Tìm hiểu chung

Tác giả Nguyễn Thi

Nhà văn Nguyễn Thi (1928 – 1968)

Tiểu sử

  • Nguyễn Thi (1928 – 1968) tên thật là Nguyễn Hoàng Ca. Ông còn có bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, quê ở xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải Anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Cuộc đời

  • Ông mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ lại đi thêm bước nữa nên nên ông phải sống nhờ họ hàng và chịu vất vả, tủi cực từ nhỏ.
  • Năm 1943: ông theo người anh vào Sài Gòn, tự kiếm sống và đi học.
  • Năm 1945: ông tham gia cách mạng, gia nhập vào lực lượng vũ trang. Ông vừa làm công tác tuyên huấn, vừa hoạt động văn nghệ trong những năm kháng chiến chống Pháp.
  • Năm 1954: ông trở lại tập kết ra Bắc và công tác tại tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội.
  • Năm 1962: ông tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam và công tác tại Cục chính trị Quân giải phóng miền Nam. Ông cũng là một trong những thành viên sáng lập và phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng.
  • Ông hi sinh tại mặt trận Sài Gòn, trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Sự nghiệp văn chương

  • Ông từng hoạt động văn nghệ, công tác tại tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội.
  • Ông là một trong những thành viên sáng lập và phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng.
  • Ông là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ quân giải phóng miền Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ. Tuy sinh ra ở miền Bắc nhưng ông thấu hiểu và gắn bó sâu nặng với miền Nam ruột thịt.
  • Ông xứng đáng với danh hiệu Nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
  • Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lý nhân vật đầy sắc sảo. Văn phong của ông vừa giàu chất hiện thực, vừa đằm thắm chất trữ tình. Ông có khả năng tạo nên những nhân vật có cá tính mạnh mẽ.

Các tác phẩm tiêu biểu

  • Hương đồng nội (tập thơ, 1950)
  • Trăng sáng (tập truyện ngắn, 1960)
  • Đôi bạn (tập truyện ngắn, 1962)
  • Người mẹ cầm súng (tiểu thuyết, 1965)
  • Truyện và ký Nguyễn Thi (1978)

Các giải thưởng

  • Năm 2000: ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật.
  • Ngày 12/12/2011: ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tác phẩm

  • Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi.

Hoàn cảnh ra đời

  • Truyện ngắn ra đời trong khoảng thời gian kháng chiến chống Mĩ đang vào giai đoạn cam go, ác liệt. Thời đó, lý tưởng của thanh niên Việt Nam là ra chiến trường, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương. Trong những năm tháng khốc liệt và đau thương ấy, người dân Nam Bộ đã mạnh mẽ đứng lên chiến đấu. Họ nén lại đau thương, mất mát và lấy đó làm sức mạnh tinh thần, động lực để tiến lên đánh đuổi quân xâm lăng. Chính điều đó xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng hòa bình. Đồng thời, những phẩm chất kiên cường của những người con miền Nam cũng được khắc họa đậm nét. Đó chính là nguồn cảm hứng để tác giả Nguyễn Thi sáng tác nên truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.
  • Truyện ngắn được hoàn thành vào tháng 02/1966 trong những ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Tóm tắt

Truyện kể về gia đình của Việt, một chiến sĩ Giải phóng quân. Gia đình anh đều bị quân Mĩ – ngụy giết hại. Chính mối thù sâu nặng đó đã trở thành động lực và sức mạnh tinh thần để anh ra chiến trường chiến đấu đền nợ nước, trả thù nhà. Trong một trận đánh tại rừng cao su, anh bị thương nặng và lạc đồng đội. Anh đã ngất đi và tỉnh lại nhiều lần. Trong cái khoảnh khắc ấy, kí ức về má, về chị Chiến, chú năm, về đồng đội của mình và anh Tánh.

