Tìm hiểu chung
Tác giả


Nguyễn Huy Tưởng (1912- 1960)
Quê quán : làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Đông Anh, Hà Nội)
Cuộc đời : Xuất thân trong một gia đình nhà nho, từ sớm đã tham gia cách mạng hoạt động trong những tổ chức văn hóa văn nghệ do Đảng tổ chức
Tác phẩm chính:
- Kịch: Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Những người ở lại,…
- Tiểu thuyết: Đêm hội Long Trì, An Tư, Sống mãi với thời gian,…
- Kí: Kí sự Cao- Lạng,…
Phong cách nghệ thuật
- Thiên hướng khai thác các đề tài lịch sử
- Đóng góp lớn nhất ở hai thể loại: tiểu thuyết, kịch
- Văn phong giản dị, trong sáng, đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc
Tác phẩm
Xuất xứ
- Là vở bi kịch lịch sử năm hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng 1516-1517, dưới triều vua Lê Tương Dực
- Tác phẩm viết xong vào mùa hè năm 1941, đề tựa tháng 6-1942
- Năm 1943-1944, sửa lại thành 5 hồi
- Đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài là hồi V của vở kịch


Tóm tắt
Vũ Như Tô, một kiến trúc sư thiên tài, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân, cho nên mặc dù bị Lê Tương Dực doạ giết, Vũ Như Tô vẫn ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân và kiên quyết từ chối xây Cửu Trùng Đài – (hồi I).
Đan Thiềm, một cung nữ đã thuyết phục Vũ Như Tô chấp nhận yêu cầu của Lê Tương Dực, lợi dụng quyền thế và tiền bạc của hắn, trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một toà lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao”, có thể “tranh tinh xảo với hoá công” để cho dân ta nghìn thu còn hãnh diện.
Theo lời khuyên, Vũ Như Tô đã thay đổi thái độ, chấp nhận xây Cửu Trùng Đài. Từ đó, ông dồn hết tâm trí và bằng mọi giá xây dựng toà đài sao cho thật hùng vĩ, tráng lệ. Ông đã vô tình gây biết bao tai hoạ cho nhân dân: Để xây dựng Cửu Trùng Đài, triều đình ra lệnh tăng thêm sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối. Dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt; thợ oán Vũ Như Tô bởi nhiều người chết vì tai nạn, vì ông cho chém những kẻ chạy trốn. Công cuộc xây dựng càng gần kề thành công thì mâu thuẫn giữa tập đoàn thống trị sống xa hoa, truỵ lạc với tầng lớp nhân dân nghèo khổ, giữa Vũ Như Tô với những người thợ lành nghề và người dân lao động mà ông hằng yêu mến càng căng thẳng, gay gắt (hồi II, III, IV). Lợi dụng tình hình rối ren và mâu thuẫn ấy, Quận công Trịnh Duy Sản – kẻ cầm đầu phe đối lập trong triều đình – đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài bị chính những người thợ nổi loạn đập phá, thiêu huỷ (hồi V).
Đọc – hiểu tác phẩm
Những xung đột chính của vở kịch
Mâu thuẫn thứ nhất: giữa nhân dân lầm than với phe hôn quân bạo chúa Lê Tương Dực
- Khi đất nước đang lụi tàn, nhân dân lầm than, Lê Tương Dực vẫn hoang phí hung bạo. Hôn quân muốn xây dựng một Cửu Trùng Đài lộng lẫy và tiếp tục bóc lột sức lao động, kể cả tính mạng của nhân dân
- Phe nổi loạn: dân chúng, thợ xây Cửu Trùng Đài, đứng đầu là Trịnh Duy Sản
- Đỉnh điểm mâu thuẫn trong hồi V được giải quyết khi Trịnh Duy Sản, Ngô Hạch giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và phá bỏ Cửu Trùng Đài
–> Mâu thuẫn giữa nhân dân và hôn quân được giải quyết vì phe của tên bạo chúa đã sụp đổ
Mâu thuẫn thứ hai: mâu thuẫn quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần thúy muôn đời và lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân
- Mâu thuẫn này có nguồn gốc từ nguyên nhân sâu xa: một nghệ sĩ thiên tài có khát vọng, hoài bão muốn mang cái đẹp đến cho đời, làm dân tộc tự hào nhưng đang sống trong một xã hội thối nát, người dân đói khổ triền miên trong lầm than
- Hoàn cảnh đất nước không tạo điều kiện cho Vũ Như Tô thực hiện điều đó
- Vũ Như Tô nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm mượn uy quyền, tiền bạc của hôn quan Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng xây dựng công trình nguy nga
- Niềm khao khát sáng tạo, cống hiến lại đối nghịch với thực trạng lợi ích và mong muốn của nhân dân.
