lộc có một sức cám dỗ, lôi kéo mạnh mẽ, đa số con người không ai thoát khỏi.

 

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người ?

Ví danh lợi có sức cám dỗ, gây nghiện như men rượu thơm nồng.

Người say – người tỉnh : là người bị cuốn vào vòng danh lợi – người sống thanh bạch, an nhàn. Tác giả nói lên một chân lí muôn thuở : khi còn tự do, người ta tham muốn mưu cầu danh lợi, nhưng một khi đã rơi vào thì khó để trở mình thoát ra. 

=> Sức mạnh che mờ tâm trí của lợi danh. Trong cuộc sống, ai mà chẳng ham chút lợi lộc, hư danh. Nhưng vấn đề là lòng tham thì không đáy, và ngày càng nhiều người lọt thỏm vào điều sai lệch đó mà thôi, như ca dao có câu :

Cái vòng danh lợi cong cong,

Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.

 

==> Cao Bá Quát tự ý thức được sự cám dỗ, sự suy tàn của đạo đức khi chọn danh lợi, ông cũng tự ý thức được quyết định của bản thân. Nghiệt ngã là khi chính bản thân tác giả hoàn toàn bế tắc, không có nhiều lựa chọn, biết sai trái mà vẫn chọn. Nên ông chán ghét con đường danh lợi ấy, ông khinh bỉ nó cũng như chê trách bản thân mình chưa tìm ra lối thoát.

 

Tâm thế của tác giả ( 7 câu cuối )

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi !

Tính sao đây ? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít ?

Điệp ngữ : bãi cát dài

Câu cảm thán : Bãi cát dài, bãi cát dài ơi !

Câu hỏi tu từ : Tính sao đây ? , Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít ?

Từ láy tượng hình : mờ mịt

=> Trạng thái băn khoăn, mông lung của tác giả. Người lữ khách vừa kêu gọi như để than thở, để thắc mắc, mong có câu trả lời, nhưng chỉ đơn độc không hề được nhận lại gì. Từ mờ mịt biểu hiện rõ nhất cho tâm trạng Cao Bá Quát lúc bấy giờ, ông vừa chán nản con đường công danh nhiều khốn khổ, nhưng lại không có con đường bằng phẳng khác để đi.

 

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

=> Khúc ” đường cùng” chính là sự ngột ngạt, bế tắc không lối thoát của tác giả. Việc dùng lối nói ngược ngạo để nói về mình (ta hát), thấy được sự bất lực, nỗi đau trở thành buông xuôi.

 

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

Phép điệp cấu trúc : Phía … núi…

Phép đối : Phía bắc núi Bắc – Phía nam núi Nam, núi muôn trùng – sóng dào dạt

Tính từ thể hiện sự rộng lớn : muôn trùng, dào dạt

=> Sóng và núi thể hiện sự khó khăn, cách trở mà còn đi với tính từ muôn trùng, mênh mông, cho thấy cuộc sống đầy rẫy bất công, cám dỗ và chông gai. Và nhất là con đường công danh, thứ lôi kéo ghê gớm nhất của xã hội, nó có mặt ở bất cứ đâu, dù nam dù bắc, và khiến con người nói chung và bản thân tác giả nói riêng, khốn khổ vô cùng.

 

Anh đứng làm chi trên bãi cát ?

=> Câu cuối cùng và cũng là câu hỏi tu từ tự hỏi mình và những người bất lực như mình. Rằng vì đâu mà chọn lối sống trì trệ – đi theo danh lợi của xã hội ? Tại sao không xa rời nó, phấn đấu vì con đường khác ? ( vì hiện thực tàn tạ của xã hội )

  • Nói về mình, Cao Bá Quát đứng trên bãi cát, tức là trên đường đi thi. Đi thi thì làm quan, quan trường là nơi tìm kiếm danh lợi. 
  • Còn nói về bãi cát, như nói về cuộc đời. Đường đời không hề bằng phẳng, và Cao Bá Quát chọn con đường bấp bênh hơn gấp trăm lần : chán ghét công danh nhưng phải đấu tranh tinh thần để đi theo nó.

 

==> Sa hành đoản ca là tâm sự, là tiếng nói của một người đi trên bãi cát, như đi trên vận mệnh của chính cuộc đời mình. Trong đó là sự giằng xé nội tâm, sự khinh bỉ, chán ghét lợi danh. Đồng thời là sự mong muốn, khát khao thay đổi nhưng bất lực trước bản thân, trước xã hội.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Sử dụng thể ca hành, vừa độc đáo, nhịp điệu lại đa dạng, trầm bổng phù hợp với tâm trạng người lữ khách.
  • Hình ảnh, ngôn ngữ giàu hình tượng, hỗ trợ bộc lộ cảm xúc.
  • Kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật : phép đối, phép điệp, câu cảm thán, hàng loạt câu hỏi tu từ ,…

Nội dung

  • Thể hiện sự chán ghét cùng cực con đường mưu cầu danh lợi rẻ rúm, tầm thường
  • Sự khó khăn, bất lực khi phải đấu tranh bản thân, đi theo vòng danh lợi
  • Khao khát mãnh liệt được thay đổi xã hội trì trệ của triều đình nhà Nguyễn
Người đóng góp
Comments to: Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Sa hành đoản ca)