Việt nhớ lại lúc mà cả mình và chị Chiến tranh giành cơ hội được đi Tòng quân. Sau khi được chú Năm phân xử, chú nhất trí cho cả hai cùng đi. Trước khi đi, chị Chiến thu xếp mọi việc trong gia đình: gửi em út về chú Năm, nhà gửi cho các anh chị trong chi bộ để làm nơi dạy học, mảnh ruộng năm xưa ba má được chu cấp chia về cho các cô chú chi bộ cho các cô bác khác mần, đưa bàn thờ má sang gửi chú Năm.

Việt được tánh và đồng đội tìm thấy trong một lùm cây rậm và suýt nữa thì bị ăn đạn của “Cậu Tư”. Anh được đưa về điều trị tại một bệnh viện dã chiến, sức khỏe dần hồi phục. Anh muốn viết thư gửi cho chị Chiến nhưng không biết viết sao. Anh không muốn kể chiến công của mình vì anh tự cảm thấy nó chưa thấm gì so với thành tích của đơn vị và với mong ước của má.

Ý nghĩa nhan đề

Nhan đề Những đứa con trong gia đình mang nhiều ý nghĩa:

  • Trước hết, đứa con trong gia đình chính là chị Chiến, chị Hai và Việt. Họ là những đứa con sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và căm thù giặc Mĩ – ngụy đến vô cùng.
  • Những đứa con còn có thể được hiểu là những đứa con của đại gia đình miền Nam ruột thịt.

⇒ Nhan đề Những đứa con trong gia đình là sự gắn kết, gợi lên mối quan hệ riêng và chung, giữa nhà với nước. Chính sự kết hợp của truyền thống dân tộc và truyền thống gia tộc đã khơi gợi lên tình yêu nước nồng nàn, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho những đứa con chiến đấu vì miền Nam ruột thịt trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

Đọc – hiểu văn bản

Nhân vật Việt

  • Anh sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và có niềm căm thù quân Mĩ – ngụy sâu sắc:
    • Ông nội và bố đều bị giết hại.
    • Mẹ phải đương đầu với những hạch sách, đe dọa của bọn giặc nhưng  rồi cũng qua đời vì bom đạn của kẻ thù.
  • Anh là người có tính tình hồn nhiên, tinh nghịch:
    • Việt hay tranh giành với chị: Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành…
    • Chị Chiến không cho anh đi tòng quân: Tao lớn tao mới đi, mầy còn nhỏ, ở nhà phụ làm với chú Năm, qua năm hãy đi. Dỗi chị, khi chị tranh suất đi tòng quân với mình: Việt đá trái dừa rụng xuống mương cái đùng.
    • Khi sắp đi tòng quân, chị Chiến bảo Việt viết thư cho chị Hai. Việt đáp: Sắp đi tới nơi mà còn bắt viết thư.
    • Khi chị sắp xếp việc nhà, Việt mải chụp đom đóm, để chị Chiến toàn quyền quyết định việc nhà. Việt coi như đó là những lời mà má đã dặn chị. Việt nghĩ vậy, rồi ngủ quên lúc nào không biết.
    • Khi đi lính
      • Anh vẫn giắt theo cái ná thun.
      • Anh không khoe chị Chiến của mình với những anh em đồng đội. Bởi lẽ, anh sợ rằng chị mình sẽ bị những người đồng đội cướp đi bởi những lời trêu đùa, tán tỉnh.
      • Việt không sợ cái chết, không sợ bom đạn của kẻ thù, Việt chỉ sợ bóng tối, sợ con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thẳng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông.

→ Từ những ngày còn ở nhà, Việt đã thể hiện sự hồn nhiên của mình. Anh luôn tranh giành với chị trong mọi thứ. Anh tranh giành suất nhập ngũ với chị. Khi chị sắp xếp việc nhà, Việt vẫn mải mê chụp đom đóm và để chị toàn quyền quyết định mọi thứ. Khi đã ra chiến trường, anh vẫn giắt theo cái ná thun bên mình. Anh chỉ muốn giữ chị Chiến cho riêng mình. Thậm chí, Việt không sợ cái chết, chỉ sợ bóng tối, sợ ma.

