GIỚI THIỆU :

Tác giả :

– Tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh 1921, mất 1988

– Quê : Đan Phượng , Hà Tây.

– Sau 1945, tham gia vào quân đội và làm biên tập viên Nhà xuất bản văn học.

– Ông là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, vẽ tranh, viết văn, sáng tác nhạc.

– Ông còn là Đại đội trưởng đoàn quân Tây Tiến

– Phong cách thơ: hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa  .

– Tác phẩm : Rừng biển quê hương, Mùa hoa gạo, Rừng về xuôi, Mây đầu ô

Tác phẩm :

– Hoàn cảnh sáng tác :

  + Vài nét về binh đoàn Tây Tiến: Thành lập 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, đánh tiêu hao lực lượng Pháp ở Thượng Lào. Địa bàn hoạt động : rừng núi Tây Bắc và Thượng Lào.Thành phần: Đa số là  học sinh, sinh viên Hà Nội . Tuy họ chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ nhưng vẫn sống lạc quan, chiến đấu dũng cảm.

 + Năm 1947 : Quang Dũng làm Đại đội trưởng binh đoàn Tây Tiến.

 + Năm 1948 : Anh chuyển sang đơn vị khác tại Phù Lưu Chanh nhớ đơn vị cũ,  tác giả viết bài thơ “ Nhớ Tây Tiến”, sau đổi thành “Tây Tiến” , in trong tập “ Mây đầu ô” .

– Thể thơ:

  + thể “ Hành”

  + mà lại phóng khoáng như nén chặt  mà lại bay bổng, âm điệu hào hùng.

  + thể thơ rất phù hợp với cảm hứng của nhà thơ về Tây Tiến :  Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng.

PHÂN TÍCH :

KHỔ 1: Nỗi nhớ về  những cuộc hành quân gian khổ  gắn với  cảnh vật và con người Tây Bắc

a) Hai câu thơ đầu:

  – một tiếng gọi:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !

Nhớ  về  rừng núi nhớ chơi vơi

  – Câu thơ thứ nhất là một câu cảm thán. Ba tiếng “ Tây Tiến ơi”, có thán từ “ơi” cất lên như một tiếng gọi tha thiết.

  – Điệp từ “Nhớ” kết hợp với từ láy “chơi vơi” nhấm mạnh nỗi nhớ triền miên, da diết làm tâm hồn bay bổng, bồng bềnh trong không gian và thời gian…

  ⇒ Nỗi nhớ trải dài từ cảnh vật đến con người, từ sông Mã, rừng núi Tây Bắc đến đồng đội và đoàn binh Tây Tiến.

b) Mười câu thơ tiếp theo:

  – Diễn tả nỗi nhớ về những cuộc hành quân gian khổ gắn với cảnh vật và con người Tây Bắc.

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

  – Địa bàn rộng lớn :  Những địa danh: Sài khao , Mường Lát , Mường Hịch , Pha Luông, Mai Châu được liệt kê với mật độ dày đặc trong khổ thơ vừa gợi thương nhớ, vừa gây ấn tượng về vùng đất xa xôi, heo hút, hiểm trở.                    

  – Thời tiết khắc nghiệt:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

  – Các chi tiết“ Sương lấp”, “ đêm hơi”  tả thực đoàn binh Tây Tiến hành quân trong đếm tối, sương mù dày đặc, gió núi rét căm căm làm “đoàn quân mỏi”.  .

  – Hình ảnh “Hoa về trong đêm hơi” lại mang vẻ đẹp lãng mạn. Dù mệt mỏi, người lính vẫn cảm nhận được mùi thơm của hương hoa ngan ngát khắp núi rừng Tây Bắc.

⇒ Tâm hồn lãng mạn, lạc quan.

  – Địa hình hiểm trở :        

Dốc lên khúc khủy, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời.

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống.

  – Điệp từ “ Dốc” cùng các từ láy: “khúc khuỷu,“thăm thẳm”, “ heo hút” gợi địa hình hiểm trở để cực tả sự gian truân của người lính ở chiến trường miền Tây.

  – Hình ảnh nhân hóa  “súng ngửi trời” vừa gợi tả độ cao ngất trời của những đỉnh núi quanh năm bao phủ mây mù, vừa thể hiện tính hồn nhiên, hóm hỉnh, tinh nghịch, tâm hồn lạc quan yêu đời của những người lính trẻ.

  – Điệp từ “ngàn thước”, cách ngắt nhịp giữa câu làm cho câu thơ tạo thành hai vế tiểu đối diễn tả dốc núi sừng sững, sừng sững như mái nhà chọc trời.

