Tìm hiểu chung

Tác giả

Cuộc đời

  • Tản Đà (1889 – 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Quê ông nằm ở bờ sông Đà, gần núi Tản Viên, vì thế ông lấy bút danh là Tản Đà.
  • Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nhưng hai lần thi Hương đều không đỗ. Ông chuyển sang viết báo, viết văn và là người đầu tiên ở nước ta sống bằng nghề viết văn, xuất bản.
  • Ông có ý tưởng cải cách xã hội theo con đường hợp pháp, dùng báo chí làm phương tiện.
  • Ông sống phóng túng, từng nếm đủ mùi cay đắng hay vinh hạnh và vẫn luôn giữ được cốt cách nhà nho cũng như phẩm chất trong sạch.

Sự nghiệp sáng tác

  • Trong thơ của Tản Đà là những điệu tâm hồn mới mẻ, “cái tôi” lãng mạn, bay bổng, vừa phóng khoáng vừa ngông nghênh, vừa cảm thương vừa ưu ái.
  • Giữa lúc thơ phú nhà nho tàn cuộc, ông đã tìm về ngọn nguồn thi ca dân tộc, đưa ra những sáng tạo độc đáo, tài hoa. Thơ của ông được xem như là dấu gạch nối giữa hai thời đại văn học nước nhà: trung đại và hiện đại. 
  • Tản Đà được nhớ đến như là “người dạo bản đàn mở đầu cho cuộc hòa nhạc tân kì đương sắp sửa” (Hoài Thanh).
  • Các tác phẩm tiêu biểu: Giấc mộng lớn (1928), Khối tình con I,II,III (1916 – 1918 – 1932), Tây Thi (tuồng),….

Tác phẩm

Xuất xứ

In trong tập “Còn chơi” (1921).

Bố cục

4 phần

  • Phần 1 (câu đầu đến câu 20 “Trời đã sai gọi thời phải lên”): Lý do và thời điểm lên đọc thơ hầu Trời.
  • Phần 2 (câu 21 đến câu 68 “Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”): Cuộc đọc thơ cho Trời và chư tiên giữa chốn thiên môn đế khuyết.
  • Phần 3 (câu 69 đến câu 98 “Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết !”): Tâm tình với Trời về tình cảnh khốn khó của nghề viết văn và thực hành thiên lương ở hạ giới.
  • Phần 4 (còn lại): Phút chia ly xúc động giữa nhà thơ với Trời và chư tiên.

Chủ đề

Miêu tả lí do và thời điểm lên đọc thơ hầu Trời, từ đó bộc lộ cái tôi tài hoa, phóng túng và khao khát được khẳng định giữa cuộc đời. 

Thể loại

Thơ thất ngôn trường thiên.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

Câu hỏi: Hãy phân tích khổ thơ đầu, cách vào đề của bài thơ gợi cho người đọc cảm giác như thế nào về câu chuyện mà tác giả sắp kể?

  • Cách vào đề độc đáo, nửa thật nửa giả, “chẳng biết có hay không” nhưng lại “thật hồn”, “thật phách”, “thật được lên tiên”.
  • Từ “thật” được lặp lại bốn lần cùng với hàng loạt dấu chấm cảm cho ta cảm giác tác giả chuẩn bị kể một câu chuyện chính ông đã trải qua, nhưng đó lại là một câu chuyện “lên tiên” hư cấu, khó có thể tin được.

\rightarrow Cách bắt đầu mâu thuẫn nhưng lại vô cùng thú vị, lôi cuốn, kích thích sự tò mò của người đọc.

Câu 2

Câu hỏi: Tác giả đã kể lại chuyện mình đọc thơ cho Trời và chư tiên như thế nào? Qua đoạn thơ đó, anh (chị) cảm nhận được điều gì về cá tính của nhà thơ và niềm khao khát chân thành cuat thi sĩ?

  • Tác giả kể lại chuyện ông đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe một cách đắc ý, hào hứng: đọc từ văn vần đến văn xuôi, từ văn thuyết rồi đến văn chơi, “đọc đã thích”.
  • Trời khen: “Văn thật tuyệt”, “Văn trần được thế chắc có ít”,….
  • Thái độ chư tiên: “lè lưỡi”, “chau đôi mày”, “lắng tai đứng”, “cùng vỗ tay”, “tranh nhau dặn: ‘Anh gánh lên đây bán chợ Trời !’ “.