⇒ Qua đó, ta có thể thấy được trong Việt vẫn còn những nét đẹp của một thanh niên trẻ tuổi: tính tình hồn nhiên, tinh nghịch và đầy vô tư.

  • Anh là người có tình yêu thương gia đình sâu đậm:
    • Khi tranh giành với chị đi tòng quân: Bộ mình chị biết đi trả thù à? Trong câu nói hồn nhiên, ngây ngô ấy chứa đựng rất nhiều tình yêu thương gia đình cùng khát khao nồng cháy muốn được đi tòng quân để trả thù cho ông, cha mẹ, đền nợ nước, giữ gìn bờ cõi quê hương.
    • Đối với má:
      • Kí ức về người thân, về gia đình luôn hiện hữu trong Việt, ngay cả khi anh ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Khi tỉnh dậy lần thứ tư, anh nhớ về má. Trong cái hoàn cảnh ấy, Việt mong ước được gặp má, được quay về những ngày còn ở nhà, còn có má bên cạnh… Những kỉ niệm về má dường như cuốn lấy tâm trí Việt: Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt ăn. 
      • Khi chị Chiến sắp xếp công việc nhà, Việt mải chụp đom đóm nhưng vẫn nghĩ đến má. Anh nghĩ: Hình như má cũng đã về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà cầm nón quạt? Việt tin rằng má đang về với chị em Việt, ngồi xem chị em Việt lúc này: Đêm nay, dễ gì má vắng mặt, má cũng phải về dòm ngó coi chị em Việt tính toán việc nhà làm sao chớ.
      • Khi đưa má sang ở tạm nhà chú Năm: Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về.

→ Việt đã dành rất nhiều tình cảm cho má. Cái tình cảm ấy sâu nặng và gắn bó đến vô cùng. Việt đã từng nói, chị em Việt đi đâu thì ba má đi theo đấy. Việt đã mang theo má trong trái tim mình, để má đồng hành cùng mình trong những lúc ở chiến trường. Tình cảm anh dành cho má vẫn luôn thường trực ở đó, tại một vị trí thật đặc biệt nơi trái tim anh.

    • Đối với chị Chiến:
      • Trong lúc đưa má sang nhà chú Năm, Việt thấy thương chị đến lạ: Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế.
      • Ở nơi chiến trường, Việt không dám khoe chị chiến cho những người đồng đội của mình. Anh giấu chị như giấu của. Anh sợ họ sẽ cướp đi người chị yêu thương của mình bằng những lời tán tỉnh đường mật.

→ Việt không bộc lộ tình cảm với chị Chiến quá nhiều nhưng chị Chiến cũng là người mà anh dành Tuy hành động của anh có vẻ vô tư nhưng ẩn sâu trong đó là tình yêu vô bờ bến mà anh dành cho chị Chiến.

  • Anh là người có ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường:
    • Ý chí của anh được thể hiện rõ trong lần đối thoại với chị Chiến về lời dặn của chú Năm:
      • Chị Chiến bảo: Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu.
      • Việt cười khì khì: Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị.

⇒ Thông qua cuộc đối thoại, ta có thể thấy được ý chí chiến đấu đầy kiên cường, bất khuất của Việt: anh sẽ không trở về khi chưa trả được mối thù cho cha mẹ mình. Dù hoàn cảnh có khó khăn, nghiệt ngã đến mức nào, Việt vẫn sẽ mạnh mẽ đương đầu và chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình.

    • Việt đi tòng quân để trả mối thù cho gia đình mình. Anh quyết tâm chiến đấu. Phải chiến đấu như thế nào để đền nợ nước, trả thù nhà. Phải chiến đấu để xứng đáng là một đứa con trong một gia đình có truyền thống cách mạng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
    • Khi đưa mẹ về ở nhà chú Năm, Việt cảm thấy rõ ràng mối thù Mĩ – ngụy trong lòng mình: Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.

