Tìm hiểu chung

Tác giả

Cuộc đời

  • Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, quê ở Quảng Bình, sinh ra trong một gia đình viên chức công giáo nghèo; cha mất sớm, sống với mẹ ở Quy Nhơn.
  • Ông học trung học ở Huế; sau đó làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo.
  • Năm 1936, ông mắc bệnh phong, về Quy Nhơn chữa bệnh và mất ở trại phong Quy Hòa.

Sự nghiệp sáng tác

  • Ông là nhà thơ có sức sáng tạo mãnh mẽ nhất và là hiện tượng thơ kì lạ bậc nhất trong phong trào Thơ mới.
  • Ông làm thơ từ năm 14, 15 tuổi với các bút danh: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử, sau đổi thành Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử bắt đầu bằng thơ cổ điển Đường luật, sau chuyển sang thơ mới lãng mạn.
  • Các tác phẩm tiêu biểu: Gái quê (1936), Thơ Điên (1938), Xuân như ý,….

  • Ý nghĩa tên: “Hàn Mạc Tử” nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. ”Hàn Mặc Tử” có thêm “vầng trăng khuyết” vào bức rèm lạnh lẽo để lột tả cái cô đơn của con người trước thiên nhiên, vạn vật, có nghĩa là “chàng trai bút nghiên”.

Tác phẩm

Xuất xứ

In trong tập Thơ Điên, sáng tác năm 1938.

Hoàn cảnh sáng tác

Được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế mộng mơ.

Bố cục

Gồm 3 khổ

  • Khổ 1: Cảnh vườn thôn Vĩ Dạ, cảm xúc đắm say mãnh liệt với cảnh và người.
  • Khổ 2: Cảnh sông nước êm đềm, cảm xúc buồn chia ly.
  • Khổ 3: Cảnh và người chìm trong mộng ảo.

Thể loại

Thơ mới thể 7 chữ.

Chủ đề

Mượn thiên nhiên và tình người thôn Vĩ, tác giả bộc lộ lòng thương nhứ, ước mơ nhưng lại tràn ngập hoài nghi, không hi vọng.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

  • Thiên nhiên thôn Vĩ:
    • ”Nắng hàng cau”: nắng thanh tân, tinh khôi mà chỉ hàng cau – cây cao nhất trong vườn – vào lúc ban mai mới có được.
    • ”Nắng mới lên”: nắng đầu tiên của ngày mới mẻ, ấm áp.
    • “Vườn ai mướt qua xanh như ngọc”: khu vườn thôn Vĩ ánh lên vẻ óng ả, mượt mà, tràn trề nhựa sống và cũng không kém phần quý phái, sang trọng.
  • Con người thôn Vĩ:
    • “Mặt chữ điền”: khuôn mặt phúc hậu, cương trực theo quan niệm tướng mạo thời xưa.
    • “Lá trúc che ngang”: gợi vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, như một nét vẽ hoàn hảo tô thêm nét đẹp của khuôn mặt chữ điền.

=> Thiên nhiên và con người thôn Vĩ hòa hợp với nhau trong một vẻ đẹp kín đóa, thùy mị, mang đậm chất Huế.

  • Tâm trạng thi nhân:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”: tác giả tự phân thân để hỏi chính mình, xem như đó là cái cớ để chờ đợi, để bày tỏ tình cảm, ước mong được trở về thôn Vĩ Dạ.

=> Nhà thơ thể hiện niềm ao ước muốn trở về thôn Vĩ, hi vọng về tình yêu và hạnh phúc lóe sáng.

Câu 2

  • “Gió theo lối gió”, “mây đường mây”: thiên nhiên khác thường, trái ngược với thực tế => gợi sự chia lìa.
  • “Dòng nước buồn thiu”: nước sông Hương trở nên buồn bã.
  • “Hoa bắp lay”: gợi sự hiu hắt, thưa vắng.
  • “Trăng”: lung linh, huyền ảo.

=> Cảm xúc của thi nhân có sự biến đổi: từ mong đợi, tràn đầy hi vọng chuyển thành buồn hiu hắt, có sự cảm chia xa.

Câu 3 

  • “Khách đường xa”: diễn tả khoảng cách xa xôi, cách trở => Tác giả tha thiết, khắc khoải hướng về người thương nhưng lại cảm thấy quá xa vời.
  • Các từ trắng, sương khói, xa… tạo cảm giác mờ ảo, khó nắm bắt.
  • Chút hoài nghi trong “Ai biết tình ai có đậm đà” có mang theo niềm tha thiết với cuộc đời vì: Câu thơ là câu hỏi tu từ chất chứa hoài nghi, băn khoăn, thể hiện niềm hi vọng trong tâm hồn tha thiết yêu mến cuộc sống và con người dù trong hoàn cảnh bi đát.