  – Sau những câu thơ toàn thanh trắc giọng thơ gắt, dồn nén gợi hơi thở mệt nhọc của những người lính khi leo núi, nhà thơ hạ bút viết một câu thơ toàn thanh bằng có nhạc điệu nhẹ nhàng, lâng lâng :

Nhà ai Pha Luông  mưa xa khơi

 Bản Pha Luông sầm uất của đồng bào Thái cao 1880m. Quang Dũng cùng đồng đội sau một chặng đường dài hành quân mệt nhọc đã ngồi nghỉ giữa lưng đèo, đỉnh núi, phóng tầm mắt qua làn mưa rừng thấy thấp thoáng những ngôi nhà như đang bồng bềnh trôi giữa biển “xa khơi”.

Hai chữ “nhà ai” cất lên như một tiếng khẽ gọi, nhiều man mác, bâng khuâng trước cảnh vật miền đất lạ, hữu tình nên thơ.

  – Chiến sĩ Tây Tiến hy sinh trong tư thế chiến đấu :    .                     

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời.

  – Hai từ “Anh bạn” là tiếng gọi đồng đội thân thương

  – Từ láy “dãi dầu” cho thấy sự vất vả, gian lao của người lính.

  – Cách nói giảm: “Không bước nữa”, “ bỏ quên đời” ,làm cho âm điệu câu thơ bi tráng, hào hùng.

  – Không khí ghê rợn, hiểm nguy rình rập:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”

  – Hai câu thơ có kết cấu song hành. Từ láy “Chiều chiều”, “Đêm đêm” gợi không gian âm u, bí hiểm của chốn rừng thiêng.

  – Âm thanh “thác gầm thét” ghê rợn của núi rừng còn là một thử thách ghê gớm đối với những chàng trai Hà Nội.

   – Hình ảnh “cọp trêu người” là cách nói dí dỏm về hiểm nguy mà người lính phải đối mặt.

⇒  Tác giả đã sử dụng sáng tạo nghệ thuật nhân hóa, lấy động tả tĩnh và bút pháp lãng mạn để tô đậm sự hoang sơ dữ dội của núi rừng miền Tây, tạo nên những vần thơ đặc sắc, đầy ấn tượng.

   c) Hai câu thơ cuối:

  – Miêu tả cảnh thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, con người Tây Bắc bình dị, đôn hậu:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai châu mùa em thơm nếp xôi”

  – Mai Châu là xứ Mường, cực Tây tỉnh Hòa Bình.

  – “Nhớ ôi” là nhớ lắm càng nhớ càng bồi hồi.

  – Các hình ảnh “cơm lên khói “, “thơm nếp xôi” đó là hương vị quen thuộc của cuộc sống miền Tây.

  – Nhà thơ không viết “Mùa gặt quê em” mà dùng từ “Mùa em”. Đây là cách nói rất sáng tạo và tình tứ, biểu cảm thể hiện nỗi nhớ chân thành của nhà thơ về tình nghĩa quân dân thủy chung, ấm áp, đậm đà.

⇒ Sơ kết :

  – Nghệ thuật : Kết hợp bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn, phối thanh hài hòa làm đọn thơ có nhạc điệu, âm điệu hào hùng (Thi trung hữu nhạc). Hình tượng thơ tráng lệ (thi trung hữu họa), nhiều biện pháp tu từ sáng tạo.

  – Nội dung : Quang Dũng đã lấy cái gian khổ ác liệt của núi rừng để tô đậm, ngợi ca và khẳng định bản lĩnh phi thường, ý chí chiến đấu kiên cường, tinh thần lạc quan yêu đời của cán bộ, chiến sĩ đoàn binh Tây Tiến.

KHỔ 2 : Nhớ những kỷ niệm gắn bó với con người và mảnh đất Tây Bắc trữ tình, thơ mộng:

    a) Bốn câu đầu :

  – Nhớ đêm liên hoan :

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

  – “Đuốc hoa” là cây nến thắp lên  trong đêm tân hôn.“Hội đuốc hoa” là cách nói ẩn dụ lãng mạn, tình tứ để đêm liên hoan lửa trại giữa binh đoàn Tây Tiến với đồng bào các bản mường. 

  -Từ “Bừng lên” vừa chỉ ánh lửa, ánh đuốc bừng sáng lên, vừa tả âm thanh tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, tiếng khèn vang lên tưng bừng, rộn rã và tâm hồn người lính Tây Tiến bừng lên một niềm vui, một sức sống mới.

