Tìm hiểu chung

Tác giả Nguyễn Trung Thành

Nhà văn Nguyên Ngọc

Tiểu sử

  • Tác giả Nguyễn Trung Thành, tên thật là Nguyễn Văn Báu sinh vào ngày 05 tháng 09 năm 1932.
  • Quê quán: xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Cuộc đời

  • Năm 1950: khi ông đang học trung học chuyên khoa (nay là trung học phổ thông), ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam và hoạt động chủ yếu ở chiến trường Tây Nguyên – chiến trường chính của Quân khu V. Sau một thời gian chiến đấu, ông chuyển về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V.
  • Sau hiệp định Genève 1954 (Giơ-ne-vơ), ông tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, ông đã viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên.
  • Năm 1962. ông tình nguyện trở về chiến trường miền Nam, hoạt động ở khu vực Quảng Nam và Tây Nguyên.
  • Sau khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, ông tiếp tục cống hiến cho phong trào văn nghệ và nền văn học nước nhà với nhiều tác phẩm.

Sự nghiệp sáng tác

  • Nhà văn Nguyễn Trung Thành từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ.
  • Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã sử dụng hai bút danh là Nguyễn Trung Thành và Nguyên Ngọc:
    • Bút danh Nguyễn Trung Thành được ông dùng khi sáng tác lúc ở chiến trường miền Nam.
    • Bút danh Nguyên Ngọc được dùng khi ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V.
Các tác phẩm tiêu biểu
  • Tiểu thuyết Đất nước đứng lên.
  • Tập truyện ngắn Réo cao (1961).
  • Tập truyện và kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969)
  • Tiểu thuyết Đất Quảng (1971 – 1974)
Các giải thưởng

Ông được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 -1955) với tác phẩm Đất nước đứng lên.

Phong cách sáng tác

  • Lời văn của tác giả mang đậm âm hưởng sử thi của núi rừng Tây Nguyên, nơi mà chất thơ hòa quyện với nét hoành tráng, hùng vĩ của núi rừng, của con người bất khuất, kiên trung với quê hương, đất nước.
  • Mỗi tác phẩm của ông đều đề cao sức sống bất diệt, khả năng trỗi dậy phi thường và vô tận của con người, của sự sống.

Tác phẩm

  • Truyện ngắn Rừng xà nu được viết vào năm 1965.
  • Truyện lần đầu được ra mắt trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ số 2/1965. Sau đó được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc vào năm 1969.
  • Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số các sáng tác của Nguyễn Trung Thành vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

Hoàn cảnh sáng tác

Đất nước vừa giành được thắng lợi tại chiến trường Điện Biên Phủ – mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc ta. Sau hiệp định Genève, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Niềm vui độc lập chưa kéo dài được bao lâu thì kẻ thù âm mưu đánh phá nhằm chống lại hiệp định. Không những thế, năm 1962, quân đội Mỹ tiến hành đánh phá miền Bắc nước ta. Trong không khí cả nước đang sục sôi chống Mỹ, Rừng xà nu ra đời. Tác phẩm như một lời động viên, cổ vũ tinh thần hàng triệu con tim yêu nước tiến lên đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên từng tấc đất quê hương.

Tóm tắt

Sau ba năm đi “lực lượng”, Tnú mới có dịp về thăm làng. Thằng bé Heng dẫn Tnú vào làng vì con đường cũ giờ đây đã có rất nhiều hầm chồng, hỗ chông, giàn thò để bẫy địch. Khi gặp anh, cụ Mết và dân làng mừng rỡ và đón tiếp nồng nhiệt. Ăn tối xong, từ phía nhà ưng đánh lên một hồi mõ. Tất cả dân làng lũ lượt kéo về nhà cụ Mết. Trong số đó có Dít, em gái Mai, nay đã là Bí thư chi bộ. Tất cả đều cảm thấy tiếc khi Tnú chỉ về được một đêm. Rồi cụ Mết kể lại chuyện năm xưa của Tnú với một giọng đầy tự hào.

Thuở ấy, làng Xô Man có một anh cán bộ tên là Quyết. Dân làng ra sức nuôi và giấu anh khỏi sự truy lùng của quân Mĩ – Diệm. Nó treo cổ Xán, chặt đầu, cột tóc bà Nhan lên đầu súng để làm gương răn đe mọi người. Nhưng Mai và Tnú ngày ngày vẫn đi nuôi cán bộ. Cả hai được anh Quyết dạy chữ. Trong một lần đi đưa thư cho anh lên huyện, Tnú bị giặc bắt. Sau ba năm, anh vượt ngục và trốn thoát được. Anh Quyết hi sinh trong một trận phục kích. Anh để lại cho dân làng Xô Man một lá thư kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh, kháng chiến chống giặc. Nghe tin dân làng Xô Man nổi dậy, Dục, tên chỉ huy, cho quân truy lùng bắt Tnú. Hắn bắt Dít và đe dọa anh nhưng không thành công. Cuối cùng, hắn đã bắt Mai và đứa con của Tnú ra đánh bằng gậy sắt. Không cam lòng để vợ con mình chịu tra tấn, Tnú xuất hiện và bảo vệ cho vợ con mình nhưng không thành. Anh bị giặt tẩm dầu xà nu lên từng ngón tay. Chúng đốt tay anh. May mắn thay, vừa lúc ấy, đám thanh niên mà cụ Mết và Tnú giấu trong rừng xuất hiện, tay cầm giáo và diệt sạch mười tên giặc.

Đến lúc Tnú phải ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước, tiễn anh đi. Họ chia tay nhau ở rừng xà nu, vào lúc cây xà nu đang mạnh mẽ vươn lên sau trận bom đạn đêm qua.