–> Mâu thuẫn này mãi đến cuối tác phẩm kịch vẫn không thể giải quyết. Vì đây là mẫu thuẫn trong chính tư tưởng của người nghệ sĩ, tuy hướng về cái đẹp nhưng không nhận ra bản chất thực sự của cái đẹp- chỉ khi gắn với cuộc sống của nhân dân. Vũ Như Tô đến lúc chết vẫn không nhận ra sai lầm của mình.
Tuyến nhân vật
Vũ Như Tô
- Là kiến trúc sư thiên tài, hiện thân cho niềm khao khát, say mê và kiến tạo cái đẹp
- Tài năng được thể hiện qua lời nhân vật khác nhận xét về ông: ngàn năm chưa dễ có một, có thể dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây…
- Là nghệ sĩ có nhân cách cao cả, chí lớn, có lý tưởng nghệ thuật
- Dù bị dọa giết nhưng Vũ Như Tô vẫn vạch trần bộ mặt hôn quân của Lê Tương Dực và kiên quyết từ chối xây Cửu Trùng Đài
- Ông không phải người hám lợi
- Ông có lí tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô chân chính, cao siêu
- Nhưng ông không nhìn vào thực tế rằng Cửu Trùng Đài được xây bằng xương máu, nước mắt của nhân dân
–> Vũ Như Tô có khát vọng vươn tới cái đẹp nhưng mâu thuẫn với hiện thực, suy nghĩ và hành động của ông có sự sai lầm
Đan Thiềm
- Là người mê cái đẹp, sự siêu việt của người sáng tạo nghệ thuật và sáng tạo ra cái đẹp
- Vì đam mê tài năng và cái đẹp mà nàng luôn động viên Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, sẵn sàng hi sinh bản thân mình để bảo vệ cái tài ấy
- Đan Thiềm là người tri âm, tri kỉ của Vũ Như Tô
- Đan Thiềm tỉnh táo, sáng xuất trong mọi trường hợp: biết chắc chắn việc xây Cửu Trùng Đài không thành nên Đan Thiềm nhiều lần giục Vũ Như Tô chạy trốn
- Nàng sẵn sàng đổi mạng sống lấy sự an toàn của Vũ Như Tô
–> Là người hướng về cái đẹp hưng cũng không có cái nhìn và tư tưởng thấu đáo
Đánh giá
Nghệ thuật
- Thuộc thể loại bi kịch, đưa ra mâu thuẫn mà không giải quyết mẫu thuẫn (điều đó thuộc về vấn đề tư tưởng của mỗi người)
- Ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao
- Dùng ngôn ngữ hành động nhân vật để khắc họa tính cách, miêu tả tâm trạng, dẫn dắt và đẩy xung đột kịch đến cao trào.
Nội dung
- Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thủa về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân
Luyện tập
Lời đề tựa kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng viết:
“Than ôi ! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải ? Ta chẳng biết.
Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm. “
- Chính bản thân tác giả tự nhận “chẳng biết” nhân vật Vũ Như Tô hay những kẻ đối đầu với Vũ Như Tô – với cái đẹp, mới là người đúng. Bởi lẽ, trong câu chuyện và hoàn cảnh này, ta nhìn nhận được cái sai trong tư tưởng của Vũ Như Tô, dù ông yêu cái đẹp, nhưng cái đẹp phải gắn với hiện thực, với đời sống của nhân dân. Cái đẹp hoa mĩ, phù phiếm mà còn lấy đi sức lực và của cải của dân, thì đó không phải cái đẹp thực sự.
- Nguyễn Huy Tưởng còn tự nhận mình “cùng một bệnh với Đan Thiềm“, đó là bệnh yêu cái đẹp, yêu những con người lí tưởng, hướng về cái đẹp. Nên Vũ Như Tô, cùng với lời động viên của Đan Thiềm đã tiến hành xây dựng Cửu Trùng Đài mà không suy nghĩ tới cùng. Đó là một điều khá nuối tiếc cho một tài năng hiếm có. Nếu là tác giả, vì trước sức mạnh của cái đẹp, ông cũng sẽ cùng một bệnh với Đan Thiềm.
No Comments
Leave a comment Cancel