  – “Kìa em” thể hiện  sự ngạc nhiên, niềm vui thích của các chiến sĩ khi thấy các “em”, các “nàng e ấp”, tình tứ trong những bộ xiêm áo lộng lẫy, trong một vũ điệu đậm màu sắc xứ lạ . Nét vẽ  có hồn ấy đã gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo, tình tứ của các thiếu nữ miền Tây Bắc.

  – Ánh  sáng lung linh của lửa đuốc, âm thanh réo rắt của tiếng khèn, màu xiêm áo rực rỡ, vẻ đẹp kiều diễm của các cô gái đã  “xây hồn thơ” những chàng trai Tây Tiến.

⇒ Bốn câu thơ chan hoà màu sắc, âm thanh làm say lòng người. Thi trung hưũ nhạc. Qua hội đuốc hoa ta thấy đời sống tinh thần vô cùng phong phú, tâm hồn lãng mạn, lạc quan, yêu đời của đoàn binh Tây Tiến nơi chiến trường miền Tây.

   b) Bốn câu sau :

  – Nhớ chiều sương Châu Mộc :

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”

  – Châu Mộc là một cao nguyên thuộc tỉnh Sơn la, nới có những bãi cỏ bát ngát, mênh mông, những đồi chè xanh ngắt, có dãy núi Pha Luông cao 1880 m như mái nhà chọc trời; nơi có bản Pha Luông sầm uất của đồng bào dân tộc Thái, nhà sàn lớp lớp nhấp nhô hiện lên trong làn mưa rừng.

  – Chữ “Người đi”, nhân vật trữ tình phiếm chỉ, vừa là đồng đội, vừa là nhà thơ.

  – Chiều sương ấy”:không gian huyền ảo, thơ mộng. Sương trắng phủ mờ núi rừng chiến khu, in đậm hồn người. Từ “ấy” câu thơ trên bắt vần với chữ “ thấy” trong câu dưới tạo nên một vần lưng giàu âm điệu, như một tiếng khẽ hỏi “có thấy” cất lên trong lòng.

  – “ nẻo” là lối đi, đường đi, là nơi chốn. “nẻo bến bờ” là bến bờ, sông suối hoang sơ, heo hút.

  – Hình ảnh nhân hóa “Hồn lau” là hồn mùa thu. Hoa lau nở trắng cờ, lá lau xào xạc trong gió thu. Sông nước , bến bờ lặng tờ , hoang dại như thời tiền sử.

  – Các từ ngữ, hình ảnh :“ chiều sương”, “ hồn lau nẻo bến bờ” đã thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận thiên nhiên rất lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên của một hồn thơ chiến sĩ hào hoa, tài hoa.

  –“ Dáng người trên độc mộc”  gợi tả dáng hình mềm mại, uyển chuyển, trẻ tráng của những chàng trai, của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc .

  – Cảnh vật  như hoà hợp với con người, những bông hoa rừng cũng “đong đưa” làm duyên trên dòng nước lũ.

  – Điệp ngữ “ có thấy” và “có nhớ” trong câu hỏi tu từ làm cho hoài niệm về chiều sương Châu Mộc thêm phần man mác, bâng khuâng. Nỗi nhớ cảnh, nhớ người choáng ngợp tâm hồn.

⇒ Sơ kết : Đoạn thơ không chỉ đẹp ở thi liệu, hình ảnh, màu sắc mà còn hấp dẫn về nhạc điệu, vần điệu. Về bằng, trắc, niêm luật, tám câu thơ như một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, kết hợp với những thi liệu cổ chọn lọc tạo nên vẻ đẹp cổ điển cho bức tranh suối rừng nơi miền đất lạ.

KHỔ 3 : Bức chân dung người lính trong  khổ ba bài“Tây Tiến”của Quang Dũng:

a) Sự đối lập giữa ngoại hình và khí phách:               

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

  – Hình ảnh tả thực : “Không mọc tóc”, “ xanh màu lá” gợi tả vẻ tiều tuỵ, xanh xao, hậu quả những trận sốt rét rừng khủng khiếp, của những thiếu thốn về vật chất ở chố rừng thiêng, nước độc.

  – Nghệ thuật đảo ngữ trong cụm từ “Tây Tiến đoàn binh” gợi một lực lương đông đảo, hùng hồn, âm điệu thơ hào hùng.