Ý nghĩa nhan đề

Hình ảnh rừng xà nù là linh hồn của tác phẩm. 

  • Rừng xà nu là nguồn cảm hứng trung tâm của tác giả.
  • Rừng xà nu là hình ảnh trung tâm, gắn bó mật thiết với núi rừng và con người Tây Nguyên.
  • Rừng xà nu là hình ảnh đại diện cho sự gắn bó mật thiết giữa những người con đại ngàn.
  • Rừng xà nu là hình ảnh đại diện cho con người Tây Nguyên: sức sống mạnh mẽ, kiên cường và khao khát tự do mãnh liệt.

Đọc – hiểu văn bản

Hình ảnh cây xà nu

  • Xà nu là một loại cây có thật ở vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.
  • Trước khi đặt bút viết Rừng xà nu, tác giả miêu tả rừng xà nu: Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hàng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng. Nệm lá dưới mặt đất ngả lưng êm ru… 
  • Tuy chưa đặt bút xuống bắt đầu những câu văn đầu tiên của truyện ngắn nhưng tác giả đã biết chắc chắn rằng mình sẽ mở đầu và kết thúc lại câu chuyện bằng hình ảnh rừng xà nu: Tôi chưa hình dung câu chuyện, cốt truyện sẽ diễn biến cụ thể ra sao, nhưng tôi đã thấy rõ, cái truyện ngắn này sẽ bắt đầu bằng một khu rừng xà nu – (mà tôi sẽ ra sức tả một cách hết sức tạo hình, như chạm nổi lên như vậy, có không gian như tượng tròn và có cả mùi vị có thể ngửi thấy được) – và truyện sẽ kết thúc cũng bằng một cảnh rừng xà nu, như một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận, nghĩa là “bố cục” cơ bản đã thấy được rồi… 
  • Mở đầu truyện ngắn, hình ảnh rừng xa nu hiện lên trước mắt người đọc: Cả rừng xà nu hàng vạn cây. Cho đến cuối truyện ngắn, hình ảnh rừng xa nu vẫn ở đó: Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
  • Cây xà nu gắn bó với con người Tây Nguyên. Nó xuất hiện và đồng hành cùng những người con đại ngàn trong cuộc sống và trong từng nếp sinh hoạt. Cho đến những sự kiện quan trọng của làng, ta vẫn có thể thấy sự xuất hiện của cây xà nu:
    • lửa xà nu trong mỗi căn bếp, trong đống lửa ở nhà ưng.
    • đuốc xà nu được thắp lên trong những đêm người dân mài vũ khí
  • Có lẽ, vì xà nu gắn bó với những người con đại ngàn rất nhiều nên cây xà nu đã thấm sâu vào suy nghĩ của họ. Chính vì thế mà người dân Xô Man nhắc về hình ảnh cây xà nu một cách tràn đầy tình yêu thương và niềm tự hào. 
  • Cây xà nu còn là hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Nó đại diện cho số phận và phẩm những người con Tây Nguyên:

 

  Rừng xà nu Dân làng Xô Man

Gánh chịu những thương tích do mưa bom bão đạn của quân Mĩ – Diệm gây ra

  • Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây ào không bị thương. Có những cây bị chặt đứng ngang nửa thân mình. 
  • Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to.
  • Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…
  • Nó treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng.
  • Nó giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng.

→ Chúng giết anh Xút, bà Nhan để làm gương răn đe, cảnh cáo người trong là về việc nuôi và giấu cán bộ trong rừng

  • Không tìm được Tnú, chúng tìm và đánh đập, hành hạ mẹ con Mai bằng một thanh sắt cho đến khi không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa.
Đặc tính ham sáng – khao khát tự do

Đặc tính ham sáng: Cũng ít có loại ham ánh sáng đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng.

 

  • Sự khao khát tự do, lòng tin vào một tương lai tươi sáng.
  • Niềm tin vào ánh sáng của Đảng, của cách mạng: dân làng nghe theo bức thư của anh Quyết đứng lên nổi dậy đấu tranh.
Khả năng sinh sôi mạnh mẽ, mãnh liệt Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người,cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng.

Sự tiếp nối truyền thống kháng chiến từ cụ Mết – anh Quyết – Tnú, Mai và Dít – bé Heng:

  • Cụ Mết: cùng dân làng nuôi và giấu cán bộ rừng.
  • Anh Quyết: cán bộ đi rừng.
  • Tnú, Mai: được anh Quyết dạy chữ, một lòng trung thành với cách mạng dù phải đánh đổi gia đình nhỏ của mình.
  • Dít: tiếp tế gạo cho thanh niên làng mài giáo. Khi lớn, cô trở thành Bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội.
  • bé Heng: theo lí tưởng cách mạng, cùng dân làng kháng chiến bảo vệ quê hương.

⇒ Đó là sự tiếp nối truyền thống yêu làng, yêu Đảng, yêu nước của người dân làng Xô Man. Tình yêu nước trong họ không vơi đi mà ngày càng được hun đúc sâu đậm và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Sự tồn tại Cây xà nu tồn tại từ đời này sang đời khác dẫu phải chịu biết bao nhiêu mưa bom, bão đạn của quân thù. Sự bất khuất, kiên cường mạnh mẽ của con người Tây Nguyên
  • Cây xà nu thường mọc thành rừng tượng trưng cho sự đoàn kết của người dân Tây Nguyên, đặc biệt là người làng Xô Man. Trong mọi hoàn cảnh, dù hạnh phúc hay khổ đau, họ vẫn luôn đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau.