Câu 4

  • Sự lặp lại của các câu hỏi tu từ thể hiện sự khắc khoải, khát khao tình yêu, hạnh phúc.
  • Đại từ phiếm chỉ “ai” xuất hiện dày đặt trong các dòng thơ gợi sự mơ hồ.
  • Ngôn ngữ thơ trong sáng, tinh tế, đa nghĩa.
  • Các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, điệp ngữ… mang hiệu quả biểu đạt cao.

Đọc – hiểu tác phẩm

Khổ một

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”

  • Câu hỏi tu từ có thể hiểu theo 2 nghĩa:
    • Lời của cô gái: mang theo ý trách móc nhẹ nhàng, hay cũng là lời mời mọc, nhắc nhở “anh” về thôn Vĩ.
    • Lời của tác giả: tự hỏi bản thân, trách móc mình sao vẫn chưa về thôn Vĩ.

=> Bày tỏ ước muốn được trở về thôn Vĩ Dạ, đồng thời khẳng định tình cảm mãnh liệt của tác giả với cuộc sống và con người.

  • “Về chơi” : khác với “về thăm”, mang sắc thái gần gũi, thân thiết của mỗi quan hệ giữa người hỏi và người được hỏi.

=> Câu thơ bảy chữ có tới sáu thanh bằng khiến âm hưởng thơ nhẹ nhàng, tha thiết. Thanh trắc duy nhất nằm ở cuối câu lại vào chữ Vĩ. Đây chính là nỗi nhớ thương, niềm tiếc nuối trong lòng nhà thơ.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

  • Điệp từ “nắng”: nhấn mạnh cái nắng gay gắt của miền Trung – hình ảnh khắc sâu trong tâm trí những người con xa xứ.
  • “Nắng hàng cau” : cau là cây cao nhất trong vườn nên sớm đón được những tia nắng đầu tiên trong ngày làm cho tàu lá lấp lánh ánh mặt trời buổi sớm – gợi lên sự hài hòa giữa màu vàng rực rỡ của nắng với hàng cau tươi xanh.
  • “Nắng mới lên”: những tia nắng đầu tiên của bình minh, phó từ “mới” đặc biệt nhấn mạnh sự trong trẻo, tinh khôi của ánh nắng ngày mới.

=> Hai từ “nắng” không những gợi đúng đặc điểm của nắng miền Trung: nắng nhiều, ánh nắng rực rỡ ngay từ lúc bình mình mà còn gợi được vẻ đẹp của nắng nơi thôn Vĩ: nắng mới lên thật trong trẻo, tươi tắn, tinh khôi.

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

  • “Ai”: đại từ phiếm chỉ mang ý bâng quơ.
  • Tính từ “mướt”: gợi được vẻ đẹp của màu xanh non mơn mởn trong ánh ban mai.
  • Từ chỉ mức độ “quá”: bộc lộ cảm xúc vừa ngạc nhiên vừa ca ngợi của nhà thơ khi nhận ra vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn.
  • Phép so sánh đậm chất “thi trung hữu họa” của thơ Đường – “xanh như ngọc” : khắc họa hình ảnh những lá cây xanh mướt được “nắng mới lên”, ánh mặt trời rực rỡ buổi sớm mai chiếu xuyên qua tạo thành một màu xanh ánh như ngọc – đầy sự lộng lẫy, cao quý, không phải ai cũng có thể với tới được – tựa như ước mơ được khỏi bệnh của tác giả không thể trở thành hiện thực => Tạo thành nỗi ám ảnh khắc sâu trong lòng Hàn Mặc Tử.

=> Vườn thôn Vĩ sáng bừng lên trong ánh nắng ban mai, xinh xinh “như một bài thơ tứ tuyệt” (Xuân Diệu). Phải là một người có tình yêu tha thiết với thiên nhiên, có ân tình thật sâu sắc, đậm đà với thôn Vĩ đến mức nào mới có thể lưu giữ được trong tâm trí những hình ảnh sống động và đẹp như vậy.

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

  • “Mặt chữ điền”: khuôn mặt phúc hậu, nhiều phúc khí theo quan niệm của người xưa: 

“Mặt má bầu ngó lâu muốn chửi

Mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua”

(Ca dao)

  • “Lá trúc che ngang”: nét điểm thêm tinh tế, khéo léo, làm con người thôn Vĩ hiện lên thật kín đáo, dễ mến, đúng với tính cách con người xứ Huế.