\rightarrowTrời và chư tiên đều tỏ ra hứng thú, chăm chú lắng nghe khi tác giả đọc thơ.

\rightarrow Trời và chư tiên đều công nhận và nể phục tài đọc thơ của tác giả.

Câu 3

Câu hỏi: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong bài thơ lại có một đoạn rất hiện thực. Đó là đoạn thơ nào? Tìm hiểu ý nghĩa của đoạn thơ đó. Hai nguồn cảm hứng này ở thi sĩ Tản Đà có mối liên hệ với nhau như thế nào?

Đoạn thơ mang tính hiện thực:

  • “Dạ, bẩm lạy Trời …. nước Nam Việt” => Tác giả giới thiệu tên họ, quê quán có thứ tự, đầy đủ => Nói lên lòng yêu nước, yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc của tác giả.
  • “Bẩm Trời, cảnh con …. bốn năm chiều” => Tác giả nói rõ hoàn cảnh cuộc sống của bản thân cùng với nhiệm vụ thực hành “thiên lương” nơi trần giới.

\rightarrow Từ hai đoạn thơ trên, ta thấy được dù cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn nhưng Tản Đà không hoàn toàn thoát ly hiện thực mà khéo léo lồng ghép chúng vào tác phẩm.

\rightarrow Cảm hứng lãng mạn và yếu tố hiện thực luôn tồn tại song song, gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời đối với thi sĩ.

Câu 4 

  • Thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, không bị gò bó bởi quy tắc gieo vần chặt chẽ như những thể thơ Đường luật.
  • Ngôn ngữ gần gũi, giản dị, không hoa mĩ nhưng có hiệu quả biểu đạt cao.
  • Cách kể chuyện tự nhiên, sống động, hóm hỉnh.
  • Yếu tố hư cấu và hiện thực đan xen, thông qua yếu tố hư cấu mà tác giả phóng túng bộc lộ tài hoa của bản thân.

Đọc – hiểu tác phẩm

Phần 1

“Đêm qua chẳng biết có hay không,

Trời đã sai gọi thời phải lên.”

Thời điểm

“Đêm qua chẳng biết có hay không,

Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.

Thật hồn ! Thật phách ! Thật thân thể !

Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.”

  • Cách mở đầu hấp dẫn, lôi cuốn, nửa hư nửa thực gợi sự tò mò, hứng thú của người đọc.
  • Điệp ngữ “thật” lặp lại bốn lần kết hợp với dấu chấm cảm liên tiếp, nhịp thơ dồn dập => tạo thành những lời khẳng định chắc nịch khiến câu chuyện dù khá huyễn hoặc, như bịa đặt nhưng dường như lại giống như có thực.
  • “Thật được lên tiên – sướng lạ lùng”: khác với người thường sẽ bàng hoàng, sợ hãi, tâm trạng của nhân vật trữ tình là sung sướng đến lạ lùng, có phần chờ mong.

\rightarrow Cách bắt đầu độc đáo, duyên dáng như báo trước cho người về một câu chuyện li kì, hấp dẫn không thể bỏ qua.

Lí do

  • Biện pháp ngoa dụ “Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” :  tô đậm ấn tượng của người đọc về một giọng ngâm vừa có âm cao, vừa có độ dài, vang vọng cả con sông Ngân Hà trên trời.
  • “Trời đã sai gọi thời phải lên”: giọng thơ ngông nghênh, tự đại, cho rằng mình đọc thơ khiến Trời phải chú ý, thưởng thức mà sai lên đọc.

Phần 2

“Theo hai cô tiên lên đường mây

Sông Đà núi Tản nước Nam Việt.”

Tác giả lên hầu Trời

  • Không gian, cảnh vật nơi tiên cảnh hiện ra: “đường mây”, “cửa son đỏ chói”, “Thiên môn đế khuyết”, “Ghế bành như tuyết vân như mây”,…. => Nghệ thuật liệt kê khiến Thiên đình thêm phần rực rỡ, quý phái.
  • Không gian bao la, sang trọng không phải ai cũng có cơ hội được tận mắt nhìn thấy đừng nói chi đến được lên để đọc thơ cho Trời nghe và được mời ngồi “Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy”.