⇒ Rừng xà nu xuất hiện xuyên suốt truyện ngắn như một tấm phông nền trải dài bất tận với thời gian. Dù có như thế nào thì rừng xà nu sẽ mãi ở đó cùng đại ngàn Tây Nguyên, sẽ luôn cùng đồng hành, cùng sát cánh với đồng bào vùng cao trong từng hoạt động và cả trong từng câu chuyện. Mọi hành động, mọi sự kiện và mọi xúc cảm của mỗi con người sẽ luôn được rừng xà nu chứng kiến, chia sẻ và trân trọng. Cây xà nu như trở thành một phần máu thịt của người làng Xô Man nói riêng và của những người con đại ngàn nói chung.

Việc mở đầu và kết thúc truyện ngắn bằng hình ảnh rừng xà nu như một vòng tuần hoàn khép kín. Tác giả như muốn gửi gắm thông điệp của mình: cây xà nu không chỉ là hình ảnh đại diện cho con người Tây Nguyên mà là cả con người Việt Nam nói chung. Trong thời kì chống Mỹ, tất cả đã cùng nhau đoàn kết, hợp sức đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi quê hương. Sau này, dù trong hoàn cảnh nào, năm mươi bốn dân tộc anh em vẫn sẽ luôn đoàn kết lại, cùng nhau chung tay bảo vệ và xây dựng non sông, gấm vóc ngày một tươi đẹp và phát triển hơn.

Nhân vật Tnú

  • Tnú là một người trung thực, dũng cảm và đầy gan góc:
    • Khi anh Xút, bà Nhan bị giết làm gương nhưng Tnú không sợ. Anh vẫn cùng Mai vào rừng nuôi giấu anh Quyết. 
      • Chúng ở lại luôn ngoài rừng ban đêm. Để cán bộ ngủ một mình ngoài rừng một đêm, bụng dạ không yên được.
      • Khi được hỏi, Tnú trả lời anh Quyết: Cụ Mết nói: Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn.
    • Khi Tnú và Mai được anh Quyết dạy chữ:
      • Tnú học chậm hơn, mà lại hay nổi nóng.
      • Có lần học thua Mai, nó đập bể cả cái bảng nứa trước mặt Mai và anh Quyết, bỏ ra suốt ngồi một mình suốt ngày. Mai có nói gì, nó cũng không nghe. Chỉ đến khi nghe được lời tâm sự của anh Quyết thì nó mới ngộ ra: Sau này, nếu Mĩ – Diệm giết anh, Tnú phải làm cán bộ thay anh. Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi.
    • Khi đi liên lạc:
      • Nó không đi đường mòn mà nó leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi.
      • Nó không lội chỗ nước êm mà cứ lựa chỗ mạnh mà bơi ngang, vượt lên mặt nước, cởi lên thác băng băng như một con cá kình. Nó nói: “Qua chỗ nước êm thằng Mĩ – Diệm hay phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”.
    • Khi bị giặc bắt và phục kích: 
      • Tnú đã kịp nuốt cái thư mà anh Quyết gửi lên huyện.
      • Dù bị tra tấn dã man, nhưng Tnú quyết không khai ra nơi giấu cộng sản. 
  • Tnú là người có tính kỷ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng:
    • Anh tham gia vào lực lượng vũ trang. Tuy rất nhớ nhà, nhớ làng nhưng cho đến khi có giấy phép của cấp trên thì anh mới về thăm.
    • Tính kỉ luật cao của anh trong môi trường cách mạng đã hóa thành lòng trung thành tuyệt đối. Khi bị giặt tẩm nhựa xà nu và đốt mười đầu ngón tay, dù ngọn lửa ấy như thiêu đốt cả gan, ruột anh nhưng anh không kêu than vì anh nhớ đến lời anh Quyết: Người cộng sản không thèm kêu van… 
  • Tnú là một người có trái tim nồng ấm:
    • Anh yêu Mai, vợ anh, và con anh đến vô cùng. 
      • Khi nhìn thấy vợ con bị giặt bắt, đánh đập, hành hạ, Tnú đã lao ra che chở hai mẹ con với hai bàn tay trắng: Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai. → Anh lao đến với hai bàn tay trắng. Trong tay anh không có bất kì một loại vũ khí nào để phản kháng lại địch Chính tình yêu thương vợ con của Tnú đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho anh lao đến bảo vệ hai mẹ con trước đòn roi của quân thù.
      • Sau ba năm đi lực lượng, anh nhìn thấy Dít. Dít nay đã lớn, và ngoại hình rất giống với Mai, chị của cô. Trong lòng anh bất chợt nghe một luồng lạnh rân rân ở mặt và ở ngực. Anh cứ ngỡ Dít là Mai. Có lẽ vì quá yêu thương Mai nên anh mới có cảm giác như vậy.
    • Anh cũng yêu làng Xô Man, yêu người làng Xô Man đến vô cùng: Anh sinh ra và lớn lên ở làng Xô Man trong tình yêu thương và sự đùm bọc của dân làng. Biết bao nhiêu kỉ niệm từ thời thơ ấu cho đến những năm chiến đấu đều gắn bó với làng. 
  • Hình tượng đôi bàn tay của Tnú gắn liền với số phận của chính anh. Đó là đôi bàn tay mang tính cách, dấu ấn cuộc đời:
    • Đó là hình ảnh đã xuất hiện rất nhiều lần trong tác phẩm.
    • Đó là bàn tay cầm phấn viết từng nét chữ mà anh Quyết đã dạy cho.
    • Đó là bàn tay cầm đá tự đập vào đầu mình để tự trách mình không học được chữ. → thể hiện sự khảng khái, dũng cảm, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Tnú.
    • Đó là bàn tay đặt lên bụng mình, khảng khái đối đáp với lũ cướp nước: Cộng sản ở đây này!
    • Đó là bàn tay mà Mai đã run run cầm lấy trong ngày Tnú trốn thoát khỏi ngục Kon Tum rồi áp lên má, khóc: ứa nước mắt khóc, không phải vì như một đứa trẻ nữa mà như một người con gái đã lớn, vừa xấu hổ vừa thương yêu…
    • Đó là bàn tay của sự mất mát, đau thương khi Tnú đã để vuột mất Mai và đứa con. Bàn tay ấy không thể bảo vệ vợ con mình trước đòn roi của kẻ thù.
    • Đó là bàn tay chứng tích cho tội ác tày trời của quân cướp nước. Chúng tra tấn Tnú bằng cách tẩm nhựa xà nu lên từng ngón tay anh rồi châm lửa đốt. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. 
    • Đó là bàn tay quả báo, trừng trị những kẻ cướp nước, ngọn nguồn của những nỗi đau thương: chính đôi bàn tay ấy đã bóp chết tên chỉ huy khi cố thủ trong hầm.