=> Câu thơ được khắc họa theo hướng cách điệu hóa. Cảnh và người hòa hợp làm một bức tranh bình dị mà thơ mộng, góp phần bộc lộ nỗi niềm mong muốn trở về thôn Vĩ – nơi có một tình yêu ấp ủ trong lòng nhà thơ. 

  • Tiểu kết: Khổ thơ đầu là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ Dạ đẹp đẽ, tươi sáng. Qua đó, ta thấy được niềm vui của Hàn Mặc Tử khi nhận được tín hiệu tình yêu của người thương, đồng thời là niềm hi vọng lóe sáng về tình yêu và hạnh phúc.

Khổ hai

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

chở trăng về kịp tối nay ?

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

  • Điệp từ “gió” – “mây”dấu phẩy ngắt đôi câu thơ: có tác dụng nhấn mạnh sự chia li , tan tác, buồn bã. Mây, gió không vận động theo quy luật tự nhiên: gió thổi – mây bây mà chúng lại vận động theo tâm trạng của con người
  • Phép nhân hóa “dòng nước buồn thiu” : dòng sông Hương như chở nặng tâm trạng, nỗi niềm, biết buồn bã, biết chia ly => Tâm trạng của tác giả ảnh hưởng đến cảnh vật.
  • “Hoa bắp lay” : động từ “lay” gợi sự chuyển động nhẹ nhàng, làm cho cảnh vật càng thêm buồn hiu hắt, không khí càng thêm đìu hiu => Phù hợp với tâm trạng u buồn, cô đơn, hoàn cảnh đầy mặc cảm của nhà thơ. 

=> Hai câu thơ vang lên như điệu hò xứ Huế, thiết tha, thương nhớ. Nhà thơ tả thực vẻ đẹp êm đềm, nhịp sống khoan thai của xứ sở này: gió cứ nhẹ thổi, mây nhẹ trôi, dòng nước sông Hương lững lờ yên tĩnh cả một vùng ngút ngàn hoa bắp lay.

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay ?”

  • Trăng như một người bạn đồng hành với mọi biến cố trong cuộc đời Hàn Mặc Tử. Với ông, trăng tồn tại và xuất hiện ở khắp mọi nơi:

”Không gian dày đặc toàn trăng cả

      Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”

                                                            (Huyền ảo – Hàn Mặc Tử)

  • Ánh trăng ở đây được cách điệu hóa; tràn ngập bến nước khiến dòng sông trở thành “sông trăng”, bến đợi thành “bến sông trăng”, thuyền trở thành ”thuyền chở trăng” => Cảnh vật trở nên lung linh huyền ảo, thơ mộng nhưng gợi lên một nỗi buồn nhẹ nhàng.
  • “Ai”: đại từ phiếm chỉ, không rõ ràng, không biết là ai.
  • “Thuyền chở trăng” : hình ảnh lãng mạn, hư ảo, sáng tạo độc đáo và chỉ có ở trong thơ Hàn Mặc Tử. 
  • Câu hỏi tu từ “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” : như một lời nhắn gửi mang nỗi buồn phảng phất, chất chứa bao niềm khắc khoải, sự chờ đợi mỏi mòn tình yêu, hạnh phúc của thi nhân.
  • Từ “kịp” cùng câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay ?” hé mở cho người đọc mặc cảm về một hiện tại ngắn ngủi với nỗi cô đơn trước sự vơi đi nhanh chóng của thời gian; mang hàm ý xót xa: liệu ông có còn diễm phúc được thưởng thức vẻ đẹp của xứ Huế, của thôn Vĩ nữa không? 

=> Hàn Mặc Tử rất yêu cuộc sống, yêu cảnh vật xứ Huế và con người nơi đây. Ông khao khát được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, khao khát được hưởng hạnh phúc, nhưng mọi thứ dường như đang rời bỏ ông. Câu thơ gợi ra nỗi buồn man mác của nhà thơ mỗi khi nhớ đến những kỉ niệm không thể quên về xứ Huế, về thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Tiểu kết: Khổ thơ vẽ nên bức tranh thiên nhiên đất trời tuyệt đẹp nhưng ảm đạm, u buồn, phảng phất tâm trạng cô đơn, dự cảm về sự chia lìa của thi nhân. Cảm xúc Hàn Mặc Tử có sự thay đổi rõ rệt: từ tươi sáng, vui vẻ, ước ao sang trầm buồn, hiu hắt.

Khổ ba

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?