⇒ Việt cảm nhận rõ mồn một mối thù thằng Mĩ – ngụy đang sục sôi trong người cậu. Việt chọn đi tòng quân để được ra chiến trường, cùng anh em đồng đội góp sức tiêu diệt Mĩ, trả được mối thù cho gia đình, đem lại tự do cho quê hương. Qua điều đó, ta có thể thấy được: Việt đã trưởng thành. Anh đã đủ tư chất và sẵn sàng ghi tên mình vào trang truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình.

      • Trong lúc chiến đấu, Việt bị thương. Tuy bị thương nhưng anh vẫn có thể phân biệt được đâu là tiếng súng của ta, đâu là tiếng súng của địch:
        • Việt ngóc dậy, nhận ra những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều,chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khỏi. Đúng súng của ta rồi!
        • Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm… chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy.
        • Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nở rộ.
      • Tuy đã kiệt sức, nhưng khi nghe thấy tiếng súng, tiếng kèn xung phong,… Việt bò đi. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. 
      • Dù đã kiệt sức, không bò đi được nhưng anh vẫn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Một ngón tay anh vẫn đang đặt ở cò súng, đạn đã lên nòng.

⇒ Chính niềm căm thù giặc đã rèn dũa, hun đúc cho Việt một tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất. Trong cái hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, anh vẫn có thể nhận ra được tiếng đạn, tiếng súng quen thuộc của anh em đồng đội đang chiến đấu anh dũng. Anh vẫn ra dáng một người lính, vẫn lên nòng súng, đặt một ngón tay ngay cò và sẵn sàng chiến đấu dù đang bị thương nặng. 

Nhân vật Chiến

  • Chị sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và có niềm căm thù quân Mĩ – ngụy sâu sắc:
    • Ông nội và bố đều bị giết hại.
    • Mẹ phải đương đầu với những hạch sách, đe dọa của bọn giặc nhưng cũng qua đời vì bom đạn.
  • Chiến mang vẻ đẹp khỏe khoắn của người con gái Nam Bộ:
    • hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng
    • thân người to và chắc nịch 

⇒ Thân hình Chiến khỏe khoắn. Chị sinh ra như để xốc vác, để chống chọi với khó khăn và giành chiến thắng.

  • Chị hay nhường nhịn Việt:
    • Khi chị bảo Việt viết thư cho chị Hai. Việt không chịu viết. Chị bèn viết thay Việt.
  • Hoàn cảnh buộc chị phải lớn sớm hơn các bạn đồng trang lứa:
    • Chiến là chị lớn nhất trong gia đình. Vì ba má mất sớm, Chiến gánh vác thay phần ba má. Chị quán xuyến nhà cửa, chăm lo cho gia đình và chăm sóc các em thay ba má.
    • Trước khi lên đường tòng quân, chị quán xuyến và lo tất cả mọi chuyện từ những chuyện nhỏ nhất trong gia đình:
      • Viết thư gửi chị Hai.
      • Gửi thằng Út sang ở với chú Năm.
      • Gửi nhà, giường, ván cho anh chị bên Chi bộ mở trường học.
      • Nồi, lu, chén, đĩa, cuốn, vá, đèn soi với nơm gửi ở nhà chú Năm.
      • Gửi bàn thờ má sang chỗ chú Năm.
    • Chiến liệu việc y hệt má. Hình ảnh người mẹ như bao bọc lấy Chiến từ cái lối nằm với thằng Út em ở trên giường rồi nói với ra, đến lối hứ “cóc” rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị mình giống in như má vậy. Và bản thân Chiến cũng thấy mình cũng giống má: tao lựa ý má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy
    • Cách sắp xếp việc nhà của chị khiến chú Năm khen: Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bây kì đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước.

⇒ Chị Chiến đã trưởng thành. Chị có thể tự tay mình quán xuyến việc nhà rất gọn. Chú Năm rất hài lòng về điều này. Ngay từ khoảnh khắc ấy, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc sự yên tâm của chú Năm về chị Chiến. Người trẻ nay đã có thể tự mình gánh vác việc nước một cách chu toàn.