⇒ Hình tượng đôi bàn tay như một bản “lý lịch” cụ thể, sống động nhất của Tnú, anh hùng của làng Xô Man. Đó cũng là minh chứng cụ thể đầy thuyết phục cho tội ác mà quân Mĩ – Diệm đã gây ra.

⇒ Thông qua hình tượng đôi bàn tay, Nguyễn Trung Thành đã khắc họa đậm nét tính cách và những phẩm chất cao đẹp của nhân vật Tnú: là một con người dũng cảm, giàu lòng yêu thương, đầy quật cường, bất khuất và luôn giữ một lòng tin son sắt với Đảng, với đất nước. 

  • Tnú là hình tượng tiêu biểu cho con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên đã làm sáng tỏ chân lý thời đánh Mĩ: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!… – Cụ Mết.
    • Khi chưa cầm được vũ khí: là bi kịch của người dân làng Xô Man khi họ chưa cầm được vũ khí đứng lên:
      • Thanh niên đi nuôi cán bộ → giết anh Xút làm gương.
      • Ông bà già thay thanh niên đi nuôi cán bộ → giết bà Nhan làm gương.
    • Khi chưa cầm được vũ khí: Tnú không thể bảo vệ được vợ con mình trước sự hành hạ của kẻ thù hung bạo.
    • Khi nhân dân đã giác ngộ, họ cầm vũ khí đứng lên: tự dân làng đã cầm giáo, cầm mác đứng lên tiêu diệt giặc để giải cứu Tnú, bảo vệ quê hương.

Nhân vật cụ Mết

Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí nên câu quân hành.

(Tố Hữu)                                               

Hình tượng tập thể người dân Xô Man hun đúc tấm lòng yêu nước đã được truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, thế hệ đầu tiên – thế hệ đã chịu rất nhiều đau thương mà chiến tranh mang lại và ý thức được sâu sắc tầm quan trọng của cách mạng có cụ Mết.

  • Ngoại hình: 
    • râu dài đến ngực mà vẫn đen bóng
    • vết sẹo ở má phải láng bóng
    • nặng trịch như kìm sắt
    • ngực căng như một cây xà nu lớn

⇒ Hình ảnh cụ Mết hiện lên như một người từng trải, đầy oai hùng, vững chải và tràn đầy sức mạnh và tinh thần. Tác giả miêu tả cụ Mết mang dáng dấp một người anh hùng sử thi Tây Nguyên.

  • Cụ là người nghiêm nghị:
    • Giọng nói ồ ồ dội vang trong lồng ngực → thể hiện sức mạnh 

    • Lời cụ nói như ra lệnh. Ông không bao giờ khen “Tốt! Giỏi!”. Những khi vừa ý nhất, ông chỉ “Được!”.
    • Lời nói của cụ như truyền rất nhiều sức mạnh và niềm tự hào vào các câu chuyện mà cụ kể. 
    • Tiếng nói thiết tha nhưng đầy trang nghiêm của cụ khi dạy con, cháu: Nghe rõ như các con? Rõ chưa? Nhớ lấy, ghi lấy
    • Từng câu nói của ông như chân lí
      • không có gì mạnh bằng cây xà nu trên đất ta
      • cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn
      • chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo
    • Sức mạnh của cụ như bùng nổ qua việc cụ ra lệnh cho thanh niên tiến lên cứu Tnú: Chém! Chém hết!

⇒ Giọng nói của cụ như tiếng nói của cả dân tộc, là tiếng nói của lịch sử đã dẫn dắt biết bao nhiêu thể hệ lớn lên, trưởng thành và chiến đấu vì đất nước.

  • Cụ Mết là một người có tình yêu làng, yêu quê hương sâu sắc:
    • Khi Tnú về đến làng, cụ dẫn Tnú ra máng nước đầu làng để nhớ về quê hương, về nguồn cội.
    • Cụ rất tự hào về quê hương:
      • Không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta
      • Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi nà
    • Cụ dạy cho con, cháu mình: Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!…

⇒ Cụ là một người luôn hướng về quê hương, về nguồn cội của mình. Cụ tự hào khi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn đầy nắng gió, tại rừng xà nu luôn hiên ngang trước gió dẫu cho có bị mưa bom, bão đạn của quân thù tàn phá. Với cụ Mết, những gì của quê hương luôn là những điều tuyệt vời nhất và đáng được trân trọng. Không những thế, cụ còn giáo dục cho những người con của Tây Nguyên biết nhớ về nguồn cội dù cho có đi đâu, về đâu.

