Tìm hiểu chung

Tác giả

  • Hoài Thanh (1909 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Trước Cách mạng tháng Tám, ông từng tham gia phong trào yêu nước và bị thực dân Pháp bắt giam. Sau Cách mạng, Hoài Thanh hoạt động chủ yếu trong ngành Văn hóa – Nghệ thuật. Hoài Thanh từng giữ nhiều chức vụ quan trọng : Tổng thư kí Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, Tổng thư kí Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam,….
  • Ông viết văn từ những năm 30 của thế kỉ XX. Hoài Thanh là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có biệt tài trong thẩm định thơ, “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Cách phê bình của ông nhẹ nhàng, tinh tế, uyển chuyển, tế nhị và luôn thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh.
  • Các tác phẩm tiêu biểu : Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (1942), Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1950),….

Tác phẩm

Xuất xứ

Là phần cuối trích từ tiểu luận “Một thời đại trong thi ca” – tiểu luận mở đầu cuốn “Thi nhân Việt Nam” (1942).

Chủ đề 

Đoạn trích nêu rõ nội dung cốt yếu của “tinh thần thơ mới” : Lần đầu tiên “chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó”, xuất hiện trong thi ca đồng thời cũng nói lên “cái bi kịch ngấm ngầm trong hồn người thanh niên” hồi bấy giờ.

Thể loại : văn nghị luận về một vấn đề văn học.

Bố cục : gồm 3 phần

  • Phần 1 (Từ đầu … phải nhìn vào cái đại thể) : Cách xác định tinh thần thơ mới.
  • Phần 2 (Cứ đại thể … hồn ta cùng Huy Cận) : Tinh thần thơ mới – “Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi”.
  • Phần 3 (Cả trời thực, trời mộng … bảo đảm cho ngày mai) : Nỗi bi kịch thời đại được gửi gắm trong thơ mới.

Hướng dẫn học bài

Câu 1

  • Cái khó trong việc tìm ra tinh thần thơ mới :
    • “Giá trong thơ cũ chỉ có những trần ngôn sáo ngữ, … của riêng một thời nào…” : Dù ở thời đại cũ hay mới đều xuất hiện hoặc kiệt tác hoặc rác phẩm, hay dở lẫn lộn nên không khẳng định chính xác thơ cũ hay hơn hay thơ mới tốt hơn.
    • “Âu là đành phải nhận rằng trời đất … Các thời đại vẫn liên tiếp cùng nhau…” : Sự xáo trộn giữa cái mới và cái cũ – cái mới cũng không hoàn toàn mới mà cái cũ cũng chưa hẳn là lạc hậu.

==> Ranh giới để phân biệt rõ ràng đâu là thơ cũ, đâu là thơ mới rất đỗi mong manh. Ta không thể dựa vào sự hay dở của tác phẩm hay sự phân cách của thời đại để xác định thơ mới, thơ cũ => Không có căn cứ cụ thể để so sánh và đánh giá.

  • Cách nhận diện được tác giả nêu ra :
    • “…muốn hiểu tinh thần thơ mới cho đúng đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy.” : Không nên căn cứ vào các bài dở (vì thường những bài dở không được phổ biến rộng rãi hay tiêu biểu cho một thể loại hay thời đại nào cả) mà nên so sánh bài hay với bài hay để xác định tinh thần của mỗi bài hay mỗi thời là khác nhau, từ đó hiểu đúng hơn tinh thần thơ mới.
    • “…muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể” : Phải nhìn từng tác phẩm từ nhiều phía, toàn diện, khách quan chứ không nên nhìn nhận chủ quan, cục bộ, phiến diện.

