Tìm hiểu chung

Tác giả Nguyễn Minh Châu

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989)

Tiểu sử

  • Ông sinh năm 1930, mất năm 1989.
  • Quê ông ở xã Quỳnh Hải (nay là xã Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Cuộc đời

  • Năm 1945: ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế.
  • Tháng 1/1950: ông gia nhập quân đội, theo học tại trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn.
  • Từ năm 1952 – 1958: ông công tác và chiến đấu tại Sư đoàn 320.
  • Năm 1962: ông về phòng Văn nghệ quân đội, sau đó chuyển sang tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Sự nghiệp văn học

  • Nguyễn Minh Châu được xem là một trong những cây bút tiên phong trong nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
  • Trong kháng chiến chống Mỹ ông tập trung viết và ngợi ca cuộc sống hào hùng của các thế hệ con người Việt Nam dũng cảm, chấp nhận mọi hi sinh vì sự nghiệp chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.
  • Từ những năm 80 của thế kỉ XX, sáng tác của Nguyễn Minh Châu khẳng định ông luôn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Ông là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức, thế sự.
  • Trong thời kì nào Nguyễn Minh Châu đều sáng tác theo phương châm” Đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn mỗi con người” và ông luôn có cái nhìn thấu hiểu, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu đối với con người
  • Nguyễn Minh Châu có lối văn giản dị mà sâu sắc, thấm thía, nhiều dư vị, nhiều trải nghiệm, chiêm nghiệm.

Các tác phẩm tiêu biểu

  • Cửa sông (tiểu thuyết, 1967).
  • Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970)
  • Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972)
  • Miền chảy (tiểu thuyết, 1977)
  • Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977)
  • Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982)
  • Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết,1987)
  • Bến quê (tập truyện ngắn, 1985)
  • Chiếc thuyền ngoài xa (tập truyện ngắn, 1987)

Giải thưởng

Năm 2000: ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Phong cách sáng tác

  • Kết hợp hài hòa giữa tính triết lý và nét trữ tình, lãng mạn.
  • Ông thường xây dựng nhân vật theo hướng đa chiều, phức tạp nhưng lại hòa hợp, thống nhất đến vô cùng.

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác

Từ những năm 80 của thế kỉ XX,từ cảm hứng sử thi lãng mạn của những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh,  cảm hứng sáng tác của nhà văn dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong số những tác phẩm ra đời trong mạch cảm xúc này của tác giả. Tác phẩm mang đậm phong cách tự sự – triết lí

Tóm tắt

Phùng là một nhiếp ảnh gia nghệ thuật. Nhận lời từ trưởng phòng, anh đi thực tế tại một vùng biển là chiến trường năm xưa của anh. Sau một thời gian phục kích, cuối cùng, anh cũng chụp được một tấm ảnh vô cùng đắt giá: hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn mình trong làn sương mai của biển sớm. Nhưng khi chiếc thuyền vào đến bờ thì lại có chuyện không hay xảy ra. Người chồng vũ phu đã đánh đập vợ mình mặc cho đứa con trai đang hết lòng bảo vệ mẹ.

Những ngày tiếp theo, Phùng vẫn liên tục chứng kiến cảnh vũ phu ấy. Anh cùng với Đẩu, chánh án tòa án huyện, can thiệp vào. Người vợ từ chối sự giúp đỡ của Phùng và Đẩu, kiên quyết ở lại cùng chồng mình. Chị cũng giải thích cho cả hai về lí do khiến mình quyết định như vậy. 

Phùng trở về sau chuyến đi thực tế. Trưởng phòng rất hài lòng về những bức ảnh của anh. Lạ thay, mỗi khi nhìn vào bức ảnh, Phùng đều thấy màu hồng của ánh sương mai. Nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh…

Đọc – hiểu văn bản

Bức tranh trời phú

  • Để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển, trưởng phòng đã đề nghị nhiếp ảnh Phùng đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh với cảnh biển có sương mù. Anh đã chọn về một vùng biển là chiến trường xưa của mình để tác nghiệp.
  • Đây là bức tranh tuyệt mỹ, là cảnh sắc tuyệt đẹp mà đất trời, thiên nhiên đã ban tặng.
    • Anh ví bức tranh này như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ.
    • Hình ảnh bức tranh hiện lên thật sống động trong mắt người nghệ sĩ: Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờTất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp.
  • Đứng trước cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời đến vậy, tác giả đã rung động và phải thốt lên rằng: một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. → Sự nhạy cảm trong trái tim người nghệ sĩ.
  • Anh cảm nhận được cái đẹp và cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa: Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.
  • Chính vì sự rung động của mình, anh đã gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại. → Phùng bấm máy liên tục bởi anh không muốn bỏ qua bất kì khoảnh khắc tuyệt đẹp nào.