    • Cụ am hiểu về cuộc kháng chiến chống Mĩ: đánh Mĩ phải đánh lâu dài.
    • Để bảo vệ quê hương, cụ luôn tìm hướng đi đúng đắn cho làng: Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn
    • Cụ không nóng vội, đưa dân làng vào rừng và chờ đợi thời cơ phù hợp để vùng dậy đánh giặc: Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa, ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông.
    • Cụ biết nhìn xa trông rộng, dự trữ lương thực cho dân làng ăn đủ trong ba năm để đánh giặc: Gạo đủ ăn tới mùa suốt. Nhưng phải để dành, dự trữ mỗi bếp cho được ba năm.
    • Cụ không xông ra ngay cùng Tnú khi anh bảo vệ vợ con, mà âm thầm đi lên rừng kêu gọi thanh niên về làng đánh giặc: Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, tau tìm bọn thanh niên. Bọn thanh niên thì cũng đã đi vào rừng, chúng nó đi tìm giáo mác.

⇒ Tinh thần của cụ luôn hừng hực khí thế, tựa như cây đại xà nu trong đại ngàn Tây Nguyên. Cụ luôn là chỗ dựa vững chắc và là kim chỉ nam soi đường cho nhân dân đại ngàn Tây Nguyên tìm thấy lối đi đúng đắn mà đánh Mĩ – Diệm.

  • Cụ là một người giàu lòng yêu thương:
    • Cụ đã hết lòng thương yêu và tin tưởng Tnú – chàng trai trẻ có số phận bi tráng.

    • Khi anh trở về sau ba năm đi lực lượng, cụnồng hậu đón Tnú trở về, xót thương khi nhìn những ngón tay còn hai đốt của Tnú. Cụ luôn động viên anh: Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được

    • Khi kể lại câu chuyện của Tnú cho dân làng, cụ xúc động, vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt

    • Khi cụ nhận được một muỗng muối từ Tnú, ông không nêm nó vào canh mà chia cho mỗi người trong buôn làng: Ông cụ không nêm muối vào canh. Ông chia cho mỗi người mấy hạt, họ ăn sống từng hạt, ngậm rất lâu trong miệng để nghe chất mặn đậm đà tan dần.

Nhân vật Mai

  • Cũng như Tnú, Mai được dân làng nuôi lớn và sớm giác ngộ lí tưởng cách mạng. Từ bé, cô đã cùng Tnú đi rừng nuôi cán bộ. Cô được anh Quyết dạy chữ. 
  • Mai vốn thông minh, lanh lợi: Mai học giỏi hơn Tnú, ba tháng đọc được chữ, viết được cái ý tỏng bụng mình muốn, sáu tháng làm được toán hai con số.
  • Khi học chữ cùng Tnú, có lần thua Mai, Tnú giận, đập bể cái bảng nứa. Sau khi được anh Quyết giải thích, Tnú cũng chịu đi học lại và được Mai giúp đỡ tận tình.
  • Mai là một người yêu cộng sản: 
    • Từ nhỏ, cô đã cùng Tnú đi nuôi cán bộ ở rừng: Chúng ở lại luôn ngoài rừng ban đêm. Để cán bộ ngủ một mình ngoài rừng một đêm, bụng dạ không yên được.
    • Khi bị giặc hành hạ, tra tấn, dù đau đớn nhưng cô vẫn không khai ra nơi thanh niên mài giáo và nơi Tnú đang trú ẩn.
  • Mai là một người phụ nữ yêu thương gia đình:
    • Khi bị giặc đánh từ gậy đầu tiên: Chị vội tháo tấm địu, vừa kịp lật đứa con ra phía bụng lúc cây sắt giáng xuống trên lưng.
    • Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật thằng bé ra trước ngực.

⇒ Dù phải chịu đòn roi của giặc, chị vẫn dùng cơ thể của mình để bảo vệ cho sự an toàn của con. Mai vẫn hành động theo bản năng của người mẹ để bảo vệ con, không muốn con mình bị thương. Nhưng đau đớn thay, cô đã không bảo vệ được đứa bé. 

Nhân vật Dít

  • Dít là nhân vật tiêu biểu của những cô gái Tây Nguyên trong thời kì kháng chiến chống Mỹ:
    • Khi còn nhỏ, Dít đã đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và các thanh niên vào mỗi sẩm tối.
    • Trong một lần địch bị địch bắt: Tảng sáng ngày thứ tư thì chúng bắt được con bé khi nó ở ngoài rừng về. Chúng để con bé đứng giữa sân, lên đạn tôm xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đât quanh hai chân nhỏ của Dít. Bất ngờ hơn cả là ở thái độ của Dít: Nó khóc thét lên nhưng rồi đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái thân hình mảnh dẻ của nó lại quật lên một cái nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng.
    • Ngày Mai chết, tất cả mọi người trong buôn làng đều khóc vì cái chết của cô. Duy chỉ có Dít vẫn lầm lì, không nói gì cả, mắt ráo hoảnh. → tính cách kiên cường, sức chịu đựng phi phường của Dít, biết dồn nén đau thương để nung nấu lòng căm thù. 
  • Dít là một người giàu trách nhiệm: Khi Tnú về thăm làng, Dít nay đã là Bí thư chi bộ và chính trị viên xã đội. Dù rất vui mừng khi gặp Tnú nhưng cô vẫn đặt trách nhiệm của mình lên trên và kiểm tra giấy phép của anh.
  • Dít là một người giàu tình cảm: Khi Tnú về, cô xưng anh – em thật tự nhiên, như cô em gái nhỏ của Mai ngày trước và hỏi thăm anh:
    • Sao anh chỉ về có một đêm thôi?
    • Thôi cũng được. Về một đêm cho làng thấy mặt là được rồi. Bọn em miệng đứa nào cũng nhắc anh mãi.

