Tìm hiểu chung

Tác giả

Nguyễn Khuyến ( 1835 – 1909 )

Nguyễn Khuyến ( 1835 – 1909 )

Quê quán : quê nội ở xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

Cuộc đời :

  • Gia đình có truyền thống hiếu học, cha ông đều đỗ tú tài.
  • Năm 1864, đỗ đầu kì thi Hương. Năm 1871, đỗ đầu kì thi Hội và thi Đình. Do  đỗ đầu cả 3 kì thi nên gọi là Tam Nguyên Yên Đổ .
  • Làm quan khoảng 10 năm, sau đó cáo về quê ở ẩn, dạy học

 

Tác phẩm

Xuất xứ

Viết bằng chữ Hán ( Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư ), sau được Nguyễn Khuyến dịch ra chữ Nôm và phổ biến hơn.

Thể thơ theo nguyên tác : ngũ ngôn cổ phong trường thiên

Thể thơ theo bản dịch : song thất lục bát

 

Hoàn cảnh sáng tác và chủ đề

Hoàn cảnh : Dương Khuê là người bạn thân tâm đầu ý hợp, là tri kỉ của Nguyễn Khuyến. Năm 1902, Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đau lòng viết bài thơ khóc bạn.

Chủ đề: Nỗi đau xót tột cùng khi mất đi người tri âm tri kỉ. Từ đó ca ngợi tình bạn thiêng liêng, vô giá, đặc biệt là giữa hai con người tài năng, đồng điệu về tư tưởng và nhân cách cao đẹp.

 

Đôi nét về Dương Khuê

Dương Khuê ( 1839 – 1902 )

Dương Khuê ( 1839 – 1902)

Hiệu Vân Trì, tự Giới Nhu, là nhà thơ, là quan nhà Nguyễn vào TK XIX.

Quê quán : làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông

Cuộc đời : xuất thân trong một gia đình nhà Nho, người văn hay, chữ tốt, làm quan cùng thời với Nguyễn Khuyến. Sự nghiệp nơi quan trường cũng khá thăng trầm. Ông và Nguyễn Khuyến có nhiều nét đồng điệu, trở thành tri kỉ, có một tình bạn đẹp và cao quý.

 

Phân tích tác phẩm

Hai câu đầu : Sự ra đi đột ngột của Dương Khuê

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta. 

Cách xưng hô trân trọng, gần gũi, vừa thể hiện ra cách tôn trọng trong lứa tuổi : Bác Dương

Nói giảm nói tránh, cảm giác bàng hoàng, thẩn thờ : thôi đã thôi rồi

Cảm xúc đượm buồn, đau buồn chân thành qua từ láy man mác, ngậm ngùi. Đây là những từ thể hiện cảm xúc rất hiệu quả, bậc lên tình cảm sâu thẳm của nhà thơ.

=> Nguyễn Khuyến bày tỏ niềm đau xót khi mất đi người tri kỉ một cách kính trọng và điềm đạm. Càng điềm đạm, nhẹ nhàng tâm tình, ta lại càng thấy nỗi đau, nỗi mất mát ấy càng lớn. Tác giả như thẩn thờ, lạc lõng, day dứt khôn nguôi.

 

Câu 3 – 22 : Lời tâm tình, gợi lại kí ức xưa của Nguyễn Khuyến

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

Nguyễn Khuyến hồi tưởng lại những kỉ niệm bên người bạn của mình, họ gặp gỡ nhau nơi trường thi, cùng đăng khoa, cùng làm quan : Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Họ có một tình bạn vô cũng đẹp đẽ :

  • Đó là tình cảm chân thành, kính trọng lẫn nhau : sớm hôm cùng nhau, kính yêu từ trước tới sau
  • Đó là sự giao hòa giữa hai tâm hồn đồng điệu, những tư tưởng lớn, nhân cách lớn gặp nhau : khác đâu duyên trời
  • Phép điệp cấu trúc : Có lúc … Có khi , thể hiện sự gắn bó mật thiết ( chơi nơi dặm khách, rượu ngon cùng nhắp, bàn soạn câu văn, … )
  • Sự tôn trọng, cao cả, chân thành trong một tình bạn thật sự : Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đẩu thăng chẳng dám tham trời ;

Sự chấp nhận khi tuổi già đến rất nhanh :

Bác già, tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là !

