Tìm hiểu chung

Tác giả

An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 – 1904) là nhà văn Nga kiệt xuất, sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ bên bờ biển A-dốp.

Tốt nghiệp Khoa Y trường Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va, Sê-khốp vừa làm bác sĩ, vừa viết báo, viết văn, tham gia công việc xã hội, giáo dục, văn hóa. Năm 1887, ông được nhận Giải thưởng Pushkin của Viện Hàn lâm khoa học Nga ; năm 1900 được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Sê-khốp được xem là đại biểu lớn cuối cùng của văn học hiện thực Nga nửa cuối thế kỉ XIX, nhà cách tân thiên tài về thể loại truyện ngắn và kịch nói.

Các tác phẩm tiêu biểu : Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6, Đảo Xa-kha-lin, Đồng cỏ, Hải âu (kịch nói),….

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Được sáng tác trong thời gian Sê-khốp dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta thuộc bán đảo Crưm, biển Đen.

Thể loại : truyện ngắn.

Chủ đề

Tác phẩm là lời phê phán gay gắt của Sê-khốp đối với lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận tri thức Nga cuối thế kỉ XIX ; phản ánh thực trạng xã hội bấy giờ, mang ý nghĩa triết lí sâu sắc ; qua đó đưa ra lời thức tỉnh mọi người nên từ bỏ lối sống ấy ngay lập tức.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

  • Chân dung nhân vật Bê-li-cô :
    • “…, thậm chí cả vào khi rất đẹp trời, hắn đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông” ; “Hắn đeo kính râm, mặc áo bông chần, lỗ tai nhét bông” => Cách ăn mặc quái dị, khác người.
    • “…, con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài” => Tính cách khép kín với khát vọng kì dị.
    • “…, ghê tởm đối với hiện tại, lúc nào hắn cũng ca ngợi quá khứ” => Hay lo lắng, sợ hãi cuộc sống.
    • “- Ồ, tiếng Hi Lạp nghe thật tuyệt vời, êm tai” => Say mê hết mực đối với tiếng Hy Lạp.
    • “Đối với hắn, chỉ có những chỉ thị, thông tư, những bài báo cấm đoán điều này điều nọ mới là những cái rõ ràng” => Cứng nhắc, rập khuôn.

==> Không chỉ qua ngoại hình, cách ăn mặc mà ngay cả tính cách cũng thể hiện Bê-li-cốp là một con người kì lạ, bạc nhược và cố chấp lạc hậu.

  • Ảnh hưởng đến tinh thần và hoạt động của các giáo viên và người dân thành phố :
    • “Bọn giáo viên chúng tôi đều sợ hắn. Thậm chí cả hiệu trưởng cũng sợ hắn” => Cách hành xử khác người khiến mọi người đều không muốn đến gần hay trò chuyện với Bê-li-cốp.
    • “Dưới ảnh hưởng của những kẻ như Bê-li-cốp … dạy hoc chữ,…” => Người dân trong thành phố đều ghét, không muốn nhìn hay gặp gỡ Bê-li-cốp bởi tính cách kì dị của hắn.

Câu 2

  • Nguyên nhân cái chết của Bê-li-cốp : bị ngã lộn nhào xuống cầu thang, bị biến thành trò cười của Va-ren-ca => vừa bị thương vừa bị mất mặt khi bị cười nhạo khiến Bê-li-cốp không đi chữa vết thương.
  • Thái độ, tình cảm của mọi người đối với Bê-li-cốp :
    • Lúc y còn sống : xa lánh, sợ hãi, chán ghét.
    • Lúc y qua đời :
      • Ban đầu mọi người đều cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, thoải mái.
      • Chưa đầy một tuần sau, cuộc sống lại trở về như cũ : vô vị, nặng nề, mệt nhọc.

==> Lối sống khép kín với cuộc sống nhàm chán, nặng nề đã ảnh hưởng sâu sắc đối với một bộ phận tri thức Nga trong xã hội lúc bấy giờ.

Câu 3

  • Biểu tượng “cái bao” :
    • Nghĩa đen : vật đựng đồ.
    • Nghĩa bóng : chỉ lối sống thu mình, khép kín, bọc mình trong một lớp vỏ vô hình để tránh né xã hội bên ngoài.
  • Chủ đề tư tưởng của tác phẩm :
    • Phê phán lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ, ích kỉ của một bộ phận tri thức Nga.
    • Cảnh tỉnh người dân Nga phải lập tức từ bỏ lối sống vô vị, tầm thường trên để thay đổi cuộc sống của bản thân.

Câu 4

Đặc sắc về nghệ thuật :

  • Nghệ thuật xây dựng biểu tượng và nhân vật điển hình.
  • Giọng kể chậm rãi pha ý giễu cợt. châm biếm, mỉa mai.
  • Cốt truyện giản dị, phản ánh chân thực thực trạng của đất nước và người dân Nga, chứa đựng triết lí sâu sắc.

Câu 5

Ý nghĩa thời sự của truyện ngắn “Người trong bao” : Xã hội hiện đại bây giờ vẫn còn tồn tại “người trong bao” – sống tách biệt với ngoại hình quái dị và tính cách cứng nhắc, hèn nhát. Họ không chịu tiếp thu cái mới, vẫn giữ những suy nghĩ bảo thủ, lạc hậu.

==> Ý nghĩa phê phán trong tác phẩm vẫn có giá trị cho đến tận bây giờ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Người trong bao