1. Ngữ văn lớp 11

Thực hành về nghĩa của từ trong sử dụng

Bài tập 1 / 74

a. Từ mang nghĩa gốc : là một bộ phận của cây, mọc ở cành hoặc thân cây, thường có màu xanh lá.

 

b. Các từ dưới đây đều được dùng theo phương thức chuyển nghĩa

  • lá gan, lá phổi, lá lách,… : chỉ các bộ phận trong cơ thể người
  • lá thư, lá đơn, lá thiếp, lá phiếu, lá bài,… : các vật làm bằng giấy 
  • lá cờ, lá buồm,… : các vật làm bằng vải
  • lá cót, lá chiếu, lá thuyền,… : các vật làm bằng gỗ, tre, nứa,…
  • lá tôn, lá đồng, lá vàng,… : các vật làm bằng kim loại

=> Cơ sở và phương thức chuyển nghĩa của từ dựa trên sự tương đồng về đặc điểm hình dáng của các sự vật và hình dáng lá cây ( mỏng, dẹt, phẳng,…)

 

Bài tập 2 / 74

  • Đầu 

=> Súng bên súng, đầu sát bên đầu

     Đêm đắp chung chăn thành đôi tri kỉ.

  • Chân 

=> Anh ấy là chân sút cừ khôi nhất trong đội bóng.

  • Tay

=> Cô trợ lí ấy là cánh tay đắc lực của ông giám đốc.

  • Miệng

=> Không tin tức nào mà anh ta – cái miệng của làng này không biết cả !

  • Óc 

=> Bộ óc sáng tạo nhất công ty thiết kế chính là chị ấy.

  • Tim

=> Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước,

     Chỉ cần trong xe có một trái tim.

 

Bài tập 3/ 75

  • Ngọt

=> Giọng hát của cô ấy ngọt như mía lùi.

  • Đắng

=> Tình đắng như ly cà phê.

  • Cay

=> Không thể tha thứ cho người đàn bà cay độc ấy.

  • Chua

=> Con bé đó tính tình ương ngạnh, chua ngoa với tất cả mọi người.

  • Bùi

=> Dù khó khăn đến mấy, họ vẫn bên cạnh nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi.

  • Mặn

=> Kiều càng sắc sảo mặn mà,

     So bề tài sắc lại là phần hơn.

 

Bài tập 4 / 75

Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

  • Cậy : là nhờ ai giúp việc gì đó

=> Đồng nghĩa với nhờ.

=> Nhờ chỉ mang sắc thái nhẹ nhàng, người được nhờ muốn giúp hay không cũng không sao. Còn cậy mang tính bắt buộc hơn, phải tin tưởng lắm, tôn trọng lắm, người ta mới cậy vào người khác. Cho nên dùng từ cậy để đối phương thấy rõ tâm ý, không nỡ chối từ.

 

  • Chịu : là bằng lòng nhận lấy điều bất lợi, đồng ý dù thích hay không

=> Đồng nghĩa với nhận, đồng ý, vâng.

=> Dùng từ nhận khi người được nhờ vả thấy hài lòng, thoải mái khi giúp đỡ. Dùng từ vâng khi đó là sự đồng ý của người nhỏ tuổi đối với người lớn tuổi (hoặc cấp trên). Hai từ trên đều là sự tự nguyện đồng ý một cách vui vẻ. Còn chịu là sự đồng ý trong một tâm trạng bị ép buộc, dù không muốn vẫn phải làm.

 

Bài tập 5 / 75

a. Nhật kí trong tù canh cánh một tấm lòng nhớ nước.

=> Các từ phản ánh, thể hiện, bộc lộ,… đều có điểm chung là có thể cảm nhận được những suy nghĩ, tâm trạng của con người, cảm xúc được tỏ ra bên ngoài.

=> Canh cánh là trạng thái lúc nào cũng lo lắng, không yên. Để nói về Nhật kí trong tù – những cảm xúc, suy nghĩ của Bác đối với đất nước thì dùng từ canh cánh Bác luôn lo lắng, suy tư, nồng nàn yêu nước.

 

b. Anh ấy không liên can gì đến việc này.

=> Các từ liên hệ, quan hệ không phù hợp về nghĩa của cả câu. Các từ can dự, liên lụy, dính dấp liên quan đến những hành vi xấu, có phần chủ động. Vì chưa biết rõ hoàn cảnh của câu này nên chưa sử dụng được.

=> Liên can là dính dáng đến trách nhiệm chung, của một cá nhân. Nên sử dụng từ này ý nói anh ấy không có hành vi nào liên quan, vô trách nhiệm hay làm tổn hại đến sự việc.

 

c. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

=> Từ bầu bạn có ý thân mật, thân thiện, gắn bó, như một khẩu ngữ. Từ bạn bè có ý chung chung nhưng hơi quá thân mật, mối quan hệ quen biết nhưng có tốt có xấu. Còn bạn hữu thì quá cụ thể, là tình bạn thân thiết, thấu hiểu.

=> Để nói về quan hệ quốc tế, nên dùng từ bạn. Vì từ bạn không quá cụ thể, gắn bó sâu sắc, thân mật hay suồng sã. Từ bạn mang ý chung chung nhưng đơn giản ý nghĩa chỉ là tạo dựng mối quan hệ thân thiết hơn, hỗ trợ nhau theo hướng tích cực.

Người đóng góp
Comments to: Thực hành về nghĩa của từ trong sử dụng