Nguyễn Khuyến rất muốn cùng Dương Khuê trở về với những kỉ niệm đẹp khi xưa nhưng tuổi già thêm nhác

Tác giả vẫn nhớ ba năm trước khi gặp bạn, Nguyễn Khuyến đã cùng bạn tâm sự hết thảy mọi việc và cũng rất mừng cho bạn : Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

=> Nguyễn Khuyến ôn lại những kỉ niệm đẹp khi xưa, khi tác giả và Dương Khuê kề vai sát cánh. Họ tương đồng từ tính cách, nhân cách, tài giỏi, thanh liêm, và bị dày vò bởi thời cuộc. Nhưng giờ đây chỉ còn một mình Nguyễn Khuyến ở lại, người ở lại sẽ là người đau buồn day dứt mãi, mất đi tri kỉ sẽ khiến Nguyễn Khuyến lẻ loi, lạc lõng mãi về sau.

 

Câu 22- hết : Nỗi đau mất bạn, mất tri kỉ

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan !

Tác giả trở về với thực tại, với nỗi đau, vừa tự hỏi, vừa trách Dương Khuê sao lại để một mình người bạn già này ở lại : Làm sao bác vội về ngay, Sao vội vàng đã mãi lên tiên 

Vẫn còn thái độ bàng hoàng, ngẩn ngơ, sửng sốt : Làm sao, chợt nghe, sao..đã

Sự tiếc nuối, nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi  -> Điệp ngữ trùng điệp ( không, ai )

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa.

Dùng điển tích điển cố ( giường treo của Từ Trĩ, tiếng đàn tri âm của Bá Nha và Tử Kì ) , tác giả muốn nói rằng tình bạn giữa ông và Dương Khuê cũng thiêng liêng như vậy. Ngoài Dương Khuê, sẽ chẳng ai có thể hiểu hết tâm tư Nguyễn Khuyến nữa. Mà nỗi niềm không ai có thể san sẻ được, thì đau đớn vô cùng.

Nỗi đau thấm thía từ tấm lòng chân thành sâu sắc : tác giả nhớ bạn, thương bạn khôn nguôi. Tình yêu to lớn thể hiện rõ rệt trong bốn câu cuối :

Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương ;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan !

Lúc tuổi già, Dương Khuê để lại Nguyễn Khuyến không một người tâm sự. Cuối bài thơ, tác giả dâng trào dòng nước mắt. Câu thơ như thể hiện cảm xúc nuốt ngược nước mắt vào trong, nhưng lệ cứ chứa chan, không nguôi ngoai được.

Nỗi mất mát ngay lúc ấy, chính là cả sự cô đơn đọng lại mãi về sau :

Năm nay tớ đã bảy mươi tư,

Rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ.

Bạn già lớp trước nay còn mấy ?

Chuyện cũ mười phần chín chẳng như.

( Đại lão – Nguyễn Khuyến )

=> Mất đi một người tri kỉ, là niềm đau không gì lột tả, và những năm tháng về sau, Nguyễn Khuyến sẽ sống trong sự đau đáu ấy, sống trong cô độc về tinh thần. Tình cảm gắn bó, thiêng liêng tác giả bày tỏ, thể hiện tình bạn mãnh liệt, cao đẹp, hiếm có và ghi dấu mãi không phai.

 

Đánh giá

Nghệ thuật

  • Sử dụng hàng loạt biện pháp nghệ thuật : điển tích, điển cố, phép điệp, nói giảm nói tránh, liệt kê, so sánh,… làm bật lên tâm trạng của tác giả
  • Hình ảnh, ngôn ngữ giàu hình tượng, lời thơ giản dị, điềm đạm, nhẹ nhàng mà chân thành, trân trọng, yêu thương sâu sắc.
  • Thể thơ song thất lục bát giúp thể hiện rõ nét nhất lời tâm tình, tiếng khóc bạn của Nguyễn Khuyến, âm điệu nghẹn ngào, vừa dạt dào, sâu lắng.

Nội dung

  • Bày tỏ nỗi đau xót khi mất đi người bạn, người tri kỉ. Từ đó thấy được tình bạn chân thành, cao quý, xuất phát từ trái tim.
  • Sự đồng điệu giữa hai tâm hồn, tư tưởng lớn và cách nhìn thời thế càng làm tác giả đau đớn hơn. Mất đi một người thanh liêm, cùng chí hướng, một người ở lại bất lực nhìn thời cuộc.

 

 

Người đóng góp
Comments to: Khóc Dương Khuê