Cúm Tây Ban Nha 1918 là một trận dịch chỉ kéo dài vài tháng nhưng đã giết chết 50 đến 100 triệu người trên khắp thế giới, bao gồm 675 nghìn người Mỹ. Vì thế, trận dịch được xem như là một thước đo với đợt bùng phát dịch Covid – 19. Dù vậy, điều quan trọng nhất trong sự so sánh này không phải là sự tương đồng giữa chúng, mà là tiến bộ to lớn của ngành y mà chúng ta đã đạt được trong một thế kỉ qua. Dù có chuyện gì xảy ra tiếp theo, dịch cúm năm 1918 cũng không thể lặp lại.

 

Vào năm đó, khi dịch cúm quét qua California đến Kolkata, không một ai biết thứ gì đang giết chết họ, và người ta bắt đầu dựng nên nhiều giả thuyết. Một số thì cho rằng căn bệnh là do các hành tinh nằm lệch vị trí. Số khác đổ lỗi cho yến mạch Nga bị biến dị, hay núi lửa phun trào. Các nhà vi tế bào thì soi vào một loài vi khuẩn họ tìm ra được vài thập niên trước đó trong phổi của các bệnh nhân cúm, và gọi nó là Bacillu influenza. Chỉ đến năm 1933, tức là sau trận dịch 15 năm, hai nhà khoa học Anh mới chứng minh được căn bệnh là do một nguồn khác, thứ mà ta gọi ngày nay là virus. Cuối cùng, vào năm 1940, sử dụng kính hiển vi electron, người ta đã chụp được một bức ảnh của cúm Tây Ban Nha, và lần đầu tiên trong lịch sử loại người đã nhìn thấy được thủ phạm của dịch cúm.

 

Từ nghiên cứu trên, ta có thể thấy sự tương phản rõ rệt so với virus Corona gây nên dịch Covid – 19 là rất lớn. Ngay từ lúc bắt đầu bùng phát dịch ở Vũ Hán, các nhà khoa học đã xác định được chủng virus Corona, tái lập được trình tự gen của chúng, và tìm ra vật chủ tiềm năng nhất: dơi. Những thông tin này ngay lập tức được chia sẻ trong giới khoa học, cho phép các phòng thí nghiệm trên thế giới bước vào quá trình dài hơi và phức tạp nhằm hiểu rõ về chủng virus này, sau đó tìm ra vaccine và cách chữa trị. Có thể nói là: chúng ta chưa đánh bại kẻ thù, nhưng chúng ta biết nhiều về nó.

 

Mặc khác, đại dịch Cúm 1918 bùng phát vào thời kì tiền kháng sinh. Mặc dù kháng sinh không chống được virus, chúng có thể chống được các dạng nhiễm trùng theo sau virus. Các dạng nhiễm trùng thứ cấp này gây viêm phổi nặng, và được xem là nguyên nhân chính gây chết người hồi năm 1918. Bác sĩ lúc đó thường không có nhiều công cụ; họ thường dùng kí ninh, champagne không ngọt, và phenolphtalein, thậm chí họ còn thử rút máu để chữa bệnh cho binh lính. Khi thất bại, họ cho rằng lí do là phương pháp này không được áp dụng sớm hơn vào thời kì đầu của bệnh. May mắn là các bệnh nhân vẫn tai qua nạn khỏi.

 

Ngược lại, hôm nay chúng ta sống trong một thế giới với nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau. Mặc dù vẫn có nhiều lo ngại rằng virus đang càng ngày kháng thuốc, kháng sinh vẫn được xem như là một công cụ đầy sức mạnh để đối phó với viêm phổi thứ cấp. Các báo cáo ban đầu cho thấy dạng viêm nhiễm này xuất hiện ở các bệnh nhân Covid – 19, và đối với nhiều người, kháng sinh có thể giúp chữa trị. 

 

Ngoài kháng sinh ra, chúng ta còn có một loại thước khác: kháng virus, thứ sẽ nhắm thẳng vào virus gây bệnh. Có ít nhất bốn dạng kháng virus đã được cho phép, một số qua đường miệng và một số qua đường tĩnh mạch,chúng đã được kê cho bệnh nhân nhiễm Covid – 19 và mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân.

 

Tiếp theo, lí do mà dịch cúm Tây Ban Nha không thể lặp lại là do sự ra đời của các bệnh viện hiện đại, săn sóc hồi sức tích cực đã thay đổi cách chúng ta phản ứng với dịch bệnh. Trong dịch cúm năm 1918, các bệnh viện không cung cấp được nhiều phương thức điều trị, và nhiều bệnh nhân chỉ được đưa vào một căn phòng lớn nơi hàng chục, thậm chí hàng trăm người nằm ho, ngăn cách nhau bởi một chiếc khăn trải giường mỏng dính. Ngày nay, chúng ta đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát nhiễm trùng và sự cần thiết phải cách li bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo. Bệnh viện có phòng chăm sóc tích cực, nơi các bệnh nhân nặng nhất được chăm sóc. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được dùng các máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, thường được gọi là máy ECMO. Với một bệnh nhân là người trẻ, không bị vấn đề mãn tính về phổi và tim, máy ECMO có thể được xem như là một phao cứu sinh.

 

Ngoài các máy chuyên biệt, chúng ta còn có các bác sĩ và y tá chuyên ngành về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và các bệnh nhiễm trùng. Một thế kỉ trước, chẳng có vị bác sĩ nào được đào tạo chuyên ngành nào cả. Bác sĩ chăm sóc bệnh cúm có thể là bác sĩ xương khớp, phụ sản hay thậm chí là người cắt ruột thừa. Ngày nay, chúng ta coi trọng tính chuyên khoa; các bác sĩ không thể chữa trị bất cứ thứ gì nằm ngoài chuyên ngành của họ, nhưng lại là điều rất tốt cho nhân loại. Các bác sĩ có thể cứu sống một bệnh nhân mà một thế kỉ trước không qua khỏi nhờ kiến thức, kĩ năng mà họ đã học trong chuyên ngành đó.

 

Chúng ta vẫn chưa rõ dịch bệnh Covid – 19 sẽ phát triển tới đâu, và lây bệnh tới mức nào, nhưng nhờ những tiến bộ của y học, nên hậu quả của dịch cúm Tây Ban Nha 1918 rất khó để lặp lại. Hãy bình tĩnh, chờ đợi những hướng dẫn của nhà chức trách, và trong lúc chờ dịch giảm xuống, hãy tạo ra thói quen rửa tay, che miệng khi ho và giữ khoảng cách khi giao tiếp để giảm đi nỗi sợ – vốn làm cho thiệt hại ngày càng nặng nề hơn.

 

Nguồn: https://www.vox.com/2020/3/9/21164957/covid-19-spanish-flu-mortality-rate-death-rate Vox, why we should stop comparing the Covid – 19 corona virus with Spanish flu. 

Ghé ngay Lecttr để đọc: Lecttr.com 

Người đóng góp
Comments to: Cúm Tây Ban Nha 1918 có thể lặp lại được không?