⇒ Phùng quay trở lại một vùng biển, nơi từng là chiến trường xưa của anh, để chụp bổ sung một cảnh biển có sương mù cho một bộ lịch nghệ thuật. Phùng phát hiện thấy bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ khiến cho anh rung động. Anh cảm nhận được cái đẹp của bức tranh ấy và cảm thấy rằng tâm hồn của mình như được gột rửa. 

Bức tranh cuộc sống đầy nghịch lý

  • Đang say đắm trong bức tranh thiên nhiên thì trớ trêu thay, anh bắt gặp một nghịch cảnh. Từ trong chiếc thuyền ấy, một người phụ nữ bước ra, theo sau là một người đàn ông:
    • Người phụ nữ: Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ.
    • Người đàn ông: Tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ.
  • Người đàn ông trở nên hùng hổ, dùng chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Mỗi lần quất xuống, lão lại nguyền rủa: Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!. Ngay lập tức, đứa con nít lao qua trước mặt Phùng, bảo vệ mẹ khỏi những đòn roi của cha nhưng không được.

→ Tất cả những điều vừa xảy ra trước mắt Phùng như một vở kịch câm, không lời thoại, không chú thích và đầy kịch tính đến nghẹt thở bởi những hành động phũ phàng, phi nhân tính.

Phùng vừa cảm nhận được triết lý cuộc đời qua bức tranh thuyền và biển tuyệt đẹp ấy. Nhưng thất vọng thay, cái cảnh anh vừa chứng kiến lại trái với luân thường đạo lý. Anh đã từng là người lính, từng cùng đồng đội chiến đấu để giữ gìn hòa bình trên mảnh đất quê hương nên đã chạy ra can ngăn. 

  • Lần thứ hai, Phùng vẫn lao ra cản người đàn ông ấy. Nhưng anh bị lão đàn ông đánh trả, làm anh bị thương.

Phùng cay đắng nhận ra một điều: Đằng sau vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên vẫn còn tồn tại biết bao nghịch lí, ngang trái, xấu xa.

Nghịch lí xuất hiện ở những nơi khó ngờ nhất.

Nhân vật người phụ nữ làng chài

  • Lai lịch: 
    • Là một người phụ nữ không có tên tuổi cụ thể, bà chỉ được gọi là mụ, người đàn bà hàng chài.
    • Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả về đan lưới.
  • Ngoại hình: Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ.
  • Khi bị chồng đánh: bà nhẫn nhịn chịu đựng: Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn. → 
  • Khi thấy thằng Phác chạy đến: chị cảm thấy đau đớn, nhục nhã, chắp tay vái rồi khóc: 
    • Người đàn bà dường như lúc này mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã.
    • Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy.
  • Khi ở tòa án huyện: 
    • Lúc đầu, bà ngại ngùng, sợ sệt và lúng túng:
      • Tuy không phải là lần đầu đến nơi công sở nhưng bà vẫn cảm thấy như vậy.
      • Ngay khi vừa đặt chân vào trong gian phòng đầy bàn ghế và giấy má liền tìm đến một góc tưởng để ngồi.
      • Chánh án Đẩu mời bà lên ngồi ở chiếc ghế mây thì phải đến lượt thứ hai, bà mới dám rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại.
    • Bà nhất quyết không li hôn chồng:
      • chắp tay vái lạy lia lịa: Con lạy quý tòa…
      • Bà chấp nhận đánh đổi để được ở bên chồng mình: Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…
    • Bà cảm ơn Đẩu và Phùng vì ý tốt của cả hai: Đây là chị nói thành thực, chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…
    • Bà thấu hiểu chồng của mình. Lão chỉ vì hoàn cảnh đẩy đưa nên mới đánh vợ chứ không phải do bản chất của lão.
    • Bà không đổ lỗi cho chồng mà nhận lỗi về phần mình: nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
  • Bà cũng như những người phụ nữ khác:
    • Bà vẫn cần một người đàn ông để chèo chống khi phong ba ập đến: Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông… (…) Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa.
    • Bà hi sinh tất cả vì chồng: chị chấp nhận oằn mình chịu những trận đòn roi để giải tỏa tâm lí cho chồng mình.
    • Bà chấp nhận hi sinh tất cả vì con: Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!