Nhân vật bé Heng

  • Ngày Tnú đi, bé Heng chỉ còn là một đứa trẻ: Ngày anh ra đi nó mới đứng đến ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy.
  • Ngày Tnú về, Heng đã lớn:
    • Bây giờ nó mang một khẩu súng trường Mát, dẫn anh đi.
    • Thằng bé Heng lớn lên cũng ít nói như những người dân làng Xô Man này. Nó đội một cái mũ sụp xin được của anh giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự.

 Bé Heng như một cây xà nu mới trổ nhựa. Đó là sự tiếp nối của ba thế hệ: cụ Mết – Tnú, Mai, Dít – bé Heng. Bé Heng sẽ là một thế hệ mới để tiếp lửa, truyền lửa của người xưa cho các thế hệ mai sau. Heng không chỉ là người dẫn đường “mới”, là người hứa hẹn sẽ viết tiếp những trang sử hôm nay, mà còn mang trong mình phảng phất hình ảnh của người anh hùng Tnú năm nào.

⇒ Để Heng dẫn đường Tnú, dường như Nguyễn Trung Thành muốn khắc họa hình ảnh của hai thế hệ bên nhau, qua đó khẳng định sự trưởng thành và đầy trải nghiệm của người đi trước, cũng như sự phát triển vượt trội đầy hứa hẹn của thế hệ tiếp sau. Điều tuyệt vời nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có lẽ không chỉ nằm ở vẻ đẹp và sức mạnh của nó, mà quan trọng hơn, là sự tiếp nối – là sợi dây gắn kết bền chặt mọi thế hệ con người.

Tổng kết

Nghệ thuật

  • Rừng xà nu được kể theo hình thức lồng truyện.
  • Xây dựng được không khí sử thi, tráng lệ của núi rừng Tây Nguyên.
  • Ngôn ngữ giàu tính hình tượng với các chi tiết nghệ thuật mang tính biểu trưng.
  • Ngôn ngữ đặc sắc, giàu chất Tây Nguyên.

Nội dung

  • Câu chuyện hào hùng của những con người ở vùng bản làng hẻo lánh trong cánh rừng xà nu bạt ngàn.
  • Nhấn mạnh được vấn đề của thời đại: Để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, chỉ có một cách duy nhất là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí và đánh đuổi kẻ thù tàn ác.

Mở rộng

Tác giả chia sẻ về Rừng xà nu

Tôi được biết ông cụ Mết (nhân vật sau này của Rừng xà nu) cùng thời gian tôi quen biết anh Núp, nghĩa là từ hồi chiến tranh chống Pháp. Hồi bấy giờ ở Tây Nguyên có hai làng kháng chiến nổi tiếng: làng Xi Tơ (tức là Kông Hoa) của anh Núp ở Gia Lai, và làng Xóp Dùi của ông Mết ở bắc Kon Tum. Tôi nhớ hồi ấy người ta cũng đã có tính đến chuyện tuyên dương cho ông Mết, cũng như ông Núp. Nhưng rồi do một quan niệm giai cấp cứng nhắc ấu trĩ hồi bấy giờ, người ta đã thôi việc phong tặng danh hiệu cho ông Mết vì ông là “già làng”, mà “già làng” hồi ấy được coi là đồng nghĩa với “tầng lớp trên”, tức là một thứ giai cấp bóc lột ở Tây Nguyên…

Tôi ra Bắc, và viết Đất nước đứng lên. Ở Đất nước đứng lên, trong các hình tượng Núp, Bok Pak, Bok Sung… kì thực đã có một phần ông Mết “của tôi” trong đó… và tôi yên trí như thế là tôi đã “dùng” hết ông Mết của tôi rồi. Tôi không hề ngờ hề nghĩ rằng còn có một ngày nào đó tôi còn trở lại với cái “vốn” ông Mết của tôi nữa. Suốt gần chục năm tôi không hề ngờ ở một nơi nào đó rất sâu trong tôi vẫn còn một ông Mết.

… Sau 7 năm ở miền Bắc, năm 1962 tôi trở về miền Nam, trở về Tây Nguyên. Trở về và chưa hề nghĩ đến chuyện viết lách gì cả. Làm rẫy, đi phát động quần chúng đánh giặc… Đâu khoảng 1963, một chuyến đi công tác gặp giặc càn, bị lạc đường bị bỏ đói, tôi tìm vào làng đồng bào Xê Đăng kiếm ăn. Rất tình cờ, đó chính là làng anh Đề. Anh Đề, lúc bấy giờ là một thanh niên khoảng gần 30 tuổi, là người đứng đầu làng này. Suốt mấy đêm liền, bên bếp lửa nhà sàn đốt suốt đêm để chống rét bằng củi xà nu, anh Đề kể cho tôi nghe chuyện hồi 1959, chính anh đã cùng 10 trai tráng làng này dùng dao rựa, giáo mác giết sạch một tiểu đội lính Diệm, bắt đầu cuộc chiến đấu vũ trang ở đây (…)

Cho đến đầu năm 1965, trên đường từ chiến trường ngoại ô thị xã Quy Nhơn (thuộc tỉnh Bình Định) trở về cơ quan bộ tư lệnh quân khu 5 bấy giờ đóng ở rặng núi Răng Cưa, giáp ranh hai huyện Trà Mi (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi), tình cờ tôi được chứng kiến cuộc đổ quân ồ ạt hung dữ chưa từng thấy của mấy vạn thuỷ quân lục chiến Mĩ vào bãi biển về sau này sẽ được gọi là bãi biển Chu Lai. Tôi còn nhớ rất rõ ngày hôm ấy: ngày 8 tháng 3 năm 1965. Số phận đã cho tôi cái may mắn chứng kiến một sự kiện lịch sử: cuộc đổ quân đầu tiên của Mĩ, ngày bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ ở miền Nam nước ta.