Câu 2

Điều cốt lõi mà thơ mới đưa đến cho thi đàn Việt Nam bấy giờ :

  • “Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi”. Ngày trước chữ chữ tôi phải ẩn sau chữ ta, bây giờ chữ tôi xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam với “cái nghĩa tuyệt đối của nó”.
  • Cái tôi xuất hiện mang theo quan niệm trước đây chưa từng có vào thi ca Việt Nam : quan niệm cá nhân (ý thức cá nhân, khát vọng cá nhân,…).
  • Cái tôi bây giờ giờ đáng thương, tội nghiệp. Nó không còn cốt cách hiên ngang như ngày trước mà chỉ còn khổ sở, thảm hại.
  • “Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt”. Thi nhân giờ đây giải quyết bi kịch bằng cách gửi cả hồn mình vào tiếng Việt, coi tiếng Việt là vong hồn của thế hệ đã qua.

Câu 3

Tác giả nói “chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó” lại “đáng thương” và … “tội nghiệp” vì :

  • “Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân”. Ý thức cá nhân trỗi dậy làm nên cái tôi trong thơ mới đã phải hứng chịu bao chỉ trích, khó chịu của người đọc trong những ngày đầu.
  • “Thi nhân ta cơ hồ đã mất hết cái cốt cách hiên ngang ngày trước. … Đừng có tìm ở họ cái khí phách ngang tàng của một thi hào đời xưa như Lí Thái Bạch…”. Các thi nhân giờ đây đã không còn hiên ngang khí phách như trước mà “chẳng những đã đùa cảnh nghèo mà còn lấy cảnh nghèo làm vui”.
  • “Tâm hồn của họ chỉ vừa thu trong khuôn khổ chữ tôi” : Các nhà thơ mới bây giờ chỉ gửi gắm vào thơ mới nỗi niềm giao cảm với thiên nhiên, con người, tình yêu, từ đó giãi bày sự cô đơn, nỗi buồn của chính họ.
  • Họ bị bế tắc trước cảnh sống tù túng, nước mất nhà tan, trước cảnh cơ hàn khi vận mệnh đất nước tưởng như đã đi đến tận cùng :
    • Thoát lên tiên => động tiên đã khép.
    • Phiêu lưu trong trường tình => tình yêu không bền.
    • Điên cuồng => điên cuồng rồi tỉnh.
    • Đắm say => say đắm vẫn bơ vơ.
    • Ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta.

=> Khát vọng muốn phá vỡ cảnh sống bó buộc, bế tắc không chống lại được hiện thực đầy bi kịch.

Câu 4

Các nhà thơ lãng mạn cũng như “người thanh niên” bấy giờ giải tỏa bi kịch bằng cách :

  • “Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. … Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt.” : dùng tình yêu quê hương tha thiết làm chỗ dựa tinh thần, biết chúng thành cây viết, thành màu mực, viết nên những áng thơ văn chất chứa bao nỗi niềm tâm sự.
  • “Tiếng Việt, họ nghĩ, … gửi nỗi băn khoăn riêng.”.
  • Gửi gắm niềm tin mãnh liệt vào “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn ; tiếng ta còn, nước ta còn”, “tinh thần nòi giống…không sao tiêu diệt” và “cần phải tìm dĩ vãng…bảo đảm cho ngày mai”.

Câu 5

Dù là một tiểu luận phức tạp, phong phú nhưng “Một thời đại trong thi ca” vẫn dễ hiểu và hấp dẫn đối với người đọc vì tác giả nắm bắt được tâm lí của các bạn đọc trẻ tuổi, đưa ra quan điểm nghệ thuật đúng đắn :

  • Nhận định có tính khái quát cao, chỉ ra được phong cách riêng của từng nhà thơ một cách tinh tế (“Ta thoát lên tiên cùng … Huy Cận”).
  • Câu văn nghị luận giàu chất thơ, chất nhạc ; cách viết mềm mại, uyển chuyển, hàm súc có tác dụng thu hút sự chú ý, khơi gợi cảm xúc.
  • Giọng điệu nhẹ nhàng như lời tâm tình, sẻ chia.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người đóng góp
Comments to: Một thời đại trong thi ca