Tìm hiểu chung

Tác giả

Nhà văn Lỗ Tấn (1881 – 1936)

Tiểu sử

  • Lỗ Tấn sinh ngày 25/09/1881, mất ngày 19/10/1936.
  • Ông tên thật là Chu Chương Thọ, sau này đổi thành Chu Thụ Nhân.
  • Ông sinh ra ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc trong một gia đình sa sụt.

Cuộc đời

  • Năm 1899: ông đến Nam Kinh học ở Thủy sư học đường.
  • Năm 1902: ông du học Nhật Bản, tham gia một tổ chức chính trị của người Hoa tại Nhật Bản.
  • Năm 1904: ông theo học ngành Y ở Tiên Đài.
  • Năm 1906: ông nhận ra rằng chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần nên ông đã chuyển sang làm văn nghệ. Ông thôi học, bắt đầu hoạt động văn nghệ bằng việc dịch và viết một số tiểu luận giới thiệu các tác phẩm văn học Châu Âu.
  • Năm 1909: vì hoàn cảnh gia đình, ông trở về Trung Quốc.
  • Từ năm 1920 – 1925: ông làm việc tại các trường Đại học Bắc Kinh, Cao đẳng Sư phạm Bắc Kinh, Đại học nữ Sư phạm Bắc Kinh.
  • Đầu năm 1927: ông làm trưởng phòng giáo vụ kiêm chủ nhiệm khoa văn của trường Đại học Trung Sơn.

Sự nghiệp văn học

Lỗ Tấn là nhà văn cách mạng Trung Quốc. Ông đóng vai trò trong nền văn học cánh tả, ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến thanh niên Trung Quốc.

Bút danh Lỗ Tấn

Bút danh Lỗ Tấn ghép từ họ mẹ (bà Lỗ Thụy) và chữ Tấn hành (nghĩa là “Đi nhanh lên!”)

  • Lỗ là họ của mẹ ông, bà Lỗ Thụy. Khi Lỗ Tấn còn nhỏ, bà đã kể cho ông nghe rất nhiều truyện cổ dân gian Trung Hoa.
  • Khi nhỏ, ông thường đi học muộn. Chính vì thế nên ông đã cầm dao thích chữ Tấn lên bàn học để giục mình khẩn trương lên.

Một số tác phẩm tiêu biểu

  • Nhật ký người điên (1918), truyện ngắn
  • AQ chính truyện (1921 – 1922), truyện vừa
  • Gào thét (1922), tập truyện ngắn
  • Bàng hoàng (1925), tập truyện ngắn
  • Cỏ dại (1924), tập tạp văn
  • Chuyện cũ viết lại (1935), tập truyện ngắn
  • Kinh nghiệm sáng tác (1933), tập tạp văn
  • Lược sử tiểu thuyết Trung Quốc, nghiên cứu

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Truyện ngắn Thuốc được viết năm 1919, khi cuộc vận động Ngũ tứ bùng nổ. Lúc này, Trung Quốc đang bị các nước Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật xâu xé. Xã hội Trung Quốc chuyển thành nửa thực dân, nửa phong kiến. Nhà văn muốn cảnh báo: Người Trung Quốc cần suy nghĩ về một phương thuốc để cứu lấy dân tộc.

Bố cục

Phần 1: Thuyên bị bệnh lao. Mẹ Thuyên bèn đưa tiền cho người chồng ra mua bánh bao tẩm máu người chết về cho con ăn.

Phần 2: Thuyên ăn cái bánh bao đẫm máu nhưng vẫn ho.

Phần 3: Cuộc bàn luận về thuốc, về tên “giặc” Hạ Du trong quán trà.

Phần 4: Hai người mẹ đứng trước hai nấm mộ của con mình: một chết vì bệnh, một chết vì nghĩa.

Đọc – hiểu văn bản

Ý nghĩa chiếc bánh bao tẩm máu người

Nhan đề Thuốc chính là để chỉ chiếc bánh bao tẩm máu người. Chi tiết này mang nhiều tần nghĩa:

  • Tầng nghĩa thứ nhất: nghĩa tường minh
    • Bánh bao là một món quen thuộc trong bữa ăn của người dân Trung Quốc. Trong đoạn trích, chiếc bánh bao trở nên đặc biệt hơn cả khi nó được tẩm máu tử tù. Người dân Trung Quốc lúc bấy giờ tin rằng hiếc bánh bao tẩm máu người này chính là một phương thuốc chữa bệnh lao.
    • Trước kia, ở Trung Quốc có tục mê tín cho rằng máu người có thể trị được bệnh lao. Mỗi khi có tù bị chém, thường sẽ có rất nhiều người đến mua những chiếc bánh bao tẩm máu tử tù từ các tên đao phủ để đưa về cho người bệnh lao ăn.
    • Nó tương tự như hai vị thuốc mà ông thầy lang đã bốc cho cho bố của Lỗ Tấn để chữa bệnh phù thủng là: cây mía đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ con đực con cái. Chính phương thuốc độc hại này đã dẫn đến cái chết đầy đáng tiếc của ông cụ.

Đây là một phương thuốc mê tín, dị đoan, lạc hậu.

  • Tầng nghĩa thứ hai: nghĩa ẩn dụ
    • Đó là phương thuốc chữa trị về mặt tinh thần cho người dân Trung Quốc về sự gia trưởng và căn bệnh u mê, lạc hậu về mặt khoa học. Vì thiếu hiểu biết và mê tín dị đoan, bố mẹ Thuyên đã vô tình đẩy con mình vào cái chết. Và cả đám người trong quán trà cũng thế. Dường như, tất cả đều tin rằng chiếc bánh bao tẩm máu người đó là phương thuốc hiệu quả nhất để trị bệnh lao.

