Định nghĩa

Tiểu sử tóm tắt là văn bản thông tin một cách khách quan, trung thực những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một cá nhân.

Ví dụ: tiểu sử nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhà thơ, giáo viên,….

Mục đích, yêu cầu

Mục đích

  • Tiểu sử tóm tắt nhằm giới thiệu cho người đọc, người nghe về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến của người được nói tới.
  • Giúp các nhà quản lí tìm hiểu, theo dõi và sắp xếp, phân công công việc hợp lí.
  • Giúp chúng ta trong việc lựa chọn bạn bè, giới thiệu cán bộ lãnh đạo.
  • Hiểu đúng, hiểu sâu hơn các sáng tác của các nhà văn, nhà thơ.

Yêu cầu

  • Thông tin khách quan, chính xác, ghi cụ thể, chính xác những số liệu, mốc thời gian, thành tích, đóng góp nổi bật của người được nói đến.
  • Nội dung và độ dài cần phù hợp với mục đích viết.
  • Văn phong cần cô đọng, trong sáng, không sử dụng các biện pháp tu từ.

Cách viết tiểu sử tóm tắt

Câu 1

a.

  • Cuộc đời
    • Lương Thế Vinh sinh năm 1442, chưa biết năm mất, dân gian gọi là Trạng Lường, quê gốc ở tỉnh Nam Định.
    • Từ nhỏ nổi tiếng là thần đồng, chưa đầy 20 tuổi ông đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam. Năm 21 tuổi (1463), ông đỗ Trạng nguyên.
  • Sự nghiệp
    • Được vua giao soạn thảo các văn bản từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài.
    • Ông đã biên soạn cuốn “Đại thành toán pháp” – cuốn sách giáo khoa về toán đầu tiên ở nước ta.
    • Lương Thế Vinh có nhiều đóng góp trong văn chương, nghệ thuật: chuyên phê bình, sửa chửa, nhuận sắc thơ trong Hội Tao đàn; biên soạn cuốn “Hí phường phả lục”.

b. Các tài liệu được lựa chọn đều chọn lọc, tiêu biểu, chính xác:

  • Về nhân thân: đầy đủ họ tên, tên tự, hiệu, quê quán gốc, học vấn.
  • Về tài năng: nhấn mạnh sự nổi tiếng về tài hoa, thông minh của Trạng Lường từ khi còn nhỏ, đạt được Trạng nguyên khi chỉ mới 21 tuổi.
  • Về các đóng góp trong chính trị và nghệ thuật: các cuốn sách Lương Thế Vinh đã biên soạn về toán học và nghệ thuật hát kịch cổ truyền.

c. Để chuẩn bị cho bài viết cân sưu tầm những tài liệu về: 

  • Nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, gia đình, học vấn,…).
  • Hoạt động xã hội: làm gì, ở đâu, mối quan hệ với mọi người,…
  • Những đóng góp, thành tựu tiêu biểu.
  • Các đánh giá của người cùng thời hay đời sau.

=> Những tài liệu trên cần đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, tính khách quan, chân thực, tiêu biểu.

Câu 2

  • Bài viết trên gồm những nội dung và được sắp xếp theo thứ tự: nhân thân, hoạt động tiêu biểu, những đóng góp trong các lĩnh vực, đánh giá chung.
  • Những lưu ý:
    • Về nội dung: cần chính xác, chân thực.
    • Về mức độ: tiêu biểu nhất.
    • Cách đánh giá: khách quan, ngắn gọn.

Luyện tập

Bài 1

  • Trường hợp cần viết tiểu sử tóm tắt: 

c. Giới thiệu người ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

d. Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.

  • Các trường hợp còn lại:

a. Văn thuyết minh.

b. Viết sơ yếu lí lịch bản thân.

e. Viết điếu văn.

Bài 2

  • Giống nhau: Đều viết về một cá nhân nào đó.
  • Khác nhau:
    • Tiểu sử tóm tắt: thông tin một cách khách quan, trung thực về những nét cơ bản trong cuộc đời và sự nghiệp; sử dụng văn phong trong sáng, không sử dụng biện pháp tu từ.
    • Điếu văn: ngoài tiểu sử tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp còn cần thêm phần thể hiện tình cảm và sự tiếc thương của người viết dành cho người mất.
    • Sơ yếu lí lịch: tự kê khai về thân nhân bản thân, tự đánh giá bản thân.
    • Thuyết minh: thông tin cần khách quan, hữu ích, thực dụng; có thể dùng để viết về các sự vật, hiện tượng xã hội.

Bài 3

Huy Cận

(1919 – 2005)

Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Đức Ân, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh.

Thuở nhỏ, Huy Cận học ở quê, rồi vào Huế học đến hết trung học. Năm 1939, ông ra Hà Nội học ở Trường Cao đẳng Canh nông. Từ năm 1942, Huy Cận tích cực hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Ông tham dự Quốc dân đại hội Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc. Sau Cách mạng tháng Tám, ông liên tục tham gia chính quyền cách mạng, giữ nhiều trọng trách khác nhau: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hóa – Nghệ thuật tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng,…

Huy Cận yêu thích thơ ca Việt Nam, thơ Đường và chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp. Ông là một trong những tác giả xuất sắc của phong trào Thơ mới. Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại và đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996). Các tác phẩm tiêu biểu của Huy Cận gồm Lửa thiêng (1940), Kinh cầu tự (1942), Vũ trụ ca (1940 – 1942),…

Sự nghiệp cách mạng của Huy Cận song hành cùng sự nghiệp thơ ca. Cách mạng hay chính trị không làm cho thơ của ông trở nên cứng nhắc mà ngược lại càng khiến cho các tác phẩm có hồn hơn. “Huy Cận lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thì người lại có thể đúc thành bao châu ngọc. Ai có ngờ những bước chân đã tan trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích không bao giờ tan được…” – có người đã đánh giá như thế về thơ của thi nhân.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Tiểu sử tóm tắt