  • Chị có khát khao được chiến đấu, bảo vệ quê hương:
    • Chị tranh giành với Việt khi đi chiến đấu: Tao lớn tao mới đi, mầy còn nhỏ, ở nhà phụ làm với chú Năm, qua năm hãy đi.
    • Chiến mượn lời chú Năm dặn dò em: Chú Năm nói mầy với tao đi kì này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu.
    • Câu nói của chị như một lời quyết tâm thư: Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!

Qua điều đó, ta có thể thấy được: Chiến đã trưởng thành. Chị đã đủ tư chất và sẵn sàng ghi tên mình vào trang truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình.

Nhân vật chú Năm

  • Chú Năm là người thân còn lại của chị em Chiến và Việt. → Chú là thượng nguồn của truyền thống, là người sẽ trao lại truyền thống cho những đứa cháu của mình.
  • Chú Năm đã nuôi dưỡng ý thức về truyền thống gia đình cho những đứa cháu của mình. Chú hi vọng rằng sau này, những đứa cháu của chú sẽ là người tiếp nối truyền thống gia đình và truyền sang nhiều thế hệ khác.
  • Chú còn là người động viên các cháu đi bộ đội. Khi anh cán bộ lưỡng lự giữa việc chọn hai chị em, chú Năm đã nói giúp cho cả hai để cả hai đều được đi bộ đội: Tôi có xin một câu với đồng chí huyện đội. Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin trên cứ ghi tên cho cả hai. Việc lớn ta tính theo việc lớn, còn việc thỏn mỏn trong nhà tôi thu xếp khắc xong.
  • Hình tượng nhân vật chú Năm được Nguyễn Thi khắc họa qua giọng hò: Không phải giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông, rồi dội lại trên cái ghe heo chèo mướn của chú. Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội.

Tác giả so sánh tiếng hò của chú Năm như một hiệu lệnh, một lời thề dữ dội. Tiếng hò đó như chứa đựng biết bao nhiêu tâm tư, nỗi lòng của chú Năm. Câu hò đó như nhắc nhớ lại truyền thống của gia đình, của dân tộc. Câu hò đó thắp lên niềm tự hào về một quê hương tuy nghèo khó nhưng đầy bất khuất, kiên cường. Câu hò đó là một lời triệu hiệu, thúc giục lớp trẻ lên đường đánh giặc, giữ lấy từng tấc đất của quê hương.

  • Chú Năm là người giữ cuốn sổ gia đình thay cho Việt với Chiến:
    • Cuốn sổ gia đình chứa đựng biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra với gia đình. Nó như là một bằng chứng sống cho tội ác của quân thù, tội ác của chiến tranh trút lên gia đình của hai chị em. 
    • Khi Việt và Chiến chuẩn bị lên đường tòng quân, chú Năm đã quyết định trao lại cho hai chị em cuốn sổ gia đình. → Đó là hành động trao lại trách nhiệm, trao lại truyền thống gia đình đầy ý nghĩa của chú Năm. Dường như chú Năm đã gửi gắm tất cả niềm tin yêu và hi vọng vào Việt và Chiến, những đứa con của gia đình, những người chiến sĩ trẻ sẽ góp phần giành lại hòa bình cho quê hương.

⇒ Chú Năm cũng như những người nông dân Nam Bộ khác. Chú là một người lao động chất phác, là một người có lòng yêu nước tha thiết. Chú là người giữ vững và nối dài truyền thống yêu nước, hun đúc cho các cháu mình một tình yêu nước nồng nàn. Chú dạy cháu mình ý thức bảo vệ làng xóm, bảo vệ quê hương và tiếp nối truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc. 

⇒ Chú Năm là điển hình của những người dân Nam Bộ.

Hình tượng cuốn sổ gia đình

Cuốn sổ gia đình đã được chú Năm cất giữ và ghi chép đầy cẩn thận.