Đó là những ngày sôi sục, nghiêm trang, nghiêm trọng, lo lắng, quyết liệt, hào hùng: dân tộc ta bước vào cuộc chạm trán mất còn trực tiếp với đế quốc Mĩ.

Chúng tôi làm việc ngày đêm. Tôi không nhớ thật rõ anh bạn nào của tôi, anh Nguyễn Chí Trung hay anh Thu Bồn bảo tôi:

Viết đi ! Viết một bài “Hịch tướng sĩ” của thời đánh Mĩ !

Chúng tôi lao vào viết. Mỗi người một góc lều trong rừng, ngồi trên võng đốt đuốc lên mà viết (không có dầu thắp, ban ngày thì còn bận đi làm rẫy). Thu Bồn và Phan Đình Côn (hi sinh cuối năm 1965) làm thơ. Nguyễn Chí Trung viết truyện ngắn. Còn tôi, theo gợi ý của bạn, tôi viết “hịch” của tôi – tuỳ bút Đường chúng ta đi – chỉ trong một đêm.

Viết xong, tự mình cầm chạy đi mà in (ở rừng, tất nhiên), hì hục quay máy (lúc bấy giờ tôi đã xin được từ miền Bắc một máy in năm Osaka nặng trịch). Chúng tôi viết và in số tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung Bộ như vậy đó.

In xong, tung đi ngay, phát ngay cho bộ đội đang lao lên đánh Mĩ. Đó là những ngày Núi Thành, Vạn Tường, Bình Đông… sôi sục.

Làm xong tạp chí số 1, chúng tôi bắt tay làm tiếp số 2. Anh Nguyễn Chí Trung bảo:

Số 1 cậu viết tuỳ bút rồi, số này phải viết truyện ngắn.

Ừ thì truyện ngắn.

Tôi vừa đi một chuyến phát động quần chúng và đánh nhau ở Tuy Phước, Quy Nhơn, Bình Định về, còn đầy ấn tượng đồng bằng. (Phải nói để các bạn biết rằng ngày ấy sau mấy năm lẩn quẩn tù túng ở rừng, toàn núi cao, được lao xuống giải phóng đồng bằng, vui như hội). Tôi lại treo võng, đốt đuốc ngồi nhất định viết một truyện ngắn về đồng bằng. Bao nhiêu cảm xúc, ấn tượng còn nóng hổi… Thật không ngờ, chong đuốc ngồi suốt mấy đêm ròng, bí rị, viết không nổi một dòng ! Chữ viết ra cứ nằm bẹp trên trang giấy, nhất định không chiụ đứng dậy. Chỉ có mặt phẳng bẹt không sao tạo được không gian, không gian ba chiều…

Buồn quá, xấu hổ nữa, tôi nói với Nguyễn Chí Trung:

–         Không viết nổi truyện ngắn đồng bằng ông ạ… Hay là mình viết một truyện miền núi nhé.

–         Miền núi à? Miền núi thì chán chết. Bây giờ đang cần đồng bằng…nhưng mà, thôi, thì tạm một cái miền núi cũng được…

Và tôi viết Rừng xà nu.

Bắt đầu như thế nào?

Không, quả thật bắt đầu tôi chưa hề có câu chuyện, cốt truyện nào cả. Bắt đầu đến dưới ngòi bút, gần như không hề tính trước, là một khu rừng xà nu, những cây xà nu.

Hồi tháng 5 năm 1962, hành quân từ miền Bắc vào, tôi cùng đi với anh Nguyễn Thi, Nguyễn Thi về Nam Bộ (bấy giờ mật danh gọi là “Ông Cụ”), tôi rẽ xuống khu 5 (mật danh gọi ” Bác Ân”). Cùng đi dọc Trường Sơn từ Bắc vào, đến đêm chia tay mỗi người về chiến trường của mình là khu rừng bát ngát phía tây Thừa Thiên giáp Lào. Đó là một khu rừng xà nu tít tắp tận chân trời.

Tôi yêu say mê cây rừng xà nu từ ngày đó. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch, mỗi cây cao vút, vạm vỡ, ứ nhựa, tán lá vừa thanh nhã vừa rắn rỏi mênh mông, tưởng như đã sống tự ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau, từng cây, hàng vạn, hàng triệu cây vô tận. Không khí ở đây thơm lừng. Nệm lá dưới mặt đất ngả lưng êm ru… Nguyễn Thi và tôi đã sống với nhau một ngày một đêm chia tay cuối cùng trong khu rừng tuyệt vời ấy. Cùng nhau ôn lại cả cuộc đời mình, và nói với nhau về cuộc chiến đấu đang chờ mình trong kia…

Tại sao cái đêm giữa năm 1965 ấy, ngồi viết, rừng xà nu lại bỗng đột ngột đến với tôi, chảy ngay ra dưới ngòi bút tôi?

Vì nhớ Nguyễn Thi chăng? Từ ngày vào chiến trường chúng tôi bặt tin nhau. Vì bấy giờ, bước vào cuộc đời mình – mà tôi đã cùng Nguyễn Thi ôn lại, điểm lại ngày nọ dưới rừng xà nu tây Thừa Thiên – chợt sống dậy chăng? Hay vì cái không khí “hịch tướng sĩ” đánh Mĩ hừng hực bấy giờ rất tráng ca, rất “xà nu” chăng?… Tôi không nhớ và biết rõ.

