Tìm hiểu chung

Tác giả

Sinh năm 1765, mất năm 1820.

Cuộc đời

Một cuộc đời thăng trầm, nhưng chính những điều này đã giúp Nguyễn Du có vốn sống và tư tưởng để làm nên một đỉnh cao văn học. Đó chính là Truyện Kiều

  • Gia đình có nhiều người làm quan. 
  • Quê hương:
    • Sinh ra ở Thăng Long
    • Quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ ở Bắc Ninh, quê vợ ở Thái Bình. 
  • Thời đại:
    • Chiến tranh liên miên.
    • Cuộc sống xã hội điêu đứng.
    • Thân phận con người thê thảm. 

Sự nghiệp văn học

Các sáng tác chính
  • Sáng tác chữ Hán:
    • Thanh Hiên thi tập
    • Nam trung tạp ngâm
    • Bắc hành tạp lục
  • Sáng tác chữ Nôm
    • Truyện Kiều
    • Văn chiêu hồn
Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Du:
  • Sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh.
  • Đề cao hạnh phúc của con người tự nhiên trần thế

Tác phẩm

Vị trí đoạn trích

Nằm từ câu 2213 đến câu 2230 trong tác phẩm Truyện Kiều.

Hoàn cảnh

Cuộc đời của Kiều dường như lại bế tắc khi rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Nhưng may mắn thay, Từ Hải đã xuất hiện và là người cứu Kiều ra khỏi sự ô nhục ấy. Hai người sống hạnh phúc cùng nhau. Thế nhưng Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm ấy. Chàng muốn mình phải có sự nghiệp lớn hơn nên sau nửa năm, chàng từ biệt Kiều ra đi.

Bố cục

  • Phần 1: 4 câu đầu → Khát vọng lên đường của Từ Hải.
  • Phần 2: 12 câu tiếp theo → Lý tưởng anh hùng của Từ Hải.
  • Phần 3: 2 câu cuối → Hình ảnh Từ Hải lên đường.

Đọc – hiểu văn bản

Khát vọng lên đường của Từ Hải

Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong

  • Thời điểm hiện tại:
    • Nửa năm: thời gian Thúy Kiều và Từ Hải bên nhau.
    • hương lửa: thời xưa, nam nữ khi thề nguyền tình yêu chung thủy thường thắp đèn châm hương để cáo trời, đất, thần linh. Chính vì thế, hương lửa dùng để chỉ tình yêu.
    • êm đềm: cuộc sống rất hạnh phúc.

⇒ Đây là khoảng thời gian mà Thúy Kiều và Từ Hải đã có một cuộc sống đầy êm đềm, hạnh phúc. 

Liên hệ mở rộng: Nguyễn Du đã miêu tả niềm hạnh phúc của họ qua hai câu thơ sau: 

Trai anh hùng gái thuyền quyên

Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng

(Truyện Kiều – Nguyễn Du) 

⇒ Trước khi gặp gỡ và quen Thúy Kiều, Từ Hải đã là một bậc trượng phu. Cũng như bao người khác, trong lòng chàng luôn khao khát được tạo dựng sự nghiệp lớn. Cuộc hôn nhân với Thúy Kiều như là một điểm dừng chân cho chàng trong hành trình này. Chính vì thế, sau sáu tháng mặn nồng cùng Thúy Kiều, chàng quyết định từ biệt Kiều ra đi.

  • Hình ảnh nhân vật Từ Hải tràn trề khát vọng lên đường:
    • động lòng bốn phương: từ ngữ ước lệ chỉ chí khí anh hùng, tung hoành thiên hạ. 
    • trượng phu: là người đàn ông có chí khí, là bậc anh hùng.
    • thoắt: nhanh chóng trong khoảnh khắc bất ngờ → chỉ sự kiên quyết, dứt khoác của Từ Hải.
    • trông vời trời bể mênh mang: nhìn xa trông rộng → cái nhìn ẩn chứ sự sấng suốt và suy nghĩ phi thường.
    • thanh gươm: hình ảnh tượng trưng cho danh dự, tài năng, giấc mơ công lý, chính nghĩa.
    • yên ngựa: là hành lý đi xa của người anh hùng.

thanh gươm yên ngựa: là hình ảnh đặc trưng của người anh hùng, là biểu tượng đẹp của tư thế hiên ngang, sẵn sàng lên đường.

⇒ Từ Hải không phải là một con người tầm thường mà là một con người của sự nghiệp anh hùng. Đang có một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc nhưng vì ý nguyện lập công danh, sự nghiệp mà bỏ lại tất cả để lên đường thực hiện tâm nguyện của mình.