  • Chú thường ví chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó. Chú kể chuyện con sông nào ở nước ta cũng đẹp, cũng lắm nước bạc, nhiều phù sa, vườn ruộng mát mẻ cũng sinh ra từ đó, lòng tốt của con người cũng sinh ra từ đó. Trăm sông đổ về một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm, chị em Việt lớn lên rồi sẽ biết, rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta
  • Cuốn sổ gia đình chứa đựng biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra với gia đình. Nó như là một bằng chứng sống cho tội ác của quân thù, tội ác của chiến tranh trút lên gia đình của hai chị em:
    • Ông nội và bố Việt đều bị giặc giết hại.
    • Mẹ Việt vừa phải vất vả nuôi con, vừa phải đương đầu với những hạch sách, đe dọa của bọn giặc. Sau cùng, bà cũng chết vì bom đạn.
    • Ngoài ra, trong đó còn chứ đựng truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình và những đau thương, mất mát nặng nề do bọn Mỹ – ngụy gây ra đối với gia đình.

Cuốn sổ chứa đựng biết bao nhiêu niềm tự hào của gia đình về truyền thống cách mạng vẻ vang được hun đúc từ đời này sang đời khác.

Cuốn sổ như là một bằng chứng sống cho tội ác của quân thù, tội ác của chiến tranh trút lên gia đình của hai chị em.

  • Nó còn là hình thức giáo dục về lòng yêu nước và truyền thống gia đình:
    • Chú Năm từng nói: Chừng nào tụi bây trọng trọng tao giao cuốn sổ cho chị em bây. → Câu nói tự nhiên mà thắm thía đến vô cùng.

→ Chính Việt và Chiến, chính những thế hệ tiếp theo sẽ là người viết tiếp cuốn sổ gia đình.

⇒ Cuốn sổ là một hình thức giáo dục cho thế hệ tiếp theo về truyền thống gia đình, về tình yêu dân tộc của gia đình. Từ đó, mỗi một thế hệ tiếp theo sẽ được kế thừa một tình yêu nước nồng nàn và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, của dân tộc.

Tổng kết

Nghệ thuật

  • Nghệ thuật trần thuật độc đáo với việc đặt điểm nhìn nghệ thuật vào nhân vật Việt, để cho nhân vật tự kể về cuộc đời mình và gia đình mình làm tăng tính chân thực của câu chuyện và biến câu chuyện trở thành dòng hồi ức của nhân vật.
  • Câu chuyện mang đậm chất sử thi qua hình ảnh của những khúc sông trong dòng sông truyền thống của gia đình, qua cuốn gia phả của chú Năm
  • Ngôn ngữ kể chuyện gần gũi, sinh động đã tạo ra không gian sinh hoạt, văn hóa đậm chất Nam Bộ

Nội dung

  • Giá trị hiện thực
    • Cuộc chiến đấu khốc liệt giữa ta và kẻ thù và hình ảnh của một miền Nam đau thương mà kiên cường.
    • Số phận đau thương, mất mát của nhân dân miền Nam: cả gia đình phải chịu chung nỗi đau dưới gót giày xâm lược của kè thù. Chúng gieo rắc cái chết lên những người dân thường vô tội.
  • Giá trị nhân đạo
    • Tố cáo tội ác của kè thù xâm lược khi đã giày xéo, gây ra cái chết oan uổng cho con người trên mảnh đất này.
    • Cảm thông, chia sẻ với những nỗi đau mất mát của người dân Nam Bộ. Đồng thời đó cũng là nỗi đau khi phải chứng kiến số phận và sự buộc lòng phải trưởng thành, gánh vác trách nhiệm của non sông, đất nước của những đứa trẻ ngây ngô, lộc ngộc như Chiến, như Việt
    • Sự khâm phục, ca ngợi lòng dũng cảm, kiên cường và hi sinh lớn lao của nhân dân miền Nam, của những đứa trẻ vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
    • Thôi thúc, giục giã và khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ niềm căm thù giặc sâu sắc mà đứng lên chiến đấu chống lại kè thù, để nỗi đau, để cái chết không còn hiện hình trong những gia đình, trên những mảnh đất quê hương.
Người đóng góp
Nếu thích bài viết của Trần Nguyễn Nam Phương, hãy theo dõi trên
Comments to: Những đứa con trong gia đình