“Mơ khách đường xa, khách đường

Áo em trắng quá nhìn không ra”

  • Động từ “Mơ” đứng đầu câu: diễn tả sự chìm đắm của tác giả trong thế giới của mộng ảo, đối diện với lòng mình, mơ về con người thôn Vĩ.
  • “Khách đường xa”: có lẽ là Hàn Mặc Tử, cũng có thể là hình ảnh trong mơ của người thương. Biện pháp điệp ngữ làm câu thơ vang lên như một tiếng gọi; nhịp thơ tăng nhanh như cảm xúc của tác giả đang chuyển sang nhanh gấp, vội vã vì ông cảm nhận được dường như khoảng cách của mình và người trong mộng ngày càng xa xôi, cách trở => Nỗi mong ước, khát khao được trở về thôn Vĩ càng thêm da diết, xót xa. 
  • “Áo em trắng quá”: có lẽ là tà áo dài màu trắng của người con gái xứ Huế, cũng có lẽ là tà áo trắng của những người bác sĩ, y tá trong trại phong.
  • “Nhìn không ra”: thể hiện sự bất lực của thị giác, gợi vẻ mờ ảo, khó nắm bắt => Tâm trạng thảng thốt, tuyệt vọng trước màu trắng trinh nguyên, trong sáng.

=> Người con gái yêu thương hiện lên lung linh, hư ảo bởi chỉ xuất hiện trong giấc mơ của Hàn Mặc Tử. Bóng dáng người xưa biết bao thân thiết nhưng cũng thật xa vời, mờ ảo. 

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

  • “Ở đây”: có thể là ở trại phong Quy Hòa, nơi nhà thơ đang trị bệnh hay cũng có thể là ở thôn Vĩ Dạ nhưng dù là ở đâu thì cũng bao phủ bởi sương khói.
  • “Sương khói”: hình ảnh ẩn dụ cho thời gian và không gian xa cách mong manh, tuy mờ ảo nhưng lại không thể nào xóa tan được => Làm tăng gấp bội nỗi đau của nhà thơ – Hàn Mặc Tử không chỉ phải chịu nỗi đau về thể xác mà còn phải chịu nỗi đau về tinh thần: không bao giờ thực hiện được khao khát được trở về thôn Vĩ, được bày tỏ tình cảm của mình.
  • Câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà ?” : vừa chất chưa nỗi hoài nghi, băn khoăn, vừa thể hiện niềm tin tha thiết của nhà thơ với đời, với người. Đại từ phiếm chỉ “ai” làm câu thơ trở nên đa nghĩa:
    • Giữa màn sương khói mờ ảo giăng kín đất trời xứ Huế, không biết tình yêu của người con gái ấy có đậm đà hay cũng mong manh như sương khói kia ?
    • Một người mang trong mình mặc cảm về bệnh tật và cái chết nhưng vẫn hướng về tình yêu chỉ có một nỗi băn khoăn duy nhất rằng liệu người con gái Huế ấy có biết tình cảm nhớ thương da diết, sâu đậm mà nhà thơ dành cho cô hay không ?

=> Dù hiểu theo nghĩa nào, câu thơ cũng góp phần làm tăng thêm nỗi hoài nghi, cô đơn, trống vắng của một tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu người.

=> Hai câu thơ cuối của bài thơ bày tỏ khát vọng về một tình yêu tha thiết nhưng không kém u buồn. Câu hỏi kết thúc tác phẩm cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”.

  • Tiểu kết: Khổ thơ cuối là bức tranh cảnh vật mờ ảo, gần như hư vô. trong suốt. Tâm trạng của thi nhân cuối cùng chỉ còn là khắc khoải, chờ mong.

Tổng kết

Nội dung

  • Bài thơ là một bức tranh đẹp về thôn Vĩ, về xứ Huế mộng mơ. Ở bức tranh về miền quê đất nước đó có sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và cũng có cả tiếng lòng của một hồn thơ tha thiết yêu đời, yêu người.
  • Mỗi khổ thơ có thể xem như một bài thơ tứ tuyệt, đều thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu con người vừa tha thiết, vừa vô vọng của Hàn Mặc Tử –  một con người rất mực tài hoa, luôn khao khát yêu thương, biết vượt lên mọi đau đớn của tinh thần và thể xác.

Nghệ thuật

  • Câu thơ bảy chữ sử dụng ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh chọn lọc, giọng thơ giàu sắc điệu, tả thực kết hợp với cách điệu.
  • Đại từ phiếm chỉ “ai” cùng sự lặp lại của các câu hỏi tu từ thể hiện sự khắc khoải, khát khao tình yêu, hạnh phúc.
  • Sử dụng, kết hợp khéo léo các biện pháp nghệ thuật: phép điệp, so sánh, nhân hóa… mang lại hiệu quả biểu đạt cao, khiến câu thơ trở nên sinh động, có hồn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Đây thôn Vĩ Dạ