\rightarrow Cách miêu tả làm nổi bật cái ngông của tác giả.

Tác giả đọc thơ hầu Trời

  • Thái độ của thi nhân

Giọng thơ hóm hỉnh, hài hước, ngông cuồng: “đắc ý đọc đã thích”, “Chè Trời nhấp giọng càng tốt hơi”, “Văn dài hơi tốt rang cung mây” => Tác giả đọc thơ một cách say sưa, cao hứng và có phần tự đắc. 

  • Thái độ của Trời và chư tiên
    • “Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay”, “Trời nghe Trời cũng bật buồn cười !”, “Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt ! – Văn trần được thế chắc có ít !” : đến Trời cũng phải tán thưởng, khẳng định tài năng làm thơ của tác giả.

“Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi

Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày

Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng

Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay”

    • “Nở dạ” tức là mở mang nhận thức về cái mới; “lè lưỡi” biểu hiện sự bất ngờ; “chau đôi mày” chứng tỏ đang tưởng tượng; “lắng tai đứng” ngây ra để nghe => Chư tiên đối với văn của tác giả vô cùng tán thưởng, hâm mô => Biểu hiện của chư tiên khẳng định tài hoa viết văn hay của tác giả.

\rightarrow Những phản ứng thích thú, ngưỡng mộ của Trời và chư tiên đan xen vào nhau làm cho cảnh đọc thơ diễn ra sôi nổi, hào hứng,…

Phần 3

Quan niệm về tài thơ

  • Tác giả thể hiện tài năng thơ văn của mình một cách tự nhiên thông qua câu chuyện tưởng tượng.
  • “Văn dài hơi tốt rang cung mây – Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay”, “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”, “Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt … Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết !”” => Được Trời khen là lời khẳng định có sức nặng, không thể phủ định về tài hoa văn chương của tác giả.

\rightarrow Tản Đà vừa tự phô diễn tài năng, vừa tự khen bản thân thông qua lời của Trời => Thể hiện ý thức cá nhân cả tác giả về cái tôi tài năng của chính mình.

Quan niệm về nghề văn

  • Văn chương là một nghề để kiếm sống: “Nhờ Trời văn con còn bán được”, “Anh gánh lên đây bán chợ Trời”,…. => Quan niệm mới mẻ lúc bấy giờ.
  • Khát vọng, ý thức sáng tạo trong nghề văn: người viết văn phải luôn có nhận thức phong phú, làm mới bản thân, phải viết được đa dạng thể loại.
  • Tấu trình nguồn gốc bản thân: yếu tố hiện thực trong câu chuyện tưởng tượng: “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn – Quê ở Á Châu về Địa cầu – Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”
    • Giới thiệu họ tách với tên.
    • Nói rõ châu lục, hành tinh, quê quán.

\rightarrow Thể hiện lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nguồn gốc.

    • Cách giới thiệu mang nét riêng, khác với các danh sĩ khác:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

(Đọc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du)

hay

“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lòng”

(Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ)

hoặc

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

(Mời trầu – Hồ Xuân Hương)

Phần 4

  • “Chư tiên … tiễn biệt” : chư tiên tiễn biệt nhà thơ.
  • “Sao … Trời !” : khẳng định một lần nữa tài năng, sự tự tin của tác giả.

Tổng kết

Nội dung

  • Tản Đà đã mạnh dạn biểu hiện cái tôi cá nhân – một “cái tôi” ngông cuồng, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của bản thân, góp phần làm nổi bật cái hay, cái mới của tác phẩm.
  • Giá trị hiện thực (theo tác giả con người phải có “thiên lương”; cuộc đời của chính tác giả) đan xen với cảm hứng lãng mạn khẳng định vị trí thơ Tản Đà giữa hai thời đại thơ ca.

Nghệ thuật

  • Lối kể dân dã, bình dị, gần gũi, cảm xúc phóng túc, tự do
  • Giọng thơ hài hước, thoải mái, tự nhiên.
  • Cách sử dụng từ ngữ giản dị, sinh động, nhưng cũng không kém phần tinh tế làm nổi bật cái tôi tài hoa cũng như nét mới trong thi pháp so với thơ ca trung đại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Hầu trời