Tìm hiểu chung

Tác giả

Nguyễn Công Trứ ( 1778-1858 )

Nguyễn Công Trứ ( 1778 – 1858 )

Tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn

Quê quán : làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Cuộc đời :

  • Xuất thân trong gia đình Nho học
  • Năm 1819 đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan
  • Tài năng trên nhiều lĩnh vực nhưng con đường quan trường không bằng phẳng

 

Sự nghiệp sáng tác

Sáng tác hầu hết bằng chữ Nôm

Thể loại yêu thích : hát nói

*Hát nói là một điệu của ca trù – dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương

Tác phẩm tiêu biểu : Chí làm trai, Chí nam nhi, Đi thi tự vịnh,…

 

Tác phẩm

Xuất xứ

Viết bằng chữ Nôm

Thể loại : hát nói

Chủ đề

Thể hiện bản lĩnh cá nhân, tư tưởng, cá tính của tác giả. Đồng thời phản ánh, phê phán xã hội phong kiến lề thói, khuôn phép.

* Ngất ngưởng 

  • Nghĩa đen : từ láy tượng hình, thế cao chênh vênh, không vững, dễ nghiêng ngả
  • Nghĩa bóng : tư thế, thái độ sống ngang tàn, nghênh ngang, vượt qua thói đời, qua thế tục. Là sự tự tin của tác giả, ý thức về bản thân, khẳng định mình có cách sống cao hơn người đời phàm tục.

 

Phân tích tác phẩm

Sáu câu đầu : Quan điểm sống khi làm quan

  • Thái độ tự tin khẳng định : 

Vũ trụ nội mạc phi phận sự,

( Mọi việc trong khoảng trời đất đều là phận sự của ta )

=> Quan điểm của tác giả về trách nhiệm, phận sự của bản thân mình nói riêng và tất cả người làm trai nói chung. Ông cho rằng tất cả mọi việc trong cuộc đời, ít nhiều cũng có trách nhiệm của mình. Điều đó thể hiện một tinh thần, ý thức bản thân sâu sắc của Nguyễn Công Trứ :

Chí làm trai nam bắc đông tây,

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

( Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ )

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

( Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ )

 

  • Tâm thế ngột ngạt khi được bổ làm quan (vào lồng ) :

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng,

=> Đối với người như ông, làm quan sẽ bị mất tự do ( như chim vào lồng ). Nhưng khi làm quan, tài năng lớn ( tài bộ ) của ông mới được bộc lộ. Ông tự khen mình một cách ngang nhiên, điều đó thể hiện cá tính mạnh mẽ, tự tin và ngất ngưởng.

 

  • Ông kể ra những tài năng, địa vị mình có : 

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Ông đảm nhận nhiều trọng trách với triều đình, quốc gia : Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông, quan Phủ,…

Ông khẳng định mình văn võ toàn tài : khi Thủ khoa, khi Tham tán ( quan văn ) ; thao lược, đại tướng bình Tây ( quan võ )

=> Là người tài năng hiếm có, lỗi lạc xuất chúng. Ông không ngại miệng đời, tư tưởng phóng khoáng khẳng định mình, có tài có đức, công danh rạng rỡ, dốc sức giúp vua, xứng đáng với chí làm trai mà tự tin thể hiện :

Trời đất cho ta một cái tài,

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

( Cái tài giắt lưng – Nguyễn Công Trứ )

 

Mười câu tiếp theo : Quan điểm sống khi về hưu

  • Ông cáo quan về quê :

Đô môn giải tổ chi niên,

( Năm ở kinh đô cởi trả ấn để về quê )

=> Tuy cởi dây đeo ấn về quê, nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn có những tư tưởng độc đáo, cá tính, phóng khoáng riêng biệt.

 

  • Những sở thích kì lạ, khác thường :

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Người ta đi ngựa thì ông lại cưỡi bò mà đẹo nhạc ngựa cho bò => Cả người và bò đều trong tư thế ngất ngưởng, ngạo nghễ không màng sự đời.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Ông nhìn lên núi Đại Nại, tay tuy cầm kiếm cầm cung nhưng vẫn tự cảm thấy mình từ bi, bác ái => Suy nghĩ khác lạ, tính cách hóm hỉnh

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Nguyễn Công Trứ thường đưa các cô hầu gái ( gót tiên ) lên chùa trên núi Hồng :

Hà như Uy Viễn tướng quân thú,

Túy ửng hồng nhi thượng pháp môn.

( Phan Bội Châu )

=> Những hành động vô cùng khác lạ, người đời với cái nhìn tầm tường, thô tục sẽ xem thường, phỉ báng ông. Nhưng nhìn với cái nhìn sâu sắc, khách quan, phóng khoáng, đây là một người vô cùng cá tính, tư tưởng hoàn toàn trái ngược với quan điểm nhà Nho.