⇒ Hình ảnh người anh hùng Từ Hải được khắc họa đậm nét là một bậc đại trượng phu, một biểu tượng của người anh hùng. Chàng chợt động lòng bốn phương, nhanh chóng dồn toàn tâm toàn ý hướng về trời biển mênh mang. Trong cái nhìn ấy ẩn chứa một sự sáng suốt, một suy nghĩ phi thường:

Chí làm trai nam bắc tây đông

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

(Nguyễn Công Trứ)          

Cuộc đối thoại của Thúy Kiều và Từ Hải

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

  • Xưng hô chàng – thiếp: tình cảm mặn nồng, tha thiết.
  • Phận gái chữ tòng: Theo quan niệm của đạo Nho, bổn phận của vợ là phải theo chồng,…:

Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử

  • Cũng một lòng xin đi: quyết tâm được đi cùng chồng dù phải trải qua nhiều gian nan, vất vả.

⇒  Kiều muốn đi theo để tiếp sức, chia sẻ, gánh vác công việc với chồng. Nàng không chỉ ý thức được bổn phận của người vợ, thể hiện tình yêu với chồng mà còn hiểu, khâm phục và kính trọng Từ Hải.

⇒ Thúy Kiều xứng đáng là tri kỉ bậc anh hùng.

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia

Bằng nay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì?”

  • tâm phúc tương tri: hai người đã hiểu lòng dạ nhau, tức là họ đã thấu hiểu nhau sâu sắc.
  • Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?: 
    • Chàng từ chối mong muốn của Kiều.
    • Hàm ý như trách khéo nàng vẫn chưa thoát khỏi tình cảm nữ nhi thường tình.
    • Khuyên Thúy Kiều vượt lên trên tình cảm thông thường trở thành vợ của một người anh hùng.

→ Đó là tình cảm chân thành mà Từ Hải dành cho Thúy Kiều.

  • Mười vạn tinh binh, tiếng chuông dậy đất, bóng tinh rợp đường: hình ảnh ước lệ thể hiện ngày trở về tưng bừng khí thế với quân đông, thế mạnh trong bóng cờ bay cùng tiếng chiêng dậy đất.

→ Đây như là niềm tin mãnh liệt của Từ Hải vào tương lai. Chàng có một quyết tâm, niềm tin sắt đá vào thành công trong tương lai.

  • rước nàng nghi gia: lời hứa đoàn viên: chàng sẽ trở về bên Kiều và cho Kiều một danh phận.

⇒ Người anh hùng có chí khí, có sự thống nhất giữa khát vọng phi thường và tình cảm sâu sắc với người tri kỉ của mình.

  • Bốn bể, không nhà: chỉ rõ ra thực tế gian nan, vất vả, khó khăn của buổi đầu lập nghiệp.
  • một năm: mốc thời gian cụ thể.

⇒ Khẳng định ý chí mạnh mẽ,bản lĩnh và sự tự tin vào bản thân của Từ Hải. Chàng có niềm tin rằng sau một năm nữa, mình sẽ thành công và quay trở về bên người vợ yêu thương.

Hình ảnh Từ Hải lên đường

  • Hành động: quyết lời, dứt áo ra đi 

⇒ Hành động dứt khoát, không do dự, không để tình cảm bịn rịn làm lung lạc và các bước ý chí của người anh hùng.

  • Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi: hình ảnh chim bằng là hình ảnh tượng trưng cho người anh hùng có lý tưởng cao đẹp, hùng tráng, phi thường, mang tầm vóc vũ trụ.

→ Nguyễn Du khắc họa Từ Hải như chim bằng cưỡi gió bay cao bay xa ngoài biển lớn.

⇒ Thể hiện ước mơ về người anh hùng lý tưởng của Nguyễn Du (là người có chân dung kì vĩ, có ý chí, khí chất tài năng và bản lĩnh phi thường.

Tổng kết

Nghệ thuật

  • Hình ảnh, từ ngữ chọn lọc.
  • Bút pháp ước lệ tượng trưng và cảm hứng vũ trụ.
  • Lời thoại trực tiếp của nhân vật.

Nội dung

Bề ngoài nói về một cuộc chia tay nhưng cuộc chia tay ấy mang hình ảnh của một con người đi làm việc nghĩa lớn. Qua đó, ta có thể thế mong ước, lí tưởng về người anh hùng của Nguyễn Du.

Người đóng góp
Nếu thích bài viết của Trần Nguyễn Nam Phương, hãy theo dõi trên
Comments to: Chí khí anh hùng