Ta có thể thấy được rằng người dân Trung Quốc đang mắc phải một căn bệnh: ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ. Lỗ Tấn đã nhận ra rằng chính người Trung Quốc phải tỉnh giấc, không được chìm sâu trong cơn ngủ mê đó nữa.

  • Tầng nghĩa thứ ba: nghĩa ẩn dụ
    • Không chỉ u mê, lạc hậu về mặt khoa học, người dân Trung Quốc thời đó còn u mê cả về chính trị. Máu để tẩm vào chiếc bánh bao chính là dòng máu của người chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống để giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức. Nhưng đau đớn thay, người dân lại xem anh là giặc, là một thằng điên và mua chiếc bánh bao tẩm máu anh làm phương thuốc chữa bệnh.
    • Đồng thời, người chiến sĩ cách mạng cũng mắc phải một căn bệnh đó chính là xa rời quần chúng nhân dân. Chính vì điều đó mà không một ai hiểu ý nguyện, chí hướng của anh. Nhân dân không hiểu anh. Mẹ anh cũng không hiểu anh. Bà đỏ mặt, xấu hổ khi gặp bà Hoa ở mộ của con. Chú anh không hiểu anh. Chính ông đã tố cáo anh hòng kiếm được chút bạc thưởng.

→ Hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người còn phản ánh con đường cách mạng sai lầm khiến cách mạng xa rời quần chúng. Cách mạng là sự nghiệp toàn dân. Chính vì lý do đó mà những người chiến sĩ cách mạng phải tiên phong tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nhưng đáng tiếc thay, con đường cách mạng trở nên sai lầm khiến cho cách mạng xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân để rồi phải nhận về thất bại, nhận sự cái tử hình đầy đau thương.

⇒ Chiếc bánh bao tẩm máu người là một hình ảnh đặc sắc xuất hiện xuyên suốt trong đoạn trích. Đó là một hình ảnh đa nghĩa. Tác giả đã mượn chiếc bánh bao tẩm máu này để lên án sâu sắc sự u mê cùng những tư tưởng ấu trĩ đã ăn mòn suy nghĩ của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ. Đồng thời, ông cũng ngầm phê phán sự xa rời thực tế của cách mạng với quần chúng.

Nhân vật Hạ Du

  • Hạ Du không được miêu tả trực tiếp trong câu chuyện mà được miêu tả gián tiếp thông qua lời bàn tán của những người tại quán trà nhà ông Hoa.

Đây là một nhân vật rất quan trọng, là mắt xích chi phối toàn bộ sự việc và góp phần tạo nên giá trị tư tưởng của đoạn trích.

  • Hạ Du là một người yêu nước, một nhà cách mạng tiên phong, dũng cảm xả thân vì nghĩa lớn.
    • Hạ Du dành cả cuộc đời, cả tuổi xuân của mình để làm cách mạng. Ngay khi trong trại giam đợi ngày tử hình, anh vẫn hiên ngang tuyên truyền cách lý tưởng cách mạng. 
    • Nhưng đáng tiếc thay, những công sức, nỗ lực của anh không được đền đáp. Tất cả những gì anh nhận lại được chỉ là sự miệt thị của quần chúng. Vì “căn bệnh” rời xa quần chúng nên anh rất cô đơn, không ai hiểu anh. Mẹ anh cũng không hiểu anh. Bà đỏ mặt, xấu hổ khi gặp bà Hoa ở mộ của con. Chú anh không hiểu anh. Chính ông đã tố cáo anh hòng kiếm được chút bạc thưởng. Anh đã đổ máu vì quần chúng thế mà họ lại lấy máu anh để tẩm bánh bao chữa bệnh lao.
  • Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du chính là niềm tin về tương lai của dân tộc. Vòng hoa tuy không có nhiều hoa, chỉ có hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau. Hình ảnh vòng hoa bày tỏ sư tiếc thương của tác giả đối với nhân vật Hạ Du. Chính vòng hoa này đã chứng tỏ tác giả vấn còn ấp ủ một hi vọng vào một ngày mai tươi sáng của dân tộc mặc dù lúc bấy giờ những người cách mạng bị khủng bố ráo riết.

Hạ Du chính là đại diện tiêu biểu, là hình ảnh tượng trưng của cuộc cách mạng Tân Hợi. Đây là một cuộc cách mạng góp phần đánh đổ chế độ phong kiến Trung Quốc nhưng đường lối thực hiện lại xa rời quần chúng nên đã thất bại. Qua hình tượng Hạ Du, Lỗ Tấn muốn bày tỏ lòng kính trọng của mình đối với cuộc cách mạng này.

Tổng kết

Nghệ thuật

  • Cốt truyện đơn giản, cách viết cô đọng, hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng (chiếc bánh bao tẩm máu, vòng hoa,…)
  • Cách xây dựng nhân vật độc đáo: tác giả không đặt nhân vật cách mạng vào vị trí trung tâm mà để nhân vật ở tuyến ngầm.
  • Cách kể chuyện theo ngôi thứ ba giúp tác phẩm trở nên sinh động và giàu cảm xúc.

Nội dung

  • Phê phán sự mê tín dị đoan, sự mê muội của dân tộc Trung Hoa thời cận đại.
  • Nhà văn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại: nhân dân thì “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.
Người đóng góp
Nếu thích bài viết của Trần Nguyễn Nam Phương, hãy theo dõi trên
Comments to: Thuốc