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Thái độ ngất ngưởng, hóm hỉnh, coi thường miệng đời, sống thoải mái, có phần kì lạ của tác giả cũng khiến thần tiên tò mò, nực cười.

 

  • Bản lĩnh khác biệt khi thoát khỏi vòng danh lợi :

Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi cáo quan, rời xa danh lợi, sống cuộc đời an nhàn, thì dù được-mất hay khen-chê thì ông vẫn dương dương tự tại như người thượng cổ. Người đời có khen chê thì ông cũng bỏ ngoài tai, lòng vẫn phơi phới như gió xuân ấm áp ( đông phong ) :

Ăn ở sao cho trải sự đời,

Vừa lòng cũng khó, há rằng chơi ?

( Cách ở đời – Nguyễn Công Trứ )

=> Thể hiện bản lĩnh thực sự, vượt qua nhiều tư tưởng định kiến cùng thời. Ông vẫn giữ đúng mực, sống đức độ, nhưng vẫn vươn lên khỏi cái tầm thường của xã hội.

 

  • Cuộc sống tràn đầy, vui vẻ không vướng bụi đời :

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

Nghệ thuật liệt kê, điệp từ khikhông

Vần bằng, trắc đan lồng tạo nhạc điệu

=> Cuộc sống vui vẻ, phong phú, thú vị triền miên, sự hưởng thụ một cách thoát tục. Ông nhận mình không phải Tiên, Phật, ông không phải người cõi trên, nhưng cũng không phải người đời bình thường. Bởi ông tự tin mình đang cao hơn người thường một bậc, sống không so đo, không vướng tục. Đó là thái độ ngất ngưởng trên cao mà ông ý thức mình đang có.

 

Ba câu cuối : Cá tính mạnh mẽ của tác giả

  • Một lần nữa khẳng định mình :

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,

=> Sử dụng điển tích, điển cố thời Hán để so sánh bản thân mình. Những người được so sánh đều nổi tiếng, sự nghiệp hiển hách, có tài có đức, ví như chính Nguyễn Công Trứ.

 

  • Bày tỏ tấm lòng chân thành, trung thành :

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.

Nghĩa vua tôi là mối tương quan giữa vua và bầy tôi ( người làm quan, làm dân ). Dân có nghĩa vụ và trách nhiệm giúp vua giúp nước, còn vua cai trị, lo cho dân cho nước. Đó là đạo lí muôn thuở và quan trọng:

Che dân bao quản lòng tư túi,

Giúp chúa nào quên nghĩa sớm trưa !

( Lê Thánh Tông )

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông . 

( Quốc âm thi tập – Nguyễn Trãi )

=> Tác giả nhận thức rất rõ về đạo lí vua-tôi, ông tự tin, tự hào mình đã sống vẹn đạo nghĩa ấy, hết lòng vì nước vì vua. Và ông cũng nhắc nhở người đời hoàn thành trách nhiệm với đất nước.

 

  • Giọng điệu khôi hài, tự hỏi và tự đề cao mình :

Trong triều ai ngất ngưởng như ông !

=> Niềm kiêu hãnh về bản thân. Vì lúc làm quan hay làm dân, ông vẫn làm hết sức mình. Lúc còn trẻ hay lúc về già, ông vẫn sống đẹp với tư tưởng phóng khoáng, với cá tính riêng. Ông không bị lôi kéo, ảnh hưởng bởi lề thói xã hội mà mạnh dạn vượt lên nó.

=> Với Nguyễn Công Trứ, ngất ngưởng khi phải vừa có thực danh, vừa có thực tài, bên cạnh đó tự ý thức mình đã có giới quan trên tầm xã hội rất nhiều. Ông có tất cả những điều đó, và ông được quyền tự tin với điều ông có.

 

Đánh giá 

Nghệ thuật

  • Độc đáo trong việc vận dụng thể loại hát nói, tạo nhạc điệu xuyên suốt tác phẩm, tạo dấu ấn.
  • Giọng điệu hóm hỉnh, khôi hài, phong thái tự tin, đĩnh đạc, cá tính mạnh hiếm có.
  • Sử dụng hàng loạt điển tích, điển cố, thể hiện hoàn chỉnh suy nghĩ, tư tưởng của bản thân và góp phần làm tăng tính khẳng định cho phong thái tác giả.
  • Cách kể hồi tưởng khiến tác phẩm thêm thú vị, lôi cuốn.

Nội dung

  • Bản lĩnh cá nhân, tư tưởng vượt thời đại, thái độ ngạo nghễ, nghênh ngang trước sự đời của Nguyễn Công Trứ.
  • Ý thức lớn lao về chí làm trai, trách nhiệm với giang sơn, đất nước, một lòng cống hiến, không màng danh lợi.
  • Phản ánh xã hội xưa lề thói, quy củ hà khắc, cách sống phàm tục, tư tưởng nhà Nho còn lỗi thời.

 

Người đóng góp
Comments to: Bài ca ngất ngưởng