  – Hình ảnh ẩn dụ “dữ oai hùm” làm nổi bật khí phách, tinh thần can trường của đoàn quân mang dáng dấp người tráng sĩ xưa thể hiện qua. Đây cũng là một cách nói truyền thống trong thơ ca dân tộc ca ngợi sức mạnh Việt Nam: “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu” (Phạm Ngũ Lão), “ Tỳ hổ ba quân – Giáo gươm sáng chói.” (Trương Hán Siêu), “ Sĩ tốt kén tay tỳ hổ-Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh.” (Nguyễn Trãi).

    b) Sự tương phản giữa ngoại hình và tâm hồn:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm

  – Ngoại hình có vẻ dữ dằn thể hiện qua từ “Mắt trừng “, ánh mắt giận dữ căm thù giặc thể hiện một ý chí, thái độ chủ động tiêu diệt kẻ thù.

  – Tâm hồn lại hào hoa, lãng mạn: “Gửi mộng qua biên giới”, giấc mộng tiêu diệt quân thù, lập chiến công, “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”, mơ phố cổ yêu thương, về những cô gái đẹp ở Hà thành …

⇒ Quang Dũng diễn tả một cách tinh tế, tài hoa, chân thật tâm lí của chiến sĩ trẻ xuất thân từ tầng lớp trí thức ở Hà Nội. Họ khao khát yêu đương, tâm hồn lãng mạn , hào hoa của người lính. Khác người lính xuất thân từ tầng lớp nông dân

   c) Sự hy sinh cao đẹp của những người lính trẻ:             

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

  – Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” là hình ảnh tả thực những người lính hy sinh trên nẻo đường hành quân. Các anh vĩnh viễn nằm lại “nơi viễn xứ”, nơi chân đèo, góc núi. Câu thơ gợi ra bao tình cảm xót thương mà không bi lụy bởi tác giả dùng từ Hán Việt cổ kính trang trọng “biên cương, viễn xứ”

  –  Câu thơ tiếp theo nói lên lý tưởng sống cao đẹp của người lính: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Câu thơ vang lên như một lời thề cao cả, thiêng liêng: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh“

  – Hình ảnh “Áo bào thay chiếu anh về đất” vừa tả thực vừa lãng mạn. Những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có manh chiếu che thân , qua cái nhìn của Quang Dũng, lại được bọc những tấm “áo bào “ sang trọng. Tư thế ngã xuống lẫm liệt, hào hùng như những chiến binh năm xưa.

  – Cái bi thương ấy còn vơi đi nhờ cách nói giảm “anh về đất”. Các anh không chết chỉ là trở về với lòng đất mẹ thân thương sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Động từ “về” cho thấy tâm trạng thật thanh thản, nhẹ nhàng trước cái chết.

  – Quang Dũng đã tiễn biệt đồng đội của mình vào cõi vĩnh hằng trong một khung cảnh vô cùng bi tráng:

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

→ Câu thơ sử dụng nghệ thuật nhân hóa. Sông Mã như một chứng nhân lịch sử. Tiếng thác sông Mã “gầm lên” đau đớn, tiếc thương mang ý nghĩa tượng trưng cho Tổ quốc và nhân dân tiễn đưa các liệt sĩ về nơi “bất tử”.

⇒ Sơ kết : 

  – Nghệ thuật:

    + Đoạn thơ có sự kết hợp giữa bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn, bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại

    + Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng

    + Nghệ thuật tương phản được vận dụng xuyên suốt đoạn thơ

– Nội dung: Qua đoạn thơ Quang Dũng thể hiện tình cảm đau thương vô hạn và sự trân trọng, kính cẩn của mình trước sự hi sinh của đồng đội.

Khổ cuối : Lời thề của các chiến sĩ Tây Tiến:

Tây Tiến người đi không hẹn ước,

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi

  – Đoạn thơ thể hiện lí tưởng chiến đấu “một đi không về”của người lính . Họ ra đi chiến đấu, không hẹn ước ngày về“.  Họ vào chiến trường đi với quyết tâm: “Nhất khứ bất phục hoàn” (Một đi không trở lại) “Ba năm mẹ già cũng đừng mong” (Tống Biệt hành – Thâm Tâm).                                             

  – Nhà thơ nhớ về Tây Tiến là nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng và khẳng định mình không bao giờ quên những kỷ niệm về con người và mảnh đất nơi đây.

TỔNG KẾT :

  – Nội dung: Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, anh hùng đậm chất bi tráng trên cái nền của thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội và mỹ lệ ở Tây Bắc và con người Tây Bắc hào hoa đậm nghĩa tình.

  – Nghệ thuật: bài thơ Tay Tiến thể hiện phong cách thơ của Quang Dũng: Bút pháp lãng mạn, tài hoa, ngôn ngữ hình ảnh thơ sáng tạo, giàu tính họa, tính nhạc, vừa cổ điển vừa hiện đại, giọng điệu bi hùng.

Người đóng góp
Comments to: TÂY TIẾN – QUANG DŨNG