Nhưng vậy đấy, rừng xà nu chợt đến. Và lập tức tôi biết tôi đã tạo được không khí, đã có không gian ba chiều. Và cũng lập tức đã nhập được vào không khí của không gian ấy.

Theo tôi viết, đặc biệt truyện ngắn, tạo và nhập ngay được vào không khí và không gian ba chiều ngay từ đầu là quan trọng nhất. Bởi vì truyện ngắn… ngắn quá, không cho phép dông dài cà kê lòng vòng. Ngay câu đầu không tạo được cái ấy coi như vứt đi. Mọi sự sau đó sẽ cứ rời rạc, nhạt phèo.

Có được câu đầu rồi: Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc… bỗng tất cả như bật dậy, mở ra. Và thật lạ đối với chính tôi, tôi biết rất rõ rằng, chắc chắn rằng “làng” – cái làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc ấy – chính là cái làng anh Đề! Tôi biết và thấy rõ. Và tôi bỗng biết luôn, cũng rõ ràng như vậy, tôi sẽ viết chuyện về cuộc khởi nghĩa của anh Đề, cuộc đời, số phận anh Đề. Tôi có ngay cảm giác phải tìm một tên khác cho anh Đề. Tên Đề nó Kinh quá, người Kinh quá. Tnú, tôi gọi anh bằng tên ấy. Nó “không khí” hơn nhiều.

Khi đã biết tôi sẽ viết chuyện anh Đề – Tnú – tôi thấy yên tâm và bình tĩnh. Tôi chưa hình dung câu chuyện, cốt truyện sẽ diễn biến cụ thể ra sao, nhưng tôi đã thấy rõ, cái truyện ngắn này sẽ bắt đầu bằng một khu rừng xà nu – (mà tôi sẽ ra sức tả một cách hết sức tạo hình, như chạm nổi lên như vậy, có không gian như tượng tròn và có cả mùi vị có thể ngửi thấy được) – và truyện sẽ kết thúc cũng bằng một cảnh rừng xà nu, như một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận, nghĩa là “bố cục” cơ bản đã thấy được rồi…Sau đấy mọi sự bỗng trở nên rõ ràng, dễ dàng đến kì lạ. Chị Dít “đến” – như là tất yếu vậy (tôi muốn giữ nguyên tên thật của chị – nó rất tạo không khí, đối với tôi). Nhưng tôi muốn Dít sẽ là mối tình sau của Tnú, một mối tình sẽ lờ mờ mà chắc chắn hiện lên ở cuối truyện. Vậy thì có phải Mai, chị của Dít. Mai đối với tôi chẳng khó khăn gì. Tôi đã “có” hàng trăm cô gái Tây Nguyên (và không chỉ Tây Nguyên) để hình dung và dựng lên một cô Mai. Và cái gì để dẫn đến cuộc bùng dậy ghê gớm như vậy của Tnú (diệt sạch cả một tiểu đội giặc gần như bằng tay không, những năm tháng chưa hề có tiếng súng cách mạng ấy)? Tức phải có một nỗi đau riêng bức bách dữ dội, bật ra từ nỗi đau chung của làng xóm, dân tộc: đứa con bị đánh chết tàn bạo, Mai gục xuống, ngay trước mắt Tnú. Chi tiết ấy đến một cách tất yếu.

Và ông cụ Mết của tôi cũng tất yếu phải đến. Ông là cội nguồn. Là Tây Nguyên của thời Đất nước đứng lên trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, nhưng không che lấp sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt hơn, sành sỏi và tự giác hơn của các thế hệ sau.

Có lẽ cũng từ đó mà thằng bé Heng. Nó sẽ còn đi tới đâu, chưa ai lường được…

Tất cả trở nên dễ dàng đến ngạc nhiên đối với tôi. Tôi hình dung ra, thấy hiển hiện ra tất cả. Các chi tiết tự nó đến: các bà cụ già lụm cụm bò từ trên thang nhà sàn xuống, các cô gái lấy nước ở vòi nước đầu làng thân yêu và thẹn thùng vác ống bươm đứng tránh ra một bên cho Tnú rửa mặt, tắm mình trong vòi nước làng quê… cả đến tiếng nước lanh tanh trong đêm khuya, cả đến lùm khói quyện lên từ chiếc ống điếu vồ của cụ Mết, cả cái lối Dít xem xét kiểm tra nghiêm khắc và thương yêu từ giấy phép của Tnú, cả mười ngọn lửa xà nu cháy giần giật trên mười đầu ngón tay đau đớn của Tnú… Tất cả, tôi không phải “bịa” thêm gì cả, tôi thấy rõ hết. Mặc dầu tất cả đây hoàn toàn là một câu chuyện bịa. Mà như thật. Với tôi, nó hoàn toàn có thật.

Cách sắp xếp các lớp thời gian trong truyện, xen kẽ, đan quyện, những mạch nối… cũng đến dễ dàng và tự nhiên, như tất nó phải vậy.

Rừng xà nu là truyện của một đời, và được kể trong một đêm. Đó là cái đêm dài như cả một đời. Nhưng nó cũng ngắn, cũng chỉ là một đêm trong sự sống vất vả, đau khổ và hạnh phúc trường tồn ở đây, bởi “nhà ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời…”.

(Nguyên Ngọc, Về truyện ngắn Rừng xà nuNhà văn nói về tác phẩm, Hà Minh Đức biên soạn, NXB Giáo dục, 2000).

 

Người đóng góp
Nếu thích bài viết của Trần Nguyễn Nam Phương, hãy theo dõi trên
Comments to: Rừng xà nu