⇒ Bà là một người phụ nữ điển hình, đại diện cho những người mẹ Việt Nam yêu thương chồng, con và giàu đức hi sinh. Qua tác phẩm, ta có thể thấy được ở bà một vẻ đẹp sắc sảo của những người từng trải, sự nhân hậu, bao dung và tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ. Bà chấp nhận hi sinh tất cả vì chồng, vì con.

⇒ Thông qua nhân vật, tác giả bộc lộ niềm thương cảm cho nỗi thống khổ của con người. Đồng thời, đó còn là cái nhìn đầy ấm áp về vẻ đẹp tâm hồn con người.

Nhân vật Phùng

  • Là người có tâm hồn nghệ sĩ, nhạy cảm trước cái đẹp:
    • Anh sẵn sàng dành vài ngày, thậm chí là vài tuần chỉ để săn lùng được một bức ảnh đẹp.
    • Đứng trước cảnh sắc thiên nhiên đẹp tuyệt vời đến vậy, anh đã rung động và phải thốt lên rằng: một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào.
    • Anh cảm nhận được cái đẹp và cảm thấy tâm hồn mình như được gột rửa: Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.
    • Chính vì sự rung động của mình, anh đã gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.

⇒ Phùng là người nhạy cảm với cái đẹp. Không những thế, anh còn có những suy nghĩ sâu sắc về tương quan giữa con người và cái đẹp: cái đẹp thực sự có thể gột rửa, thanh lọc tâm hồn con người. 

  • Anh luôn có một tấm lòng trăn trở về con người:
    • Khi chứng kiến cảnh bạo hành, anh kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Sau đó, anh vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới.
    • Một lần nữa, Phùng chứng kiến cảnh bạo hành. Anh xông ta buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Nhưng lão ta đánh trả, làm anh bị thương và phải đưa về trạm y tế điều trị.
    • Sau khi nghe lời của người đàn bà hàng chài, anh cảm thấy gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá. Anh vén màn, bước ra đòi lại công lý cho mụ.

⇒ Anh mang trong mình một lòng dũng cảm của người lính, sẵn sàng đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ công bằng. Có lẽ vì thế nên anh không quen với những nghịch lý của cuộc đời.

  • Anh là một người có sự tự ý thức:
    • Ban đầu, Phùng là một người không thích nghi với nghịch lý. Anh luôn suy nghĩ một chiều, nhìn đời bằng một con mắt đơn giản. Khi thấy anh chồng vũ phu, anh hỏi người đàn bà hàng chài: Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?.
    • Sau khi nghe được lời kể của bà, anh thay đổi suy nghĩ. Anh thấu hiểu cho bà, cho hoàn cảnh của bà và cho những gì bà đã, đang và sẽ phải trải qua. Qua cuộc trò chuyện đó, anh mới vỡ lẽ ra nhiều điều, biết chấp nhận những nghịch lý của cuộc sống.

Tổng kết

Nghệ thuật

  • Xây dựng tình huống truyện hấp dẫn.
  • Xây dựng nhân vật độc đáo.
  • Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo.

Nội dung

Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa mang đến cho người đọc nhiều bài học đúng đắn về cuộc sống và con người:

  • Hãy nhìn vấn đề một cách đa chiều để cảm nhận được cái đẹp ẩn sâu trong đó. 
  • Đừng nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng mà phải áp dụng thực tiễn để nhìn và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn và hiệu quả.

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Nếu thích bài viết của Trần Nguyễn Nam Phương, hãy theo dõi trên
Comments to: Chiếc thuyền ngoài xa